Nay cái thú rủ nhau đi khắp Long Thành chơi phố “Hàng” giờ đã mất mà thay thế bằng các cuộc du hý làng nghề. Đó là những cuộc chơi về cái gốc của mỗi phố “Hàng” xưa. Tôi cũng hay “phượt” chợ đây đó. Nói đến “phượt” bởi lẽ có chợ làng nghề cũng xa lắm, tới hơn 50 cây số như chợ hàng Khảm ở Chuôn Ngọ, Phú Xuyên, xa hơn nữa là làng nghề tò he Xuân La cũng ở huyện này, bởi lẽ đến huyện rồi còn đi vòng vèo, qua mấy cánh đồng và chục con cầu mới đến. Ấy là chưa nói nếu “phượt” lên Ba Vì, vào làng chè Ba Trại có mà mệt nghỉ...
Những người thợ khảm trai.
Chưa hết, nếu tính tới hiện Hà Nội có đến hơn 1.300 làng nghề, ắt hẳn cũng có tới 1.300 cái chợ bán sản phẩm của làng và cứ xếp lịch đi chơi chợ theo thứ tự vần chữ cái của tên chợ thôi cũng đã quanh năm suốt tháng. Tôi có cái máu “phượt” thật sự, nên không tuần nào tôi không đi đến chợ của một làng nghề nào đó. Cho dù chỉ là đi chơi, đi ngắm hàng, thích thì mua không thì hẹn lần khác lại đến xem có gì mới không. Nếu không chí ít tôi cũng thuộc hay biết đến một câu ca dao của làng nghề đó mà tôi ghi chép được. Câu ca dao mới nhất, gần đây tôi thuộc trong dịp đến chợ quê bỏng kẹo làng Lủ, rằng: “Mình từ làng kẹo mình ra - Nên mình mới ngọt cho ta phải lòng”. Thế là vui rồi. Tôi nghĩ chắc có nhiều người mắc bệnh “nghiện” chợ làng nghề như tôi, chứ chẳng phải chỉ là những du khách từ phương xa đến.
Có lẽ vì thế chăng, hiện nay mọi người quan tâm tới cái gọi là kết hợp du lịch với văn hóa làng nghề, cho dù hiện không ít làng nghề truyền thống xưa đã mai một hoặc khó giữ cho trọn vẹn. Nhưng trong các chuyến dẫn du khách đến các làng nghề hiện nay, họ sẽ được tiếp nhận một nét văn hóa nào của làng nghề, nếu chỉ đi dạo quanh chợ, xem hàng. Hay cùng lắm, hướng dẫn viên nào đó, có kinh nghiệm hoặc có kiến thức, sẽ nói qua những nét chính về sự phát triển hoặc đặc điểm của làng nghề mà họ đưa du khách đến? Đấy cũng gọi là khả dĩ nhưng, vẫn chưa rõ màu sắc văn hóa của chính nó. Sự phiến diện về văn hóa chính là một căn bệnh trong hành trang của ngành du lịch Hà Nội, bấy lâu nay. Chính vì thế mà nhiều du khách đã không muốn quay lại nơi đây. Nói đến môi trường hay nói đến công nghệ thì không có gì khó, khắc phục nó chỉ ngày một ngày hai, nhưng du khách đâu có quan tâm, mà họ cần biết đến cái thần thái và đời sống xã hội ngàn năm, phía sau sản phẩm, cho dù đẹp hay xấu.
