Hà Nội

Đình làng Lại Đà - Nét kiến trúc đặc trưng của làng quê Việt

06-08-2024 19:30 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Đình Lại Đà thuộc xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội được xây dựng năm 1853 theo kiểu liên hoàn. Đây là công trình cổ và bề thế nhất làng Lại Đà, tồn tại gần như nguyên vẹn đến ngày nay.

Đình làng Lại Đà được dựng vào thời Nguyễn, khá đồ sộ, vững chãi. Đình được thiết kế theo hình chữ Công nhìn về hướng Nam, gồm nhà đại bái (đại đình), hậu cung và hậu bầu, đều làm bằng gỗ lim. Nền đình cao hơn sân đình 50 cm; chiều dài nhà đại bái là 25,6 m và chiều rộng 12,75 m.

Đình làng Lại Đà - Nét kiến trúc đặc trưng của làng quê Việt- Ảnh 1.

Đình làng Lại Đà ngày nay.

Đình làng Lại Đà - Nét kiến trúc đặc trưng của làng quê Việt- Ảnh 2.

Toà đại đình bề thế, đình có 8 hàng cột, đã nâng mái lên cao hơn và tăng thêm độ dốc, mái xòa cong xuống, trông mềm mại, bay bổng.

Nhà đại bái là công trình chính gồm 5 gian, 2 chái, có 8 hàng cột, 6 hàng chân (tổng số là 48 cột). Cột cái có chiều cao hơn 5 mét, đường kính 56 cm; cột quân đường kính 45 cm; cột hiên đường kính 35 cm. Gian giữa có cửa võng đề bốn chữ - Nguyễn Đại Vương từ. Ngoài ra còn nhiều hoành phi câu đối khác treo trong đình.

Mặt đình quay về hướng chính nam. Cổng đình được xây với 2 trụ lớn nối liền bức tường bao quanh khu di tích, phía trong là 2 giếng tròn tượng trưng cho cặp mắt hổ. Sau cổng là sân gạch dẫn đến đại đình. Mái đình lợp ngói vẩy rồng, bờ nóc chạy thẳng được soi bằng những đường chỉ chìm. Thân và bờ dải được đắp thẳng bằng những hình hoa chanh. Đầu kìm phía ngoài vuốt cong như sừng trâu, phía trong là đầu rồng cuốn thủy.

Đình làng Lại Đà - Nét kiến trúc đặc trưng của làng quê Việt- Ảnh 3.

Toàn cảnh đình Lại Đà nhìn từ trên cao.

Toà đại đình 5 gian được kết cấu bởi 6 bộ vì. Bộ vì chính theo kiểu giá chiêng chồng rường con nhị, trang trí các loại vân xoắn và lá cách điệu, có niên hiệu từ thời Hậu Lê (thế kỷ 18). Hậu cung xây kiểu 2 tầng mái, bên trên cửa võng treo bức hoành phi đề 4 chữ lớn "Nguyễn Đại vương từ", trong cùng là hương án, sập thờ và một số đồ thờ tự đặt trước long ngai, bài vị có ghi "Nguyễn Đại vương thần vị". Đôi lân chầu ngai mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17.

Trước sân đình có hai ao tròn, gọi là 2 mắt hổ; giữa có hòn đá là lưỡi hổ; phía sau đình là mình hổ và tiếp đó là đuôi hổ. Cửa đình hướng về phía Nam, trước mặt là cánh đồng và xa hơn nữa là dòng sông Đuống. Trước cửa đình có khoảng sân rộng lát gạch Bát Tràng. Hai cột đồng trụ hướng vào đình có đôi câu đối.

Đình làng Lại Đà - Nét kiến trúc đặc trưng của làng quê Việt- Ảnh 4.

Mắt hổ được xây bằng gạch có đường kính 3975 mm, cầu thủy tinh mắt hổ được làm bằng đá granit có đường kính 810 mm, chiều rộng của thành mắt hổ là 450 mm.

Đình làng Lại Đà - Nét kiến trúc đặc trưng của làng quê Việt- Ảnh 5.

HÌnh ảnh Lễ đặt cầu thủy tinh mắt hổ.

Kết cấu lòng sàn mắt hổ rất kỹ lưỡng bới những kỹ thuật tiên tiến, sàn mắt hổ được rải cát vàng và vải địa kỹ thuật tạo nên sàn móng vững chắc.

Đình làng Lại Đà thờ Thành hoàng Nguyễn Hiền. Ngài là nhân thần. Thần phả ghi: Ngài sinh ngày 11 tháng 3 năm 1234, tại châu Hoan ái. Năm Đinh Mùi (1247) Ngài đỗ Trạng nguyên, lúc ấy mới 13 tuổi. Tháng 2 năm ất Hợi (1275) giặc Chiêm Thành xâm lược nước ta, Nhà Vua cử Ngài dẫn quân đi dẹp giặc. Nhờ tài thao lược, Ngài đã đánh tan quân Chiêm Thành, bắt được tướng giặc. Đất nước trở lại thanh bình, Nhà Vua phong Ngài vào hàng hiển quý quan thứ nhất.

Theo Thần phả thì đình Lại Đà ban đầu không to lắm, do có xuất xứ từ một ngôi đền thờ. Đến nay, ngôi đình đã nhiều lần được trùng tu. Tổng thể ngôi đình mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn từ sau lần được dựng lại vào năm 1853. Hiện, trong đình đang lưu giữ 20 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến xưa, từ năm Khánh Đức thứ 4 (1652) đến năm Khải Định thứ 9 (1924).

Một số hình ảnh bên trong đình làng Lại Đà:

Đình làng Lại Đà - Nét kiến trúc đặc trưng của làng quê Việt- Ảnh 6.

Đình làng Lại Đà - Nét kiến trúc đặc trưng của làng quê Việt- Ảnh 7.

Đình làng Lại Đà - Nét kiến trúc đặc trưng của làng quê Việt- Ảnh 8.

Đình làng Lại Đà - Nét kiến trúc đặc trưng của làng quê Việt- Ảnh 9.

Đình làng Lại Đà - Nét kiến trúc đặc trưng của làng quê Việt- Ảnh 10.

Ngày 5/9/1989, Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng cụm di tích kiến trúc nghệ thuật Lại Đà. Cụm này gồm có ngôi đình làng ở giữa, bên trái là chùa Cảnh Phúc Tự, bên phải là miếu thờ Thánh Mẫu Tiên Dung, tương truyền bà đã có công báo mộng giúp Nguyễn Hiền dẹp quân Chiêm, sau được vua Trần phong làm phúc thần. Miếu là 2 tòa nhà 3 gian, xây tường hồi bít đốc, giá chiêng kiêm vì kèo. Phía trước có cửa bức bàn, bên trong đặt khám gỗ chạm hình rồng và lão mai, lão cúc hóa rồng. Lồng trên bề mặt khám có 4 đại tự "Thánh cung vạn tuế".


Tuấn Anh
Ý kiến của bạn