Hà Nội

Đinh lăng vị thuốc quý

06-05-2012 12:22 | Y học cổ truyền
google news

Đinh lăng còn được gọi là cây gỏi cá, thuộc họ ngũ gia bì là loại cây nhỏ, cao 0,8 - 1,5m, thường được trồng làm cây cảnh trước nhà hoặc chùa, miếu. Cây có lá kép, mọc so le, lá 3 lần xẻ lông chim, mép khía có răng cưa. Hoa nhỏ màu trắng, mọc thành tán. Quả dẹt, dài 3 - 4mm, dày khoảng 1mm. Lá đinh lăng phơi khô, nấu lên có mùi thơm đặc trưng, dân gian gọi nôm na là mùi “thuốc Bắc”.
 Đinh lăng.

Theo Y học cổ truyền, rễ đinh lăng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát có tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết, lá có vị đắng, tính mát có tác dụng giải độc thức ăn, chống dị ứng, chữa ho ra máu, kiết lỵ.

Trong dân gian, đinh lăng thường dùng để trị ho ra máu, chữa tắc tia sữa, làm mát huyết, lợi tiểu, chữa mẩn ngứa. Lá đinh lăng cũng được dùng để nấu canh với thịt, cá để bồi bổ cho sản phụ, người già hoặc người ốm mới dậy.

Một số bài thuốc có sử dụng đinh lăng

Bài 1: Bồi bổ cơ thể.

Lá đinh lăng tươi từ 150 - 200g. Đun sôi 200ml nước, cho tất cả lá đinh lăng vào nồi, đậy nắp lại, sau vài phút, mở nắp và đảo qua đảo lại vài lần. Sau 5 - 7 phút, chắt ra để uống. Uống từ 7 - 10 ngày.

Bài 2: Chữa tắc tia sữa.

Rễ đinh lăng 40g, gừng tươi 3 lát, đổ 500ml nước sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn nóng. Uống liên tục 5-7 ngày.

 Quế chi.

Bài 3: Chữa nổi mề đay, mẩn ngứa do dị ứng.

Lá đinh lăng khô 80g, đổ 500ml nước sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống lúc thuốc còn nóng. Uống 10 ngày.

Bài 4: Chữa phong thấp, nhức mỏi chân tay.

Rễ đinh lăng 12g; cối xay, hà thủ ô, huyết rồng, cỏ rễ xước, thiên niên kiện tất cả 8g; Vỏ quýt, quế chi 4g (riêng vị quế chi bỏ vào sau cùng khi sắp nhấc ấm thuốc xuống). Đổ 600ml nước sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn nóng. Uống từ 7 - 10 ngày.         

  Lương yHoàng Bá


Ý kiến của bạn