Nếu ai từng đến làng khảm trai ở làng Ngọ, thuộc xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên đều thấy rõ, ở đây hầu hết những sản phẩm đẹp đều do những nghệ nhân trẻ thực hiện với từng công đoạn khó nhất của nghề khảm này, với những sắc màu và hình tượng hết sức phong phú. Có dịp, du khách vào thăm nhà nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Lãng, mới ngạc nhiên khi thấy những tác phẩm khảm trai của anh thật tinh xảo. Đặc biệt anh đã được nghệ nhân giỏi nhất làng là cụ Trần Bá Dinh truyền cho kỹ thuật khảm chân dung, một trong những thủ pháp khó nhất của nghệ khảm trai ốc trên gỗ quý. Nguyễn Văn Lãng qua sản phẩm khảm chân dung Bác Hồ đã được giải thưởng, đoạt kỷ lục về bức khảm chân dung lớn nhất, và được đặc cách phong danh hiệu Nghệ nhân làng nghề khi mới tròn 30 tuổi. Sinh thời, nghệ nhân Trần Bá Dinh rất tự hào về người học trò còn nhỏ tuổi này, về độ khéo tay và ham học hỏi, nhẫn nại ngày đêm thực hiện cho đến độ hoàn hảo nhất sản phẩm mỗi khi được trao. Sắp tới, một nghệ nhân trẻ khác của làng là Nguyễn Đình Vinh cũng đang thực hiện tác phẩm khảm chân dung Bác Hồ trong ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập, với khổ lớn (1,93mx1,28m), với hy vọng xác lập kỷ lục mới về khổ tranh khảm trai lớn nhất hiện nay.
Không khí ganh đua trên ở các làng nghề đã tạo nên một không khí thi đua sôi nổi của những người thợ trẻ. Ngay ở làng nón Chuông ta cũng thấy sự tất bật của những người thợ trẻ trong công việc. Chính vì có các cụ khéo tay và giữ gìn cái nghề của làng như cụ Viết, cụ Canh, cụ Ba, cụ Hai Cát... nên mới có các trò giỏi như anh Tuy, chị Hương. Vậy nên mới có chiếc nón khổng lồ của làng Chuông do cơ sở sản xuất Hùng Vương của chị Hương làm tạo nên biểu trưng cho dân tộc trước Hội nghị thượng đỉnh Apec, từ cái đận 2006, chị Hương còn tự hào nói:
- “Xưa, nón làng Chuông đã từng cung tiến để Hoàng Hậu, công chúa dùng. Không lẽ nào lớp con cháu lại làm mất đi cái nghề đã tồn tại hơn 500 năm nay”.
Tôi chợt nhớ đến một chuyến đi chợ quê, làng nghề nổi tiếng lâu nay, cùng với một người bạn, nhưng chuyến đi đã làm tôi giật mình và mường tượng rằng, đây chăng cái gọi là sự quan tâm đến văn hóa của du khách đến làng nghề nào đó chăng. Thực ra, tôi là một tay chuyên sưu tầm các loại ấm trà, với nhiều chất liệu, kiểu dáng đã vài chục năm nay, nên tôi hay lang thang lọ mọ đến những nơi bày gốm sứ. Bất kể nơi nào, từ các cửa hàng trên phố, hay bến bãi dọc các triền sông, ở nhiều tỉnh lẻ và địa phương xa có lò gốm nổi tiếng, tôi đều mò tới. Riêng chợ gốm Bát Tràng thì không mấy khi vắng mặt. Tôi cứ đi và chợt gặp, chợt mua những cái ấm mới mà mình thích, với mọi màu sắc khác nhau. Có nhiều đận tôi còn tạt vào các nghệ nhân ở trong làng để thăm dò hàng, nên tôi khá thông thuộc mọi nguồn ấm tách ở cái làng gốm 700 năm này.
Mới đây, nhà văn Y Ban nhờ tôi đưa bà Ka Tô, một giáo viên Khoa tiếng Việt, kiêm dịch giả người Nhật, đi sang chợ Bát Tràng để tham quan. Tôi rất vui nhưng lại có một yêu cầu, bà Ka Tô phải ngồi xe máy của tôi với hình ảnh đi xe ôm, đúng với nghĩa đi chợ làng. Chứ cầu kỳ ngồi trên ô tô, hay đi taxi sẽ mất hết cái cảnh ngắm sông nước, bãi ngô, hoa cải, vườn chuối, nương dâu trên đường. Ai dè bà Ka Tô đồng ý và còn đề xuất với tôi một yêu cầu là tôi phải dẫn bà vào đúng cái làng cổ Bát Tràng, trên bến sông Hồng xưa, để gặp nghệ nhân làm nghề. Tôi bỗng giật mình vì yêu cầu của bà, bởi lẽ ít người quan tâm điều này và chính tôi cũng không để ý lắm đến cái gốc gác bản làng ấy, cho dù đã đi lại nhiều lần qua nơi đây.
