Không chỉ phục vụ công chúng trong nước, xiếc Việt gần đây đã liên tục đến với xứ người, để lại ấn tượng với khán giả quốc tế.
Mặc dù đứng trước nhiều khó khăn, thử thách trong thời buổi văn hóa giải trí bùng nổ, tuy nhiên, xiếc Việt vẫn có những chương trình đặc sắc để giữ chân khán giả. Không chỉ biểu diễn ở trong nước, xiếc Việt những năm qua và gần đây còn có những chương trình quy mô phục vụ khán giả xứ người. Khoảng một thập kỷ qua, năm nào Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đoạt 3 - 4 huy chương Vàng, huy chương Bạc tại các cuộc thi tầm cỡ quốc tế. Trong những lần tranh tài cùng bạn bè thế giới, xiếc Việt luôn để lại dấu ấn về kỹ thuật với đồng nghiệp cũng như giới chuyên môn. Đặc biệt, xiếc Việt được đánh giá cao trong sáng tạo đạo cụ, biểu diễn độc đáo và mang bản sắc dân tộc. Nếu trước đây, xiếc Việt chủ yếu mô phỏng các tiết mục nổi tiếng trên thế giới, trình diễn dừng lại ở những kỹ xảo, kỹ thuật nhỏ lẻ thì sau này, xiếc Việt đã có bước đột phá, hấp dẫn và tạo tiếng vang trên trường quốc tế bằng những nỗ lực, sáng tạo.
À Ố Làng Phố - chuỗi chương trình xiếc Việt vừa được biểu diễn phục vụ khán giả quốc tế tại nhà hát Opera House (Australia).
Trung tuần tháng 6 vừa qua, lần đầu tiên chuỗi chương trình xiếc À Ố Làng Phố (đạo diễn Tuấn Lê) được biểu diễn tại nhà hát Opera House danh tiếng của Australia. Theo nghệ sĩ Tuấn Lê, buổi diễn này là một bước ngoặt lịch sử đối với xiếc Việt Nam và là một trải nghiệm tuyệt vời cho các nghệ sĩ. À Ố Làng Phố là chuỗi chương trình kịch, xiếc kết hợp múa dân gian đương đại, mô tả cuộc sống của người dân miền duyên hải Nam Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn nhịp sống hiện đại dần xóa bỏ đi văn hóa làng quê. Đã biểu diễn tại 17 quốc gia với hơn 500 suất diễn kể từ khi ra mắt (2014), À Ố Làng Phố vừa đến với khán giả tại nhà hát Opera House tiếp tục nhận nhiều lời khen ngợi. Tại đây, các nghệ sĩ đã sáng tạo trong việc sử dụng toàn bộ đạo cụ chính là tre, kết hợp với âm nhạc độc đáo được trình diễn qua những màn thăng bằng, tung hứng, vặn xoắn rất táo bạo và điêu luyện của người nghệ sĩ. À Ố Làng Phố vì thế không chỉ đẹp, ấn tượng về nghệ thuật mà còn giới thiệu một cách khéo léo truyền thống văn hóa Việt bằng hình ảnh cây tre, cách sử dụng nhuần nhuyễn các kỹ thuật của xiếc đương đại.
Nhắc đến xiếc Việt ở sân chơi quốc tế mà bỏ qua Sông Trăng (chỉ đạo nghệ thuật NSND Tạ Duy Ánh) sẽ là một thiếu sót. Vở xiếc này đã được một công ty tổ chức biểu diễn ký hợp đồng biểu diễn 16 tháng tại 7 nhà hát của Đức từ cuối 2018. Sông Trăng khắc họa lại không gian yên bình của làng quê Việt với những hoạt động đời thường bên dòng sông. Vở xiếc này có 5 nữ và 8 nam nghệ sĩ biểu diễn liên tục trong 90 phút, kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật: xiếc (nhào lộn, thăng bằng...), múa đương đại, nghệ thuật sắp đặt, kỹ xảo ánh sáng, âm nhạc dân tộc (chầu văn, hát cô đầu, hát trống quân, dân ca quan họ)... Sông Trăng qua đó mang lại những giây phút lắng đọng cho khán giả với cảm xúc gần gũi, quen thuộc qua tiếng cười của lũ trẻ cùng nhau nô đùa, hình ảnh các cô thôn nữ vui hát khi tắm mát trên dòng sông, ông lão đánh cá, câu ếch, hay cuộc hẹn hò của những đôi trai gái trên chiếc cầu tre dưới ánh trăng khuya. Vở diễn này vì thế tiếp tục thổi luồng gió mới mang đậm bản sắc văn hóa Việt vào các tác phẩm xiếc tới khán giả quốc tế. Bên cạnh đó, nhiều chương trình, tiết mục xiếc Việt đã tạo tiếng vang, để lại ấn tượng khó quên với người xem trong và nước có Làng tôi, Cánh chim Việt, Cô gái làng hoa, Tạo hình trên dây da...
Giới chuyên môn cho rằng, sở dĩ các tiết mục, chương trình xiếc của Việt Nam gần đây đã ghi dấu ấn với khán giả vì hầu hết được dàn dựng theo phong cách hiện đại, khai thác tối đa tính sáng tạo của nghệ sĩ. Theo TS. Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, các chương trình, tiết mục xiếc của nước ta thành công trên sân khấu thế giới đều thể hiện được sự khác biệt, bản sắc của Việt Nam. Những trò kỹ xảo trên sân khấu được thay bằng những tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh, là sự tổng hòa của âm nhạc, vũ đạo, của các kỹ xảo xiếc và kỹ năng biểu diễn của diễn viên. Đặc biệt, yếu tố lạ từ thể loại, tiết mục, trang phục, hình thức biểu diễn đến động tác, kỹ năng, kỹ xảo của xiếc Việt đã giúp chúng ta định hình được thương hiệu.
Một điều không thể phủ nhận, những chương trình, tiết mục xiếc kể trên đã giúp xiếc Việt lan tỏa mạnh mẽ. Điều đó phản ánh, nếu chúng ta đầu tư bài bản, có chiến lược thì xiếc Việt không khó để khẳng định vị thế của mình trong dòng chảy hội nhập. NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, với những nỗ lực đổi mới, nội dung hấp dẫn, dàn dựng công phu, rất nhiều đoàn xiếc quốc tế đã biết đến thương hiệu xiếc Việt Nam và ngỏ ý muốn hợp tác. Hàng năm, Việt Nam cũng đưa nhiều đoàn đi biểu diễn khắp châu Âu, có những tiết mục được mời lưu diễn nhiều năm liên tiếp.