Hà Nội

Đìu hiu thị trường ca khúc thiếu nhi

29-03-2015 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Câu chuyện về học sinh một trường tiểu học ở Hà Nội đồng thanh hát ca khúc Chắc ai đó sẽ về – một bản hit của nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP thời gian gần đây hẳn vẫn khiến nhiều người phải suy nghĩ.

Câu chuyện về học sinh một trường tiểu học ở Hà Nội đồng thanh hát ca khúc Chắc ai đó sẽ về – một bản hit của nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP thời gian gần đây hẳn vẫn khiến nhiều người phải suy nghĩ. Vì sao trẻ em lại thích hát ca khúc người lớn? Do giáo dục, do định hướng âm nhạc hay do trẻ em bây giờ lớn trước tuổi? Sẽ có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải vấn đề này nhưng một điều không thể phủ nhận, thị trường âm nhạc Việt đang thiếu vắng ca khúc mới cho thiếu nhi, còn ca khúc hay thì phải nói là “của hiếm”.

Trẻ em gồng mình hát ca khúc người lớn

Thực ra, việc các em học sinh hát Chắc ai đó sẽ về của ca sĩ Sơn Tùng M-TP cũng không có gì phải ầm ĩ cả bởi trào lưu trẻ em hát ca khúc người lớn đã trở thành “chuyện thường ngày”. Một minh chứng rất rõ là trong các chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi lên sóng thời gian gần đây, các em vẫn “vô tư” hát bài người lớn. Giọng hát Việt nhí qua hai mùa lên sóng đã góp phần tìm kiếm được nhiều tài năng âm nhạc nhí nhưng cũng từ sân chơi này, người ta mới thấy, trẻ em có vẻ “chuộng” ca khúc người lớn. Quán quân của chương trình mùa thứ 2 - Thiện Nhân đã gây xôn xao cộng đồng mạng ở vòng giấu mặt khi hát ca khúc Mẹ yêu con. Với giọng hát đẹp, trong sáng và kỹ thuật, Thiện Nhân đã làm nức lòng người hâm mộ. Tuy nhiên, cũng rất nhiều người đặt câu hỏi, một cô bé chưa đầy 10 tuổi làm sao có thể hiểu những ca từ hàm súc như “… mẹ thương con có hay chăng, thương từ khi thai nghén trong lòng… chín tháng so chín năm gian khó tính khôn cùng…”.

Chương trình Đồ rê mí bị đánh giá là ngày càng “người lớn hóa”. Trong ảnh, bé Thu An và NSND Thanh Hoa trong tiết mục Bóng cây K’nia trên sân khấu Đồ rê mí 2014.

Chương trình Đồ rê mí bị đánh giá là ngày càng “người lớn hóa”. Trong ảnh, bé Thu An và NSND Thanh Hoa trong tiết mục Bóng cây K’nia trên sân khấu Đồ rê mí 2014.

Những cô bé, cậu bé lần đầu lên sân khấu vẫn còn run khi đứng trước hàng ngàn khán giả đã phải gồng mình hát ca khúc mà phải những người từng trải, những ca sĩ thành danh mới có thể thể hiện được như Cát bụi hay Giai điệu Tổ quốc, Làng lúa làng hoa... Hình ảnh cậu bé Nguyễn Cao Khánh (thí sinh dự thi Giọng hát Việt nhí mùa thứ nhất) “gồng mình” lên hát Vết chân tròn trên cát khiến người nghe thương đến nao lòng. Tôi luôn tự hỏi, liệu khi hát, Cao Khánh có hình dung được hình ảnh những thầy giáo trở về sau chiến tranh vẫn đến trường làng và vết chân tròn - minh chứng sự tàn khốc của chiến tranh ấy là nỗi ám ảnh biết bao thế hệ. Sự đau thương, sự lạc quan trong từng câu hát ấy đến bao giờ Cao Khánh mới có thể hiểu?

Dường như trẻ con phải hát bài người lớn mới thể hiện được tài năng và “hút” công chúng. Chương trình Đồ rê mí là một ví dụ khác. Nếu như trước đây, chương trình thuần túy sử dụng ca khúc cho thiếu nhi, cách dàn dựng sân khấu phù hợp với lứa tuổi thì giờ đây, sân chơi này đã được dàn dựng, “nhào nặn” theo ý đồ của người lớn. Trong mùa giải năm 2014, trên sân khấu Đồ rê mí đã xuất hiện những ca khúc người lớn được sử dụng thông qua màn trình diễn chung giữa thí sinh nhí và khách mời là ca sĩ nổi tiếng. Hát ca khúc người lớn đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu của các chương trình ca nhạc cho thiếu nhi và nếu ngoài cuộc sống, các em hát ca khúc người lớn thì hẳn cũng là điều dễ hiểu.

“Ðìu hiu” thị trường ca khúc mới

Quan sát thị trường ca khúc thiếu nhi Việt Nam dễ dàng nhận thấy đang rất thiếu những ca khúc mới mà đúng hơn là thiếu những ca khúc hay. Rất nhiều năm trôi qua, chúng ta cũng chỉ có Tuyển tập 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20 do báo Thiếu niên Tiền phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban Khoa giáo VTV, Ban Âm nhạc - Đài Tiếng nói Việt Nam bình chọn vào năm 2010. Được biết, hiện có khoảng 100 bài hát viết trước năm 2000 được đưa vào chương trình sách giáo khoa âm nhạc giảng dạy tại các cấp học. Rất khó, thậm chí là không thể kể tên được bài hát thiếu nhi mới nào thực sự ấn tượng trong 5 năm trở lại đây.

