DJ - Góc khuất của những “phù thủy” âm thanh

06-09-2014 09:18 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Khán giả Việt không còn lạ lùng với khái niệm DJ bởi thuật ngữ này được sử dụng rất nhiều trong lĩnh vực âm nhạc, đặc biệt là thể loại nhạc hip-hop.

Dù lựa chọn ngành nghề nào trong nghệ thuật thì ngoài mục đích kiếm sống, niềm đam mê chính là lý do giúp giới nghệ sĩ trụ được trong làng giải trí, thực tế này rất “chuẩn” với nghề DJ. Tại Việt Nam, nghề này chẳng mấy khi được khán giả tôn vinh mà ngược lại, những lời bàn ra tán vào thì rất nhiều.

“Tuổi thọ” ngắn ngủi

Khán giả Việt không còn lạ lùng với khái niệm DJ bởi thuật ngữ này được sử dụng rất nhiều trong lĩnh vực âm nhạc, đặc biệt là thể loại nhạc hip-hop. Tuy nhiên, có lẽ một số người chưa hiểu hết ý nghĩa, nguồn gốc cũng như những đặc điểm của nghề đặc biệt này. DJ là từ viết tắt của Disc Jockey, có thể hiểu là người chuyên lựa chọn và điều chỉnh biến tấu âm nhạc cho phù hợp với người thưởng thức. Nghề này ra đời từ những năm 50 của thế kỷ trước bởi người dân Jamaica. Nhưng phải tới cuối những năm 60 sau khi du nhập vào Mỹ, DJ mới thực sự phát triển.

Ngay cả khi nghề DJ rất phát triển và được tôn vinh ở nước ngoài thì người trong giới cũng phải thừa nhận, độ bền của nghề này quá ngắn ngủi. Phần lớn các nghệ sĩ DJ hiện nay đang hoạt động vì niềm đam mê tuổi trẻ chứ không vì mục đích nghề nghiệp lâu dài.

Trước khi dấn thân, nhiều DJ trẻ cũng sớm ngộ ra mặt trái của nghề. Nhưng vì quá đam mê và khao khát thể hiện, họ vẫn không ngừng lao theo.

Trước khi dấn thân, nhiều DJ trẻ cũng sớm ngộ ra mặt trái của nghề. Nhưng vì quá đam mê và khao khát thể hiện, họ vẫn không ngừng lao theo.

Ngoài tài năng, nghề DJ cũng rất cần đến sự may mắn, bởi nếu có được yếu tố này, bạn sẽ được các quán bar săn lùng, mời mọc về làm việc. Nhưng khi hết thời thì không một quán bar nào đảm bảo tương lai cho bạn. Có nhiều DJ cả năm không tìm được việc, niềm đam mê của họ ngậm ngùi trôi vào dĩ vãng, tan rã theo thời gian. Nghề này cạnh tranh rất khốc liệt bởi số lượng DJ quá đông, đất kiếm sống lại ít. Mỗi bar vũ trường có khoảng từ 4 - 6 DJ. Và thỉnh thoảng họ lại phải làm công việc “thanh lọc” để tìm ra những gương mặt mới, phong cách mới để đáp ứng nhu cầu “khó chiều” của khán giả.

Vinh ít tủi nhiều

Trước khi dấn thân, nhiều DJ trẻ cũng sớm ngộ ra mặt trái của nghề. Nhưng vì quá đam mê và khao khát thể hiện, họ vẫn không ngừng lao vào. Tại Việt Nam, ngày càng nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng DJ được tổ chức với qui mô lớn nhỏ khác nhau.

Từ khi du nhập vào Việt Nam, DJ không được thừa nhận là một nghề nghiệp và là một môn nghệ thuật chính thống vì môi trường làm việc của họ chủ yếu là các tụ điểm ăn chơi nhảy múa của giới trẻ. Nói cách khác, cái nhìn khắt khe của xã hội vẫn coi DJ là một thú ăn chơi của đám trẻ ngông cuồng thích chơi nhiều hơn thích làm. Vẻ ngoài màu mè và có phần “dị” của họ cũng dễ khiến dư luận tỏ thái độ ác cảm.

Nhiều DJ trẻ muốn khẳng định tên tuổi thường không chỉ dừng lại ở việc sưu tầm nhạc mà còn tự sáng tạo ra các tác phẩm để chơi theo phong cách của riêng mình. Xét ở góc độ cống hiến, nghề DJ cũng nhọc nhằn không kém các lĩnh vực nghệ thuật khác như ca hát, nhảy múa... Tuy vậy, “người ngoài” thường không nhìn thấy được điều đó, khi thưởng thức những bản mix đầy ngẫu hứng của DJ, khán giả có thể tán thưởng bằng những tràng pháo tay “hào phóng”, nhưng trong mắt họ, DJ vẫn là một khái niệm không được “lành mạnh” cho lắm!

Góc khuất của nữ DJ

Cũng giống như nhiều ngành nghề khác, DJ chứa đựng trong nó nhiều cám dỗ: thường xuyên tiếp xúc với những phần tử dân chơi, trong một môi trường phức tạp, dưới ánh đèn lập lòe và những cảnh ăn chơi thác loạn. Đây chính là lý do người ngoài cuộc luôn tỏ thái độ ác cảm với nghề này. Bên cạnh đó, không ít người vẫn quan niệm, DJ là một nghề không chính thống và bất ổn định. Hầu như không ai bận tâm đến suy nghĩ của người trong cuộc. Bản thân mỗi DJ có khí chất riêng và chỉ cần kiên định với chính mình, họ có thể giữ bản thân “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Đối với các nữ DJ, áp lực phải đối diện với dư luận còn khủng khiếp hơn DJ nam. Hầu như nữ DJ nào bước vào nghề cũng đều dính vào tai tiếng. Trước sự cạnh tranh khốc liệt, họ không những phải đánh nhạc hay mà còn phải có ngoại hình đẹp và cuốn hút bởi theo tiêu chí tuyển chọn của các chủ vũ trường thì “DJ nữ nhất định phải đẹp, khách nào nghe được nhạc thì nghe, khách nào không nghe được nhạc thì... ngắm”.

Trong số giới trẻ hiện nay có rất nhiều bạn đang mơ ước được dấn thân vào showbiz và nghĩ rằng đó là cơ hội “đổi đời” và không ít trong số đó đam mê lĩnh vực DJ, nhưng thực tế đang chứng minh... điều ngược lại: không hề có chuyện làm giàu bằng nghề “mix” nhạc. Một phần cũng vì bản sắc văn hóa nên cách nhìn nhận của người Việt chưa thực sự cởi mở với nghề DJ như ở nước ngoài, nhưng phần lớn là vì tính chất của nghề này không bền.

Tuy vậy, mặc cho những lời bàn ra tán vào không mấy tốt đẹp thì nghề DJ vẫn thu hút giới trẻ như một thứ ma lực và dần trở thành một trong những nghề giải trí thời thượng. DJ cũng đang góp phần làm cho thị trường nhạc Việt trở nên sinh động và hấp dẫn hơn. 

Hà Chi


Ý kiến của bạn