Dỡ bỏ dải phân cách ở Hà Nội: Các ý kiến thuận - nghịch

30-01-2015 7:16 AM | Thời sự

SKĐS - Mấy ngày nay, người dân Hà Nội tham gia trên các đường Phố Huế - Hàng Bài, Bà Triệu, Xã Đàn - Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt và Giải Phóng..., đều có cảm giác đường dường như thông thoáng hơn vì không còn dải phân cách cứng

Mấy ngày nay, người dân Hà Nội tham gia trên các đường Phố Huế - Hàng Bài, Bà Triệu, Xã Đàn - Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt và Giải Phóng..., đều có cảm giác đường dường như thông thoáng hơn vì không còn dải phân cách cứng bằng bê tông ngăn tách, thay vào đó là các vạch sơn phản quang, đang dấy lên nhiều tranh cãi về việc nên hay không dỡ bỏ các dải phân cách này?

Không đạt hiệu quả như mong muốn

Tháng 9/2011, HĐND TP. Hà Nội đồng ý với đề án của Sở GTVT Hà Nội về việc áp dụng biện pháp phân làn chia tách ôtô, xe máy đi theo đường dành riêng trên các tuyến phố của Hà Nội nhằm tạo ý thức tham gia giao thông của người Hà Nội được tốt hơn, tránh việc tùy tiện đường ai nấy đi. Kinh phí cho việc sơn kẻ đường, biển báo, kinh phí phục vụ hướng dẫn, cưỡng chế phân làn... ước tính kinh phí cho việc thực hiện dự án lên đến 24 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó một thời gian ngắn, các dải phân cách này thường xuyên bị người tham gia giao thông đâm phải, gây hư hỏng cần sửa chữa, lại tốn thêm một khoản chi phí không nhỏ. Tốn nhiều chi phí và công sức như vậy nhưng dường như những dải phân cách này lại không hề phát huy tác dụng như mong muốn. Nhiều người còn ví nó như chướng ngại vật đối với người tham gia giao thông.

Dải phân cách bị xe ôtô đâm đổ.  (Ảnh minh họa)

Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội xảy ra nhiều vụ tai nạn do người điều khiển phương tiện đâm vào dải phân cách gây bức xúc dư luận. Nhiều cử tri Hà Nội đã kiến nghị, nên thay thế dải phân cách cứng chia tách làn ôtô xe máy bằng vạch sơn phản quang vì dải phân cách cứng không đem lại hiệu quả, thậm chí đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây họa cho người tham gia giao thông.

Trong sáng 29/1, PV báo SK&ĐS có mặt tại phố Xã Đàn, anh Thành Phùng Đan (làm nghề xe ôm) và một số người cho rằng, việc thay dải phân cách cứng bằng vạch sơn phản quang làm cho người dân tham gia giao thông dễ dàng hơn, cảm giác thông thoáng hơn, sẽ không còn chứng kiến những vụ tai nạn đâm vào dải phân cách. Đó cũng là ý kiến của số đông người dân tại khu vực này.

Nhiều ý kiến khác nhau

Mới đây, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: “Việc tháo dỡ các dải phân cách này là do ý thức chấp hành luật giao thông của người dân đã tăng cao, trên những tuyến có phân làn, tình trạng lấn làn tuy còn nhưng không đáng kể nên Sở GTVT đã tháo dỡ dải phân cách cưỡng bức, thay vào đó là những vạch sơn, biển báo hiệu mềm mại, an toàn hơn”. Tuy nhiên, trái với nhận định của ông Tân, sau khi các dải phân làn cứng được dỡ bỏ, tình trạng đi sai làn, lấn làn trên một số tuyến phố không được cải thiện mà còn nghiêm trọng hơn, đặc biệt vào giờ cao điểm như Xã Đàn, đường Giải Phóng.

Trao đổi với PV, Trung úy Lê Văn Nghiệp - cán bộ Đội CSGT số 4, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP. Hà Nội) tại chốt trực trên ngã tư Phố Huế - Bạch Mai - Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, cho biết: Đồng tình với việc nên để lại dải phân cách cứng, vì đó là biện pháp có tính cưỡng chế với người tham gia giao thông trong thành phố, bắt buộc người điều khiển phương tiện phải tuân thủ làn đường, tuân thủ tốc độ đi trong thành phố, không vượt ẩu được, sẽ ít diễn ra tình trạng ùn tắc đường trong giờ cao điểm.

Bình luận về vấn đề này trên báo Infonet, chuyên gia giao thông đô thị - TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc dỡ bỏ dải phân cách cứng thể hiện tầm nhìn trong quy hoạch cũng như việc thực hiện chống ùn tắc của Hà Nội thiếu chuyên nghiệp và bất hợp lý. TS. Nguyễn Xuân Thủy không đồng tình với lý giải của TP. Hà Nội khi cho rằng, bỏ dải phân cách cứng do ý thức người tham gia giao thông đã được cải thiện. Bởi nếu quan sát trên đường phố sẽ thấy đường nào không có công an, người đi xe máy vẫn đi vào làn đường dành cho ôtô.

Để thực hiện tháo dỡ các dải phân cách hiện nay và việc trả lại hiện trạng mặt đường sẽ ngốn một khoản kinh phí không nhỏ, điều này dẫn đến hệ quả tất yếu là đồng tiền của người dân đóng góp bị lãng phí một cách vô ích. Để diện mạo giao thông đô thị của Thủ đô có sự thay đổi, trong thời gian tới rất cần sự bàn bạc thấu đáo của những người có trách nhiệm và hơn hết đó chính là ý thức tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông của mỗi người dân Thủ đô.

Thục Viên

 

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH