Tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em miền núi cao gấp 2 lần người Kinh
Báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới, cho biết, Việt Nam là 1 trong số 34 quốc gia trên toàn cầu phải đối mặt với gánh nặng suy dinh dưỡng trẻ em. Trong số 1,9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng có khoảng 1/3 trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) thiếu dinh dưỡng thể thấp còi, tỷ lệ này cao gấp 2 lần so với trẻ em người Kinh.
Đáng chú ý, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở nhóm DTTS rất ít người còn ở mức cao như dân tộc Chứt là 40%, Si La: 21,7%; Bố Y: 35%; La Ha: 20%, Brâu, Rơ Măm: 29,87%; Ơ-đu: 12%; Lô Lô: 16,91%.
Ngày 5/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 02/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Một trong những mục tiêu của Chiến lược là giảm tỷ lệ SDD thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi khu vực miền núi xuống dưới 28% vào năm 2025 và dưới 23% vào năm 2030.
Theo kết quả điều tra ban đầu của một dự án tại 11 tỉnh cho thấy, tỷ lệ bú mẹ hoàn toàn của các dân tộc còn thấp ( khoảng từ 4- 33%); tỷ lệ trẻ có chế độ ăn đúng đủ ở dân tộc thiểu số (khoảng từ 33-52%) thấp hơn so với vùng đồng bằng (75%). Nguyên nhân là do học vấn của bà mẹ thấp, thiếu an ninh lương thực; chế độ ăn không đa dạng và thiếu bữa (dân tộc Thái, Mường); cai sữa sớm (dân tộc Tày, Nùng). Như vậy, ở vùng đồng bào dân tộc, việc thực hành cho trẻ bú mẹ còn chưa tốt và có khác biệt giữa các dân tộc; cho trẻ ăn bổ sung không tốt…
Thực tế cho thấy, tỷ lệ thấp còi cao ở phụ nữ và trẻ em người DTTS sẽ gây hậu quả lâu dài đến chất lượng nguồn nhân lực, làm chậm quá trình giảm nghèo, công bằng, phát triển kinh tế ở một số vùng khó khăn. Các mô hình hiệu quả với các giải pháp đồng bộ, giúp giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em trong cả nước cũng như nhóm trẻ người dân tộc thiểu số đang được thực hiện với nỗ lực cải thiện các chỉ số này.
Tình trạng thấp còi, suy dinh dưỡng của trẻ em được xem là một trong những vấn đề đáng lo ngại đối với sự phát triển của con người trên toàn cầu. Việt Nam hiện vẫn thuộc nhóm những quốc gia đang phát triển và phải đương đầu với tỷ lệ trẻ em thấp còi khá cao. Theo số liệu thống kê của Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia Việt Nam, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 5 tuổi năm 2018 là 23,2%, trung bình cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi.
Theo báo cáo tổng điều tra dinh dưỡng năm 2020 của Viện Dinh dưỡng cho thấy, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng (SDD) thấp còi dưới 5 tuổi ở vùng miền núi chiếm tỷ lệ cao nhất 38% (đặc biệt có vùng lên tới 42%). Mặc dù tỷ lệ SDD toàn quốc đã giảm, tuy nhiên tỷ lệ SDD thể thấp còi ở trẻ em là DTTS vẫn cao gấp 2 lần so với nhóm trẻ em là người Kinh (32% so với 17,1%), đồng thời tỷ lệ trẻ nhẹ cân cũng cao hơn gấp 2,5 lần so với trẻ em là người Kinh (21% so với 8,5%).
Hơn nữa, có tới 60% số trẻ em bị SDD thể thấp còi ở 10 tỉnh có tỷ lệ SDD thể thấp còi cao nhất cả nước là người DTTS. Không chỉ SDD thấp còi, nhẹ cân, tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em các vùng núi và DTTS vẫn đang ở mức cao. Tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em 6-59 tháng tuổi ở miền núi phía Bắc là 67,7% và Tây Nguyên là 66,6%. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở nhóm trẻ 6-59 tháng tuổi cao nhất ở khu vực miền núi phía Bắc (13,8%) và Tây Nguyên (11,0%) trong khi cả nước là 9,5%. Tỷ lệ thiếu máu ở nhóm trẻ 6-59 tháng cao nhất ở miền núi phía Bắc (23,4%) và Tây Nguyên (26,3%), trong khi cả nước là 19,6%.
