Chì trong sơn - càng sặc sỡ càng độc
Theo nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) được thực hiện vào năm 2019 cho thấy:
- 40% (6/15) mẫu sơn lấy tại các trường mầm non và hộ gia đình chứa chì vượt tiêu chuẩn an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy hại. Nồng độ chì trung bình trong các mẫu này là 541.27mg/kg (thấp nhất là 390.19 và cao nhất là 852.05). Trong đó các mẫu sơn màu nóng như đỏ, vàng có hàm lượng chì vượt cao hơn các mẫu sơn màu xanh.
- 37.5% (6/16) mẫu đồ chơi tại các trường mầm non có chứa chì với hàm lượng trung bình là 2207,83 ppm (thấp nhất là 193 ppm, cao nhất là 4895 ppm); trong số các mẫu có chứa chì, các mẫu đồ chơi bằng gỗ phủ sơn chiến 4/6 mẫu, các mẫu đồ chơi nhựa 2/6 mẫu.
Điều đáng quan ngại hơn là người tiêu dùng, các bậc phụ huynh khi lựa chọn các loại sơn hoặc đồ chơi chưa có sự quan tâm đúng mức đối với hàm lượng chì nói riêng cũng như hàm lượng các kim loại nặng nói chung trên đồ chơi. Trẻ nhỏ nhất là trẻ trong giai đoạn mầm non thường hiếu động, nhiều trẻ có thói quen ngậm, cắn đồ chơi, điều này làm gia tăng nguy cơ ngộ độc chì đối với trẻ.
Các đồ chơi khối gỗ nhiều màu sắc có thể tiểm ẩn nguy cơ nhiễm độc chì cho trẻ nhỏ
Đừng tô tương lai trẻ bằng “màu xám” của chì
Theo Tổ chức Y tế thế giới, chì là một trong mười kim loại nặng cần được quan tâm nhất là đối với sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em. Chì không có một vai trò thiết yếu nào trong cơ thể con người. Nhiễm độc chì chiếm 0.6% trong tổng số các căn bệnh trên toàn thế giới, tạo nên mối nguy đối với sức khỏe và gánh nặng cho toàn cầu.
Dù bị phơi nhiễm với nồng độ chì ở mức thấp hay cực kỳ thấp thì chì đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nói riêng và mọi người nói chung.
Thông tin từ Trung tâm chống độc BV Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, sau khi được hấp thu, chì vào máu và ít nhất khoảng 99% lượng chì gắn với hồng cầu. Sau đó, chì vào các tổ chức mềm (nồng độ không ổn định) và vào xương (ổn định hơn). Về lâu dài, chì tập trung chủ yếu ở xương, đặc biệt ở vỏ xương. Ở người lớn, 95% lượng chì của cơ thể ở xương, trong khi ở trẻ em là 70%. Chì tích lũy ở xương suốt cuộc đời, bắt đầu ngay từ khi là bào thai đến tất cả các hình thức tiếp xúc về sau này. Điều này đặc biệt quan trọng khi có thai, cho con bú, người cao tuổi có loãng xương và trẻ em bị bất động do gãy xương hoặc bệnh lý thần kinh. Chì tích lũy ở răng, đặc biệt ngà răng trẻ em, đây là nguyên nhân gây ngộ độc kéo dài và việc điều trị tốn thời gian. Chì trong thần kinh trung ương đặc biệt nguy hiểm. Chì tập trung ở các chất xám của não và tủy sống.
Phần lớn trẻ bị ngộ độc chì có biểu hiện bệnh khó xác định, rất dễ bị bỏ sót, chỉ có thể phát hiện thấy khi khám chuyên khoa kỹ lưỡng (ví dụ khám chuyên khoa tâm thần và đánh giá bằng thang điểm đánh giá phát triển tinh thần) và xét nghiệm.
Trẻ nhiễm độc chì sẽ có các dấu hiệu như về thần kinh trẻ hôn mê, co giật, có thể tăng kích thích, ngủ lịm từng lúc, bị liệt… Thái độ hành vi kỳ dị, ít chơi, mệt mỏi, khó chịu, vô cảm, mất phối hợp; mất đi các kỹ năng, học kém, chậm phát triển tinh thần. Khi trẻ có biểu hiện nặng trên thần kinh trung ương (hôn mê, co giật) thì 25-30% số trẻ này có di chứng như chậm phát triển trí tuệ, co giật, mù và liệt vĩnh viễn. Tiêu hóa của trẻ có các dấu hiệu như nôn, đau bụng, chán ăn, thiếu máu…
Các nghiên cứu cho thấy, có mối liên quan tỷ lệ nghịch giữa chỉ số thông minh của trẻ em và nồng độ chì máu, kể cả khi nồng độ chì máu dưới 10mcg/dL. Với chứng bệnh tăng vận động và giảm tập trung, ngay cả khi nồng độ chì máu dưới 10mcg/dL, trẻ có chì trong máu càng cao thì càng dễ mắc chứng bệnh này. Ngộ độc chì ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ.
ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên- giám đốc Trung tâm chống độc BV Bạch Mai cảnh báo, nhiễm độc chì có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của trẻ em như gây teo não, yếu cơ, liệt cơ, ảnh hưởng nội tiết, tim mạch của trẻ.
Cần thận trọng khi sử dụng “thuốc cam” cho trẻ trong chữa bệnh
Theo một số nghiên cứu, sơn có chứa chì là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nhiễm độc chì ở trẻ em. Trong đó, nguyên nhân dẫn đến nhiễm độc chủ yếu do trẻ ngậm các loại đồ vật, đồ chơi với lớp sơn có chứa chì, nuốt các mảng sơn tróc (sơn tường, sơn trên đồ chơi...) do dính trên tay, đồ chơi rồi được đưa lên miệng. Ngoài ra, một số nguồn chứa nguy cơ nhiễm độc chì phổ biến khác đối với trẻ nhỏ tại Việt Nam đặc biệt tại khu vực phía Bắc là “thuốc cam”. Đây là bài thuốc Nam được các gia đình dùng để trị biếng ăn, tưa lưỡi, viêm lợi bằng cách uống hoặc bôi.
Gần đây, xuất hiện loại “thuốc cam” do các ông bà lang bào chế từ nguồn gốc nguyên liệu không rõ ràng, chất lượng không kiểm soát và không phải thuốc được cấp phép lưu hành. Một số mẫu “thuốc cam” dạng bột, viên có vị hồng đơn (là khoáng chất chì). Khi xét nghiệm cho thấy nồng độ chì rất cao.
Nhiễm độc chì gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của trẻ. Mỗi phụ huynh cần cân nhắc cẩn trọng và kỹ lưỡng khi lựa chọn màu sắc cho những mảng tường, đồ chơi cũng như các nguyên nhân có thể gây nhiễm độc chì khác, để tương lai của trẻ không bị bao phủ một “màu xám” của chì. Không chỉ riêng với trẻ, nhiễm độc chì còn có thể gặp phải và gây nguy hại với tất cả mọi người, mọi lứa tuổi.