Đồ chơi trung thu truyền thống khơi dậy nét đẹp văn hóa Việt

24-09-2020 20:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Những món đồ chơi truyền thống như: đèn ông sao, đèn kéo quân, ông tiến sĩ giấy, mặt nạ giấy bồi, phỗng đất ... là một phần không thể thiếu, tạo nên nét duyên riêng của Tết trung thu, ngay cả trong đời sống hiện đại.

Khi tết trung thu về thì những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi…, sẽ là những vật thể đầu tiên để trẻ thấy được bản sắc văn hóa của dân tộc. Đằng sau những món đồ chơi giản dị đó là câu chuyện tâm huyết gìn giữ những nét văn hóa truyền thống.

Đèn kéo quân, hay còn gọi là đèn cù, khi thắp nến lên thì những hình ảnh được thiết kế bên trong sẽ hiện ra trên mặt đèn giống như rối bóng và xoay vòng theo cùng một chiều liên tục không dừng lại. Đèn kéo quân có mục đích ban đầu là để trẻ em nhớ về lịch sử cũng như giáo dục lòng yêu nước nên hình ảnh trên cây đèn thường nói về việc nghĩa, về những đoàn quân lính xung trận…, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền chia sẻ.

Với mong muốn đem lại cho con trẻ những niềm vui, nhiều năm nay, cứ vào dịp trung thu, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền thường xuyên có mặt tại Thủ đô để hướng dẫn các em thiếu nhi làm các loại đèn. Các nghệ nhân luôn mong muốn dạy được thật nhiều em nhỏ biết làm đèn kéo quân, đèn ông sao.

“Hòa cùng không khí tết trung thu sắp đến, nơi đây đã làm cho tôi gợi nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu của tôi cùng lũ trẻ con trong xóm rước đèn ông sao, chơi múa lân...” đó là chia sẻ của cô gái Nguyễn Mỹ Hạnh từ cố đô Huế lần đầu ra Hà Nội, được tiếp xúc với các nghệ nhân làm đồ truyền thống trong dịp tết trung thu.

“Người phải lòng ông tiến sĩ giấy” - là tên gọi thân thiết mọi người dành cho nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội - một trong những nghệ nhân hiếm hoi còn lại trong làng vẫn gắn bó với nghề làm ông tiến sĩ giấy. Nghệ nhân Tuyến tâm sự: “Bao nhiêu năm nay tôi vẫn cố giữ nghề truyền thống này một phần vì đây là nghề gia truyền không muốn để đến đời mình thì bị thất truyền, một phần cũng là muốn giữ lại những nét đẹp trong ngày Tết Trung thu cho con cháu sau này.

Mỗi món đồ chơi được các nghệ nhân khéo léo, tỉ mỉ tạo nên những hình thù độc đáo sáng tạo nhưng vẫn mang giá trị văn hóa bản sắc dân tộc, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, hiếu thảo với bố mẹ.

Từ những vật liệu truyền thống như lá dừa, nam tre, nghệ nhân giàu sáng tạo Nguyễn Văn Thắng đã cho ra những sản phẩm tinh tế, hiện đại được rất nhiều các bạn trẻ yêu thích.

Hiện nay đồ chơi điện tử ngày càng nhiều đó cũng chính là xu thế của thời hiện đại, tuy nhiên những những nghệ nhân làng nghề vẫn đang âm thầm, lặng lẽ “giữ lửa” với nghề với mong muốn qua những món đồ chơi dân gian trẻ em ngày nay sẽ có cơ hội tiếp xúc với đồ chơi xưa, tìm hiểu về nó, thích thú, yêu mến nó và có một tuổi thơ đúng nghĩa.

Với mong muốn giữ gìn nét đẹp của tết trung thu xưa, ngày 26-9 tới tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ tổ chức chương trình "Người giữ lửa trung thu".


Tuấn Anh
Ý kiến của bạn