Đình lịch tử còn có tên khác là hạt đình lịch, thốp nốp, bình lịch… Tên khoa học Lepidium apetalum Willd. Về thành phần hóa học, đình lịch tử chủ yếu chứa dầu béo (25%) và có vết của một alkaloid đắng…
Theo Đông y, đình lịch tử vị đắng, tính bình. Vào kinh Phế và Bàng quang. Công dụng giáng phế khí, tả thủy ở phế. Trị phế khí bị đàm ngăn trở, suyễn, ho, phù thũng. Dùng ngoài làm thuốc đắp chữa vết thương và sưng phù… Ngày dùng 3 – 10g. Dùng ngoài tùy theo nhu cầu.
Các bài thuốc có đình lịch tử chủ trị
Trị ứ dịch đàm ở phế, biểu hiện ho có nhiều đờm - Dùng bài Đình lịch đại táo tả phế thang gồm: Đình lịch tử 12g, đại táo 12 quả. Sắc uống.
Trị suy tim mạn tính đợt cấp diễn – Dùng bài Đình lịch thang: Phụ phiến 15g; can khương 9g, quế chi 9g; phục linh, phòng kỷ, đan sâm, long xỉ, đều 30g; đình lịch tử, hoàng kỳ, bạch thược, đẳng sâm, qua lâu, đều 15g. Sắc uống.
Trị kinh nguyệt không đều, tay chân sưng phù – Dùng bài Đình lịch hoàn (Tế Âm cương mục): Đình lịch 4g; bạch phục linh, cù mạch, đại hoàng, đương quy, nhân sâm, quế tâm, xích thược, mỗi vị 20g. Các vị tan bột, trộn mật làm hoàn to bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 20 - 30 viên, uống với nước cơm lúc đói.
Trị ho suyễn cấp, thủy thũng, tiểu ít - Dùng bài Đình lịch tán (Thánh tế tổng lục): Đình lịch tử 90g, khiên ngưu tử 75g, tiêu mục, trạch tả, trư linh, mỗi vị 60g. Tất cả tán bột, dùng thông bạch 3 cọng, nước 300ml, sắc còn 150ml . Uống trong ngày.
Chữa phù thũng, tiểu ít: Đình lịch tử 12g, phòng kỷ 12g, đại hoàng 10g. Sắc uống (Kinh nghiệm dân gian).
Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai không nên dùng đình lịch tử uống trong.
Lưu ý: Cần phân biệt đình lịch tử với hạt cây đay, cũng gọi là đình lịch tử Nam.