Theo hãng tin Tân Hoa, lễ triển khai binh sỹ được diễn ra tại một quân cảng ở Trạm Giang, phía nam Trung Quốc. Tuy nhiên, số lượng hay đơn vị binh sĩ được triển khai không được Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo. Tân hoa xã lý giải việc thành lập căn cứ quân sự là một quyết định phù hợp với lợi ích chung của cả hai nước Trung Quốc và Djibouti, đảm bảo cho quân đội của Trung Quốc thực hiện các nhiệm vụ như hộ tống, gìn giữ hòa bình và viện trợ nhân đạo ở các khu vực châu Phi và Tây Á. Căn cứ này cũng sẽ hỗ trợ đắc lực cho Trung Quốc trong các vấn đề, như hợp tác quân sự, tập trận chung, di tản và bảo vệ cứu hộ người Hoa ở nước ngoài cũng như các trường hợp cứu hộ khẩn cấp, đồng thời duy trì an ninh cho các chuyến hàng hải chiến lược quốc tế. Còn tờ Giải phóng quân nhân dân Trung quốc khẳng định, nước này không có tham vọng bành trướng cũng không có ý đồ chạy đua vũ trang ở châu Phi. Căn cứ ở Djibouti chỉ là «cơ sở hậu cần» tiếp đón chiến hạm Trung Quốc tham gia các chiến dịch nhân đạo và duy trì hoà bình, nhất là ở hai nước Yemen và Somalia. Nhưng theo báo chí Djibouti, căn cứ mới của Trung quốc thực chất là căn cứ hải quân đầu tiên của Trung Quốc ở bên ngoài quốc gia.
Binh lính Trung quốc chính thức có mặt tại căn cứ quân sự Djibouti
Thực ra, việc Trung quốc lập căn cứ quân sự ở Djibouti không khiến dư luận ngạc nhiên. Năm 2016, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một căn cứ hậu cần ở Djibouti. Trước đó, từ năm 2015, Trung quốc đã cử nhiều đoàn cấp cao quân sự sang quốc gia trên. Trong đó, ông Tập Cận Bình đã cử đặc phái viên Nghiêm Tuyển Kỳ , Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Phó Chủ tịch Quốc hội) Trung Quốc, đã tới dự lễ nhậm chức của nhà lãnh đạo Djibouti. Mối quan hệ Trung quốc- Djibouti ngày càng “mặn nồng” khi ngày ngày 16/11/2016, Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều thăm chính thức quốc gia châu Phi, trong đó hai bên tập trung thỏa luận về hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh và kinh tế song phương. Trong cuộc hội đàm, Phó Chủ tịch Trung Quốc cam kết Bắc Kinh coi tăng cường quan hệ với Djibouti là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc tại châu lục này vì Djibouti có liên quan đến các vấn đề lợi ích cốt lõi của Bắc Kih tại khu vực và thế giới. Trong khuôn khổ kế hoạch hợp tác Trung Quốc - châu Phi 10 năm, do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố tại Hội nghị thượng đỉnh FOCAC Johannesburg và Sáng kiến "Một vành đai, một con đường" năm 2016, Djibouti hy vọng sẽ nhận được nhiều khoản đầu tư từ Trung Quốc. Vì thế, việc Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên tại Djibouti là điều không khó dự đoán.
Tàu chiến Trung Quốc sẽ thường xuyên có mặt tại châu Phi
Vậy vì sao Djibouti lại có ý nghĩa quan trọng như vậy đối với Trung Quốc. Nằm ở vị trí chiến lược đặc biệt ở khu vực Sừng châu Phi, Djibouti kiểm soát cửa ngõ đi vào Biển Đỏ và kênh đào Suez và được hải quân các nước sử dụng như một điểm trung chuyển trong cuộc chiến chống cướp biển từ quốc gia láng giềng Somalia. Hiện Mỹ, Pháp và Nhật Bản đều đã đặt các căn cứ quân sự ở quốc gia trên. Tờ Jeune Afrique dẫn lời các chuyên gia cho rằng thực chất bước đi của Trung quốc nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ cũng như từng bước kiểm soát khu vực địa chiến lược này. “Nếu so sánh, Hoa Kỳ đã có hơn 600 căn cứ quân sự ở nước ngoài và Pháp có khoảng 10”, Jeune Afrique dẫn lời bà Juliette Genevaz, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược của Học viện Quân sự Pháp phân tích. Với địa vị một nước lớn như Trung Quốc “dĩ nhiên việc xây dựng căn cứ nước ngoài là một sự thể hiện tầm ảnh hưởng”.
Mặc dù Trung quốc luôn nhấn mạnh rằng căn cứ ở Djibouti chỉ để "hoàn thành tốt hơn nghĩa vụ quốc tế", nhưng động thái của Trung Quốc đã khiến nhiều nước lo ngại. Trong một báo cáo hồi tháng 6, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ước tính rằng các cơ sở của Trung Quốc "phản ánh và khuếch đại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, làm tăng phạm vi của các lực lượng vũ trang của nước này". Ấn độ bày tỏ lo ngại với nghi ngờ Trung quốc thêm Djibouti vào «vành đai chuỗi ngọc » với một loạt dự án từ Myanmar, Bangladesh đến Sri Lanka phục vụ cho tham vọng của Trung quốc.
Nhận định về động thái này, tờ Les Echos (Pháp) cho rằng “dù Djibouti là một nước bé, nhưng quốc gia trên lại nắm vai trò chìa khóa trong chiến lược con đường Tơ lụa mới của Trung quốc”. Theo Les Echos, không phải ngẫu nhiên mà Trung quốc đầu tư nhiều tiền bạc vào Djibouti. Báo này đưa ra những con số cụ thể: năm 2005, Trung quốc đã rót 1,5 tỷ USD giúp Djibouti vượt qua nạn hạn hán. Trước đó, từ năm 2000, Trung quốc đã chi 16,6 triệu USD cho Djibouti, bao gồm việc xây dựng một bệnh viện trị giá 8,2 triệu USD và rót 2,4 triệu USD cho các Bộ, ngành ở quốc gia này. Tất nhiên, “tình bạn khăng khít” với Djibouti sẽ mang lại “trái ngọt” cho Trung quốc mà trước mắt là lễ khánh thành căn cứ quân sự mới của Bắc Kinh vừa diễn ra ở Djibouti.