Hà Nội

Dịp Tết Ất Mùi: Ðã đủ máu dự trữ

13-02-2015 10:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Thiếu máu và các chế phẩm từ máu, nhất là tiểu cầu, một chế phẩm quan trọng giúp cầm máu trong quá trình phẫu thuật, vốn được coi là một “bệnh mạn tính” đối với công tác khám, điều trị trong dịp Tết Nguyên đán.

Thiếu máu và các chế phẩm từ máu, nhất là tiểu cầu, một chế phẩm quan trọng giúp cầm máu trong quá trình phẫu thuật, vốn được coi là một “bệnh mạn tính” đối với công tác khám, điều trị trong dịp Tết Nguyên đán. Nhưng Tết năm nay, căn bệnh này đã có biện pháp điều trị dứt điểm.

Sản xuất các chế phẩm máu dự trữ trong ngày Tết.

Những ngày giáp Tết, Trung tâm Huyết học và Truyền máu (Bệnh viện hữu nghị Việt - Tiệp, Hải Phòng) vẫn tấp nập tình nguyện viên đến đăng ký tham gia câu lạc bộ hiến tiểu cầu, phục vụ công tác khám, điều trị bệnh trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Mặc dù mới được thành lập nhưng danh sách hội viên nhanh chóng đạt tới con số 150 người. Vai trò chính của tiểu cầu là cầm máu, chất lượng tiểu cầu bổ sung càng tốt, hiệu quả cầm máu càng cao. Nhu cầu sử dụng tiểu cầu trong điều trị ngày càng tăng, nhất là đối với những chuyên khoa ngoại, sản. Tuy nhiên, tiểu cầu lại không sẵn có giống như những chế phẩm máu khác. BS. Đào Bá Dương phụ trách công tác sản xuất tiểu cầu của Trung tâm Huyết học và Truyền máu Bệnh viện hữu nghị Việt - Tiệp giới thiệu, tiểu cầu chỉ có thể tách, lọc trong vòng 6 - 8 giờ sau khi máu toàn phần được rút ra khỏi cơ thể. Chế phẩm này lại rất nhanh bị hỏng, ngay cả khi được bảo quản trong điều kiện chuẩn. Máy lắc liên tục trong môi trường 220C cũng chỉ giúp giữ tiểu cầu được trong 5 ngày. Lượng tiểu cầu chưa được sử dụng bắt buộc phải tiêu hủy. Chính hạn chế này khiến tiểu cầu luôn ở tình trạng thiếu. Hải Phòng là địa phương đứng đầu cả nước về sản xuất, sử dụng máu và các chế phẩm từ máu. Để khắc phục tình trạng thiếu tiểu cầu, năm 2014, đội ngũ y, bác sĩ Trung tâm Huyết học và Truyền máu tập trung triển khai thực hiện kỹ thuật gạn tách tiểu cầu từ người cho - một kỹ thuật tiên tiến, chưa có nhiều cơ sở y tế thực hiện được. Đây là một trong những thành tựu quan trọng của ngành y tế thành phố trong năm vừa qua.

Các tháng cuối năm cận Tết luôn là thời điểm khan hiếm máu. Vào thời gian này, sinh viên, thanh niên nghỉ Tết trong khi đây là đối tượng cung cấp đến 75% lượng máu. Thêm vào đó, nhu cầu dùng máu của các bệnh viện trong dịp Tết lại gia tăng do số ca cấp cứu tăng đột biến. Ðể chuẩn bị lượng máu cho dịp Tết, một tháng nay, gần 60 cán bộ nhân viên trong Khoa Ðiều chế các thành phẩm máu - Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đã phải làm việc từ 13 - 14 tiếng/ngày, thay vì 8 tiếng như ngày thường. Khoảng 10.000 đơn vị máu trong kho của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cũng chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong Tết. Sau Tết, nếu bệnh nhân tăng cao thì nhu cầu máu sẽ gia tăng.

Tình nguyện viên câu lạc bộ hiến tiểu cầu Vũ Bá Sơn cho biết, mỗi lần lấy tiểu cầu kéo dài 80-100 phút. Cũng giống như hiến máu, hiến tiểu cầu hoàn toàn an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Mỗi lần hiến tặng, bác sĩ chỉ lọc riêng tiểu cầu chứ không lấy máu toàn phần như hiến máu đơn thuần. Khoảng 2 tuần sau khi hiến tặng, làm xét nghiệm, lượng tiểu cầu trong cơ thể sẽ trở lại bình thường. “Nhiều lần em tranh thủ giờ nghỉ trưa, qua hiến tiểu cầu, chiều vẫn đi làm bình thường”.

Theo Giám đốc Trung tâm Huyết học  và Truyền máu Hoàng Văn Phóng, gạn tách lọc tiểu cầu tự động giúp tối ưu chất lượng tiểu cầu thành phẩm. Tiểu cầu tách lọc theo phương pháp mới có nồng độ cao gấp 3 lần so với phương pháp cũ. Hơn nữa, phương pháp mới chỉ gạn tách tiểu cầu từ một người cho thay vì tổng hợp tiểu cầu từ 3-4 người như phương pháp cũ. Phương pháp này giúp giảm kháng nguyên trong mỗi đơn vị tiểu cầu. Nói cách khác, khi truyền tiểu cầu vào cơ thể, người bệnh sẽ ít có phản ứng phản vệ hơn so với trước, giảm tối đa nguy cơ tai biến trong quá trình điều trị. Đây chính là điểm ưu việt nhất của tiểu cầu được tách lọc tự động theo phương pháp mới.

Với việc chủ động trong kỹ thuật cũng như xây dựng được nguồn cộng tác viên dồi dào, Trung tâm Huyết học và Truyền máu tin tưởng tình trạng thiếu tiểu cầu trong hỗ trợ điều trị ngoại khoa, sản khoa dịp Tết Nguyên đán này sẽ không còn tái phát.

Như An

 

 

 


Ý kiến của bạn