Đây là nhận định của ông Nguyễn Đức Hòa, Phó trưởng Phòng Dự báo Khí tượng hạn vừa, hạn dài, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương về tình hình thời tiết trên cả nước trong tháng tới, đặc biệt là dịp Tết Âm lịch Ất Mùi.
Theo ông Hòa, trong nửa cuối tháng 1 và tháng 2/2015, tại miền Bắc vẫn là những tháng chính của mùa đông, do vậy không khí lạnh vẫn hoạt động với cường độ khá mạnh.
Từ nay đến Tết, rét đậm, rét hại có thể xảy ra 1-2 đợt nhưng sẽ không kéo dài. Nhiệt độ thấp nhất trong các đợt rét đậm, rét hại ở vùng núi có thể phổ biến ở mức 4-7 độ, vùng núi cao như Sa Pa, Mẫu Sơn, Sìn Hồ có thể xuống mức 0-2 độ.
Hiện tượng băng giá và sương muối vẫn có thể xảy ra trong các đợt rét này.
Tuy nhiên, xen kẽ những đợt rét đậm, rét hại là những đợt nhiệt độ tăng nhanh, do vậy nền nhiệt trung bình trong tháng tới tại miền Bắc được dự báo sẽ cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5- 1 độ C.
"Nhìn chung có thể sơ bộ nhận định thời điểm tháng Tết trên phạm vi toàn quốc sẽ phổ biến sẽ ít mưa và nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm. So với thời điểm cùng kỳ tháng 2, 3 năm 2014, Tết Nguyên Đán năm nay cũng được dự báo ít có mưa nhỏ, mưa phùn", ông Hòa nhận định.
Cũng theo ông Hòa, tại khu vực Nam Bộ, từ nay đến Tết Nguyên Đán rất khó xảy ra những đợt se lạnh như vừa qua.
Ông Hòa đính chính, mức nhiệt 18,4 độ C tại TP.HCM vào ngày 15/1 không phải là mức nhiệt thấp nhất trong 10 năm qua.
Cụ thể, vào tháng 1/2014, nhiệt độ tại TP.HCM còn xuống mức 17,4 độ C. Trước đó vào tháng 1/2010 là 17,2 độ, năm 2007 là 16,4 độ, 2004 là 18,2 độ.
Tại TP.HCM, nhiệt độ thấp nhất trong lịch sử đã ghi nhận được là 13,8 độ vào tháng 1/1937.
Theo ông Hòa, trong 10 ngày tới, nhiệt độ tại TP.HCM và Nam Bộ nói chung sẽ có xu hướng tăng dần do không khí lạnh suy yếu.
"Tháng 1 hàng năm vẫn là thời điểm nhiệt độ xuống thấp nhất trong năm. Do vậy, khu vực Nam Bộ trong nửa cuối tháng 1 và tháng 2/2015 vẫn có thể có các đợt lạnh xuống dưới 20 độ, nhưng nhiệt độ xuống thấp như đợt vừa rồi ít có khả năng xảy ra", ông Hòa thông tin.
T.Hạnh