Nguyên nhân của tình trạng này do chế độ dinh dưỡng thai kỳ không đảm bảo;Chiều cao của bố mẹ thấp (mẹ dưới 1m45, bố dưới 1m55); Một số phong tục về chăm sóc dinh dưỡng không phù hợp và vệ sinh cá nhân, môi trường chưa tốt cũng gián tiếp dẫn đến thấp còi; Kinh tế kém phát triển, dẫn đến bữa ăn của trẻ thiếu cả về số lượng và chất lượng.
Khẩu phần ăn của trẻ không hợp lý, trẻ không ăn đủ bữa tối thiểu, trẻ không được tiếp tục cho bú đến 1 tuổi, tỷ lệ trẻ có chế độ ăn đúng đủ ở vùng DTTS khoảng từ 33-52%, thấp hơn so với vùng đồng bằng (75%).
SDD thấp còi có thể ảnh hưởng đến vóc dáng, chiều cao, trí tuệ, sức đề kháng... Chiều cao thấp khi trưởng thành cũng là nguy cơ của tình trạng thừa cân, béo phì sau này. SDD thấp còi gây chậm phát triển về thể chất. Khi trẻ mắc bệnh, sự thiếu hụt dinh dưỡng làm cho cơ thể không đủ năng lượng và các vi chất để duy trì hoạt động và dành cho quá trình phát triển, khiến chậm phát triển hệ cơ xương nên trẻ chậm phát triển chiều cao, giảm tích tụ mỡ trong cơ thể làm trẻ gầy gò…
Can thiệp dinh dưỡng sớm phòng chống thấp còi
Theo PGS.TS Lê Danh Tuyên, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tăng cường đầu tư cho các can thiệp đã được chứng minh hiệu quả, chi phí thấp có thể cứu được mạng sống cho trẻ và phòng chống thấp còi.
Suy dinh dưỡng và tử vong trẻ em có thể phòng chống được bằng các giải pháp tương đối đơn giản và không quá tốn kém. Bổ sung sắt giúp trẻ tăng cường khả năng phòng bệnh, giảm tử vong mẹ khi sinh, góp phần dự phòng sinh non và sinh trẻ nhẹ cân. Bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tăng khả năng sống còn của trẻ lên đến 6 lần. Ăn bổ sung đúng thời điểm và hợp lý giúp trẻ tăng trưởng đúng tiềm năng, không bị thấp còi. Vitamin A phòng mù lòa và giảm nguy cơ tử vong của trẻ do các bệnh thông thường. Kẽm và thực hành vệ sinh phòng tử vong của trẻ do tiêu chảy.
Để làm được việc này, mạng lưới cộng tác viên dinh dưỡng là những cán bộ cộng đồng quan trọng trong việc đưa các can thiệp dinh dưỡng nói trên đến bà mẹ và trẻ em là đối tượng đích của chương trình. Chính phủ và các nhà tài trợ cần hợp tác để có thể duy trì đội ngũ cộng tác viên đầy đủ năng lực và nhiệt tình để hoạt động ngày càng hiệu quả thông qua việc tập huấn nâng cao năng lực và chế độ đãi ngộ phù hợp, đặc biệt với những cán bộ công tác tại những địa bàn khó khăn.
Các chỉ tiêu dinh dưỡng cần được xây dựng và thực hiện trong các chương trình quốc gia về dinh dưỡng và y tế cũng như được đưa vào các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
Trong các giải pháp kỹ thuật, chiến lược có đề cập đến các can thiệp đặc hiệu vào 1000 ngày đầu bao gồm chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ trước, trong và sau sinh; thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và ăn bổ sung hợp lý cho trẻ dưới 2 tuổi; cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em (thuộc chương trình Mục tiêu quốc gia về Y tế) đang được triển khai cũng bao gồm các hoạt động can thiệp tập trung vào nhóm đối tượng và thời điểm này.
Trong chu kỳ tới, ngoài các can thiệp định hướng 1000 ngày vàng, cần tiếp tục duy trì và củng cố hệ thống cán bộ dinh dưỡng ở tuyến cơ sở, đặc biệt sau việc luân chuyển và tái cơ cấu tổ chức của hệ thống y tế dự phòng, tăng cường việc huy động nguồn lực tại chỗ và các nhà tài trợ tiềm năng cho dinh dưỡng, hợp tác với khối tư nhân, song song với việc xây dựng và củng cố các chính sách luật lệ liên quan đến dinh dưỡng để thu hút đầu tư cho dinh dưỡng có hiệu quả nhưng cũng giữ gìn được lề an toàn cho các thực hành dinh dưỡng theo khuyến nghị.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thực Hư Thông Tin Sốt Xuất Huyết Không Nên Uống Sữa | SKĐS