Hàng gốm Bát Tràng.
Và thế là chính tôi phải lần mò, đi cùng bà Ka Tô vào những con ngõ đầy rêu và những nấm than còn đắp trên tường gạch của những ngôi nhà cổ nhất trong làng mang cái tên cúng cơm của Bát Tràng xưa. Tôi sững sờ vì những lối ngõ nhỏ, thoắt ẩn, thoắt hiện sâu hun hút trong chiều gió. Đây đó, những mái nhà và những ống khói vuông vẫn còn phảng phất hơi thở của than nóng. Mấy người cùng đi cũng không khỏi ngạc nhiên vì khi rẽ vào các lò gốm đang sản xuất và những sản phẩm bày bán ngay trong nhà của họ, mới hấp dẫn làm sao. Khác hẳn hàng ngoài chợ. Ở đây, chính những người thợ có thể nói những gì mà họ đang làm cho du khách phải thích thú, như vì sao mà có màu men này, lấy chất liệu bằng cách nào, hay cái tích chuyện của họa tiết này là từ đâu mà có; thậm chí họ còn lộ hết bí mật về cách pha chế tạo màu như thế nào... Riêng về giá cả thì ở những lò sản xuất này, bao giờ cũng là giá gốc, không phải gánh thêm giá thuê cửa hàng và công chuyên chở. Quan hệ khách và chủ trở nên thân thiện vì thế. Chính ở tại lò nung gốm của nghệ nhân trẻ Thế Anh, lần đầu tiên tôi cùng bà Ka Tô nghe câu chuyện, vì sao có câu ca dao:
“ Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây…”
Anh còn giải thích tỉ mỉ vì sao gạch Bát Tràng lại có tiếng và đi vào ca dao. Viên gạch ấy như thế nào, hình thù ra sao, được nung thế nào và màu sắc độc đáo của nó. Và vì sao đến nay làng không còn có loại gạch đó nữa... Bà giáo viên người Nhật mải miết ghi chép như một học sinh học bài văn hóa Việt.
Vậy đó, ở ngoài các sạp ở chợ bày ngoài làng thì khách chỉ có mỗi việc trả giá, rồi đi. Thậm chí không ít hàng sứ của nước ngoài trộn vào. Đó là một không khí nguội lạnh thị dân. Nhưng ở trong ngóc ngách của những cái lò gốm lại khác. Đó là sự sống của sản vật. Đó là tinh thần của con người và đó còn là cái hồn của làng nghề có sức truyền cảm đến những du khách. Phải nói đó là một khía cạnh văn hóa du lịch của một làng nghề mà không chỉ mỗi việc bày ra một cái chợ là xong. Sau lần đi ấy, bà Ka Tô viết mail cảm ơn tôi về chuyến đi, nhưng ngược lại tôi cũng thầm cảm ơn bà, bởi chính vì yêu cầu của bà đã làm tôi có cách nhìn với chiều sâu hơn về cái hồn cốt của những cái ấm đất đang bày ở trên giá gỗ, mà hàng ngày tôi vẫn ngắm nó. Giờ chúng lung linh hơn, như có hơi thở và bàn tay ấm áp của những người thợ làm ra nó trong ngọn lửa, luôn luôn bên cạnh tôi.
Thế đó, tôi kể ra cũng coi như một bài học trong những chuyến “phượt” làng nghề cho mình. Bởi lẽ tìm cho ra những điều khuất lấp, hay bí ẩn phía sau, hoặc lịch sử của một làng nghề quả là cuộc chơi văn hóa rất kỳ thú. Biết bao chuyện cổ tích đang chờ đón bạn. Và tôi cũng rất mong trong cuộc “phượt” thật dài, tới 1.300 tập làng nghề của tôi nay mai, sẽ có bạn đồng hành. Bởi lẽ trong tôi luôn hy vọng rằng, bạn cũng như tôi, vẫn còn ghi dấu trong lòng những lời nhắn nhủ xưa rằng:
“Thăng Long, Hà Nội đô thành
Nước non ai vẽ nên tranh họa đồ
Cố đô rồi lại tân đô
Nghìn năm văn vật bây giờ vẫn đây”