Vận động sáng tác ca khúc cho thiếu nhi được cho là “phương thức” hiệu quả nhất để tìm kiếm những ca khúc mới. Tuy nhiên, một nghịch lý đang xảy ra là dù đã tổ chức được một số cuộc vận động sáng tác ca khúc cho thiếu nhi nhưng ca khúc mới lại “bặt vô âm tín”. Khi chương trình Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên xuất hiện, Ban Tổ chức cuộc thi cũng đã tổ chức một cuộc vận động sáng tác ca khúc cho thiếu nhi với mong muốn có được ca khúc mới nối dài những ca khúc hay cho thiếu nhi. Theo thống kê, sau 6 tháng phát động, Ban Tổ chức chỉ nhận được 49 ca khúc của 12 tác giả và điều đáng buồn là tất cả các ca khúc đều không đạt chất lượng như mong muốn. Trước đó, Ban Tổ chức cuộc vận động sáng tác ca khúc về Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và thiếu nhi Việt Nam 2011 nhận được hơn 300 tác phẩm dự thi. Cuộc vận động sáng tác ca khúc thiếu nhi do Trung tâm Văn hóa TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Nhà thiếu nhi TP. Hồ Chí Minh, Công ty Maseco tổ chức năm 2010 nhận được gần 600 tác phẩm của 248 tác giả. Các cuộc thi kết thúc và nhiều tác giả cùng tác phẩm xuất sắc đã được vinh danh nhưng điều quan trọng là những ca khúc đó đã “ngủ quên” trên bản nhạc mà không thể bước ra thị trường âm nhạc thiếu nhi.

Vì đâu nên nỗi?

Chúng ta phải thừa nhận rằng việc quảng bá các ca khúc thiếu nhi hiện đang rất “hổng”. Hai kênh quảng bá ca khúc hiệu quả nhất là Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cũng không có nhiều chương trình chuyên biệt về ca khúc cho thiếu nhi. Báo chí dành cho thiếu nhi như Thiếu niên Tiền phong, Nhi đồng, Khăn Quàng đỏ… hiện cũng không còn cho đăng tải, giới thiệu những ca khúc thiếu nhi như những năm về trước.

Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm ca khúc thiếu nhi là thiếu các nhạc sĩ viết về lĩnh vực này, các nhạc sĩ cũng chưa nhiều và nhiệt huyết. Nếu những nhạc sĩ đã từng thành danh về mảng đề tài này đã có tuổi hoặc không còn bắt kịp xu thế phát triển của giới trẻ thì những nhạc sĩ trẻ lại không “mặn mà” với dòng ca khúc thiếu nhi. Với nhạc sĩ trẻ, sáng tác ca khúc theo “đơn đặt hàng” của ca sĩ là ưu tiên số 1 vì đó cũng là “kênh” để quảng bá ca khúc hiệu quả, đồng thời mang lại nguồn thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, viết ca khúc cho thiếu nhi không phải chuyện dễ và có thể “ăn xổi”. Viết cho thiếu nhi cần phải có sự am hiểu về tính cách, tâm tư, tình cảm của tuổi nhỏ cũng như một tâm hồn “trẻ thơ”, “trong sáng” khi nhìn cuộc sống. Một đề tài khó viết, không nhiều “đất” diễn lại tiềm ẩn nhiều “rủi ro” có lẽ là trở ngại lớn nhất với nhạc sĩ trẻ khi quyết định có nên viết ca khúc cho thiếu nhi hay không.

Một thực tế đáng lo ngại nữa khi nhắc đến ca khúc cho thiếu nhi: từ nhiều năm nay, các gia đình vẫn tìm kiếm những đĩa CD, VCD của bé Xuân Mai (mà giờ đây, bé Xuân Mai đã trở thành một thiếu nữ). Đó có lẽ là minh chứng cụ thể nhất cho sự thiếu vắng ca khúc thiếu nhi. Không thể phủ nhận giá trị của những ca khúc cũ nhưng cũng cần có ca khúc mới thể hiện tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của các em trong thời đại mới. Câu chuyện các em nhỏ hát Chắc ai đó sẽ về là “tiếng chuông” báo động sự thiếu hụt những ca khúc mới cũng như sự thiếu vắng những “nhân tố mới” trong dòng nhạc thiếu nhi. Có lẽ chúng ta cũng cần một cú hích mạnh mẽ với thị trường này. Trước hết, cần có những cuộc vận động sáng tác quy mô lớn, khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho những nhạc sĩ trẻ sáng tác ca khúc thiếu nhi. Đồng thời, quan tâm, quảng bá những ca khúc mới một cách bài bản và rộng lớn. Nói chung, để “vực dậy” thị trường ca khúc cho thiếu nhi, cần sự quan tâm, vào cuộc của cả xã hội, bởi như lời một bài hát rất hay cho thiếu nhi: “Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân?”.

Phạm Mạnh Tường

 

 

 


Ý kiến của bạn