Dưới đây là những lưu ý cho từng thể bệnh:
- Đối với người bệnh gan
Người bệnh gan cần tuân theo chế độ ăn uống thanh đạm, ít chất béo để không làm tăng gánh nặng cho gan, nhưng vẫn cân bằng các chất dinh dưỡng hợp lý.
Trong dịp Tết, nếu mải vui mà ăn uống quá độ, ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất mỡ hoặc đường, uống rượu, hút thuốc lá... sẽ khiến gan phải làm việc nhiều hơn, từ đó các bệnh về gan bộc phát mạnh hơn.
Đối với những người đã và đang bị phù hoặc cổ trướng vẫn phải tiếp tục ăn nhạt. Bánh kẹo ngọt cũng là loại thực phẩm mà những người bị tăng đường huyết hoặc gan nhiễm mỡ cần hạn chế.
Ngay cả những người bị viêm gan virus tiềm ẩn cũng cần hạn chế ăn nhiều chất béo và uống rượu bia. Những người bị viêm gan mạn tính đang ổn định, các chứng tiêu chảy và ngộ độc thức ăn có thể gây ra một đợt tiến triển, có khi rất nặng. Những rối loạn về tiêu hóa cũng có thể làm cho bệnh xơ gan trở nên nặng hơn, do đó cần phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Đối với người mắc bệnh tim mạch
Dịp Tết, thời tiết thay đổi thất thường chính là một bất lợi lớn với người bệnh tim mạch. Thời tiết lạnh làm cho các mạch máu bị co lại, làm máu lưu thông khó khăn, nhất là các mạch máu nhỏ, ở xa tim. Khi máu lưu thông chậm sẽ làm tăng nguy cơ đông máu, từ đó dẫn đến bệnh động mạch vành, tai biến mạch máu não (đột quỵ não).
Với những bệnh nhân tăng huyết áp, suy tim nên hạn chế ăn mặn và các món ăn nhiều muối như: dưa muối, kiệu muối, các thức ăn chế biến sẵn như giò chả, pate, lạp xưởng,… Nên ăn nhiều trái cây và rau xanh vì đây là nguồn thực phẩm giàu kali tốt cho bệnh nhân tim mạch.
Nếu đang mắc các bệnh tim mạch, hãy tránh xa các chất kích thích rượu bia, cà phê, thuốc lá… vì có thể gây tăng huyết áp, tăng nhịp tim, làm tim co bóp mạnh hơn bình thường và tăng áp lực mạch máu não, có thể gây xuất huyết mạch não (vỡ mạch máu não). Người bệnh tim mạch nên hạn chế rượu bia, không uống quá 2 lon bia hoặc 1 ly rượu mạnh 50 ml/ngày. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu cho thấy, vài ngụm nhỏ rượu vang lại rất có lợi cho người bệnh tim mạch.
- Đối với người tăng huyết áp
Người bệnh tăng huyết áp, nên chú ý ăn nhạt, ít muối vì nó có thể làm chỉ số huyết áp tăng cao. Nên hạn chế các món mặn, món kho, dưa muối,… và đặc biệt không dùng thêm nước mắm hoặc mắm nêm trong bữa ăn. Ngoài ra, cũng nên hạn chế các món ăn chứa nhiều cholesterol, đồ ăn nhanh, dầu mỡ như đồ chiên rán,… Dù Tết đến là dịp để vui chơi và thoải mái bên gia đình, người bệnh vẫn nên hạn chế các đồ uống có cồn, chất kích thích như rượu bia, cà phê, nước chè.
- Đối với người đái tháo đường
Người bệnh đái tháo đường không nên ăn nhiều đồ ngọt như bánh kẹo ngọt, nước ngọt. Trong những ngày Tết, thực đơn sẽ bị thay đổi khá nhiều so với hàng ngày. Điều này gây khó khăn cho việc kiểm soát đường huyết nên người bệnh cần cân nhắc ăn uống để không ăn quá nhiều tinh bột khiến đường máu tăng cao.
- Đối với người người bị gout
Người bệnh bị gout không ăn những thức ăn chứa nhiều purin nội tạng động vật, hải sản. Ngoài ra cũng không nên ăn nhiều thịt đỏ. Đây là những thức ăn sẽ làm tăng acid uric máu có khả năng khởi phát một đợt gout cấp cho người bệnh. Những đối tượng này nên ăn những loại rau như rau cần, súp lơ, cải xanh, ăn thịt trắng như cá, gà thay vì thịt đỏ,…
Một nguyên tắc vàng trong dinh dưỡng chính là, dù đang mắc bệnh lý nào thì cũng phải đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn. Người cao tuổi nên hạn chế một số thực phẩm có hại đối với bệnh của họ, nhưng nên thay thế các nhóm thực phẩm khác để vẫn có được đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể. Đây cũng là nguyên tắc quan trọng dành cho người lớn tuổi, dù đang không mắc bệnh lý gì.
Tóm lại, những người mắc bệnh mạn tính, người lớn tuổi cần chăm sóc tốt sức khỏe, tài sản quý giá nhất của mình, để có một cái Tết mạnh khỏe, vui vẻ, và sống lâu bên con cháu, gia đình. Nguyên tắc ưu tiên các thực phẩm xanh, uống đủ nước, hạn chế rượu, bia, nước ngọt có gas; Sử dụng các món luộc, hấp thay cho xào, rán… Và nhớ uống thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.