DJ - Không phải nghề của “kẻ ăn chơi”

09-01-2014 13:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Cùng với sự phát triển của âm nhạc điện tử cũng như thị hiếu nghe năng động của giới trẻ hiện đại, một thế hệ DJ (người chỉnh nhạc) ra đời.

Cùng với sự phát triển của âm nhạc điện tử cũng như thị hiếu nghe năng động của giới trẻ hiện đại, một thế hệ DJ (người chỉnh nhạc) ra đời. Tuy nhiên, xung quanh danh xưng một DJ đúng nghĩa còn tồn tại nhiều hiểu lầm, tai tiếng cũng như cách nhìn khá dễ dãi về thao tác tay chân đơn thuần.

Nghề hái ra tiền

Để làm một DJ chuyên nghiệp, đòi hỏi phải đầu tư một khoản tiền không nhỏ cho việc lưu trữ nhạc, mua các phần mềm đắt tiền, đồ nghề chỉnh nhạc đắt tiền, trang phục cá tính, ấn tượng. Ngoài ra, đó còn là một quá trình học hỏi không ngừng khi các DJ thường xuyên phải “đánh vật” với  hàng loạt máy móc tối tân không được phép sai sót như đầu CD DJ, dàn mixer DJ, tai nghe... Tuy nhiên, bù lại, lương của những DJ chuyên nghiệp được tính bằng USD.

Các quán bar, vũ trường hay phòng thu âm mọc lên ngày càng nhiều, cộng với nhu cầu thưởng thức âm nhạc sôi động, ngày càng nhiều những người trẻ muốn thử sức với công việc DJ. Vì thế, bên cạnh những cái tên như Hoàng Anh, Bùi Minh Trí, Lê Trình... đã thành thương hiệu, một thế hệ DJ mới ra đời và tạo được sự quan tâm của giới trẻ. Đặc biệt hơn nữa, ngoài những nam DJ ghi được dấu ấn trong một bộ phận giới trẻ 3 miền như DJ Phát, Cường Lost, Trần Quốc Long, Zen, Tommy, Phạm Minh Đăng..., ngày càng xuất hiện thêm nhiều cô gái theo đuổi nghề DJ và có được thành công mong đợi. Đó là các nữ DJ Diễm Trinh, DJ Trang, Myno, Tít, Mai còi, Candy, Trang Moon, Oxy...

Mặc dù tuổi nghề của DJ nữ không cao, cảm thụ âm nhạc không bằng nam giới cũng như môi trường làm việc ồn ào, dễ mang tai tiếng, bù lại, các DJ nữ dễ khuấy động không khí nhờ ngoại hình xinh đẹp cũng như hình ảnh cá tính với dàn chỉnh nhạc, chính vì vậy, thu nhập của họ không tồi. Thậm chí, có một số nữ DJ còn được người yêu nhạc hâm mộ cuồng nhiệt như DJ Bo - Mỹ Quyên, DJ Oxy. DJ Mỹ Quyên từng đoạt giải nhất Tìm kiếm tài năng DJ Việt Nam, giải nhì Tìm kiếm tài năng DJ khu vực châu Á tại Malaysia. Thật tiếc là cô đã ra đi quá sớm! Còn DJ Oxy, cô được chọn là người phụ trách âm nhạc cho chương trình Việt Nam Next Top Model 2013. Rõ ràng, nghề DJ không chỉ hái ra tiền mà còn hái cả sự nổi tiếng nữa.


	DJ Trần Quốc Long.

DJ Trần Quốc Long.

Người khôn của khó

Như nhiều nghề nghiệp khác, giới DJ cũng có sự cạnh tranh rất khắc nghiệt. Các quán bar, vũ trường lớn cũng như các chương trình sáng giá muốn thu hút khách thường truyền miệng những đêm diễn của các DJ chuyên nghiệp.

Vì vậy, muốn sống được và sống bền với nghề, các DJ thực thụ vừa phải vật lộn để có chỗ biểu diễn, vừa phải chú trọng đổi mới bản thân, nâng cao tay nghề, khẳng định tài năng mới có thể được biết đến rộng rãi. Nhiều DJ mới ra nghề chấp nhận làm phụ việc cho những DJ nổi tiếng, thậm chí những công việc không liên quan như phục vụ quán bar để học nghề, chỉnh sửa ánh sáng quán bar.

DJ không phải nghề của “kẻ ăn chơi”, họ phải vượt qua rào cản là sự cấm đoán của người thân để dấn thân vào một công việc yêu cầu sự nhanh nhẹn, mỹ cảm âm nhạc hơn người, môi trường làm việc hại sức khỏe. Mặt khác, họ phải phấn đấu, học hỏi gấp nhiều lần người bình thường để phải biết làm nhạc, hiểu hết các dòng nhạc, chơi nhạc thế nào để khán giả có thể hòa vào với mình, chưa kể đến các kỹ thuật cơ bản như phân nhịp, đảo nhịp, thả kim đĩa hát, chuyển đoạn, quay ngược đĩa hát, sử dụng thành thạo các dàn mix, các thiết bị điều chỉnh âm thanh... làm cho các bài hát được chuyển đổi nhuần nhuyễn một cách sáng tạo, độc đáo. Có thể nói, để trở thành một DJ được công nhận là một quá trình khổ luyện.

Như nghệ sĩ ở các môn nghệ thuật khác, thành công của nghề DJ nằm ở bản sắc cá nhân và sự sáng tạo riêng. Điều này vừa đòi hỏi quá trình học hỏi không ngừng, vừa nằm ở yếu tố năng khiếu. Một DJ chỉ biết “nhại” lại lối chơi của người khác hoặc bó hẹp bản thân trong một giới hạn nhỏ sẽ không đứng vững được với nghề. Mặt khác, các DJ dồi dào sáng tạo còn biết cách để tên tuổi không phai nhạt trong lòng công chúng.

Ở Việt Nam vẫn chưa có một cơ sở chính thống đào tạo nghề DJ, bởi thế mà phần lớn công chúng vẫn chưa công nhận đây là một nghề nghiệp ổn định và nghiêm túc. Đó là một rào cản rất lớn trong hành trình khẳng định tên tuổi của những người chơi nhạc tài năng. Những DJ tha thiết với nghề luôn mong muốn được nâng cao kỹ năng ở các trung tâm đào tạo nghề DJ thực thụ, nơi họ có điều kiện học tập tốt, tiếp xúc với các giảng viên âm nhạc nổi tiếng trong và ngoài nước, có điều kiện hợp tác với các công ty truyền thông lớn để tăng thu nhập cũng như quảng bá tên tuổi.        

Ngữ Nam

 


Ý kiến của bạn