Đồ dùng để cách phòng thi tốt nghiệp 25m, có ngăn được gian lận?

12-06-2022 15:01 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo quy định mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay thí sinh phải để đồ cách phòng thi 25m nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận thi cử bằng công nghệ cao. Tuy nhiên, quy định này đang vấp phải khó khăn trong quá trình triển khai ở một số địa phương.

Làm sao để xác nhận thí sinh mắc COVID-19 chính xác và đúng quy định?Làm sao để xác nhận thí sinh mắc COVID-19 chính xác và đúng quy định?

SKĐS - TS. Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, với trường hợp đang cách ly điều trị tại nhà hoặc nơi lưu trú sẽ do Trưởng BCĐ chống dịch ra quyết định việc áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà. Thí sinh sử dụng giấy xác nhận này làm căn cứ xác nhận bị COVID-19.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định Cao Xuân Hùng, năm nay, toàn tỉnh Nam Định có gần 19.900 thí sinh dự thi tại 35 điểm. Tỉnh gần như đã hoàn tất việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đảm bảo tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Tuy nhiên, ông Hùng băn khoăn về việc thí sinh sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận mà theo ông là tình trạng ngày càng phức tạp.

Ông Hùng cho biết, cán bộ coi thi dù đã được tập huấn vẫn khó phát hiện sự gian lận tinh vi. Để đồ dùng cách 25m chưa chắc đã ngăn được các thiết bị công nghệ cao thu phát. Do đó, Bộ GD&ĐT nên phối hợp với Bộ Công an đưa ra dự báo, hướng dẫn trước những tình huống có thể xảy ra và hướng dẫn cụ thể hơn về quy định trên.

Đồ dùng để cách phòng thi tốt nghiệp 25m liệu có ngăn được gian lận? - Ảnh 2.

Một số thiết bị sử dụng trong gian lận thi cử. Ảnh minh họa

Đại diện Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, nếu Bộ GD&ĐT không có phương án cụ thể về việc đặt vật dụng của thí sinh cách phòng thi 25m thì đơn vị đề nghị áp dụng phương án riêng phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi hội đồng thi. Ví dụ, địa điểm ít phòng thi có thể bố trí chỗ để vật dụng tập trung và người giám sát.

Là địa phương có đông thí sinh dự thi như TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cũng bày tỏ quy định này rất khó thực hiện. Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, số lượng thí sinh ở mỗi điểm thi rất lớn. Nếu đưa vật dụng vào các phòng tập trung thì sẽ rất khó khăn cho các em trong việc lấy đồ của mình sau môn thi buổi sáng, chuẩn bị cho bài thi buổi chiều. "Năm nay, khả năng thu phát của thiết bị là 25m, nhưng năm sau có thể lên đến 50m thì chúng ta làm thế nào? Và liệu rằng để xa 25 m thì có ngăn được gian lận hay không?".

Về vấn đề này, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh - Cục phó Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 Bộ Công an) nhận định, lo lắng của các địa phương là có cơ sở bởi tình trạng mua bán thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang vẫn tồn tại và sự gian lận bằng thiết bị công nghệ cao vẫn xuất hiện ở các kỳ thi.

Cơ quan chức năng nhận thấy, về cơ bản, các thiết bị phát sóng điều khiển từ xa có thể thu nhận tín hiệu trong khoảng cách 20-25m nên đã cảnh báo Bộ GD&ĐT. Trong hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Bộ yêu cầu các địa phương đảm bảo khoảng cách này giữa phòng thi và nơi bảo quản vật dụng cá nhân của thí sinh.

Ông Mạnh cho biết, theo quy chế, thí sinh có thể mang vào các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp. Việc này nhằm giúp thí sinh giám sát sự nghiêm túc, khách quan trong phòng thi. Tuy nhiên, ông Mạnh đề xuất không cho thí sinh mang các thiết bị đó vào vì khó đánh giá thiết bị có truyền, nhận được thông tin hay không. Không chỉ cán bộ coi thi, ngay cả chuyên gia cũng khó phát hiện.

Về phía Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ vẫn nhấn mạnh đây là quy định buộc phải thực hiện để đảm bảo an toàn cho kỳ thi và quy định này được Bộ bổ sung theo góp ý từ phía cơ quan công an. Mặc dù thế, cũng có thể cho phép các địa phương linh hoạt trong thực hiện, như việc để các vật dụng vào thùng giấy, thùng tôn, bố trí người giám sát và khuyến khích các địa phương có cách làm, phương án riêng.

Các vật dụng được phép và không được phép mang vào phòng thi

Quy chế thi của Bộ GD&ĐT quy định rõ, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ, Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn thi Địa lý, các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin nhưng không thể nghe, xem và không thể truyền, nhận được thông tin, tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.

Thí sinh lưu ý những vật dụng cấm mang vào phòng thi bao gồm: Giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn, vũ khí và chất gây nổ, gây cháy, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi.



Đỗ Vi
Ý kiến của bạn