Vậy với các bệnh tim mạch dinh dưỡng có vai trò như thế nào trong phòng và điều trị…. Chúng ta cùng tìm hiểu vấn đề này qua sự trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm.
Phóng viên: Thưa PGS. có thể nói dinh dưỡng là yếu tốt rất quan trọng, không thể thiếu trong đời sống của con người, đặc biệt là đối với những người mắc bệnh, trong đó có bệnh về tim mạch. Vậy PGS có thể nói rõ hơn về vai trò của dinh dưỡng đối với các bệnh này như thế nào?
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm: Đối với các bệnh tim mạch, dinh dưỡng rất quan trọng trong phòng và trị bệnh. Đơn cử đối với bệnh tăng huyết áp (THA) chế độ ăn nhạt có vai trò hỗ trợ dự phòng và điều trị bệnh rất lớn. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi người mỗi ngày chỉ được ăn dưới 5g muối. Muối ở đây không chỉ là muối ăn bình thường mà bao gồm cả muối trong các loại nước chấm như nước mắm, nước tương, xì dầu, mắm tôm, mắm tép, bột nêm, bột gia vị, viên súp mặn, thậm chí muối cũng có cả trong mì chính, muối trong các loại thực phẩm chế biến sẵn (như dưa cà muối, giò chả, thịt quay, thịt hộp…), muối trong các loại thực phẩm tự nhiên (như trứng, sữa, thịt, hải sản)… Theo khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia người Việt Nam ăn tới 11- 13g/người/ngày, gấp 2 -2,5 lần so với nhu cầu khuyến nghị.
Chế độ ăn giàu kali cũng liên quan đến hạ huyết áp. Kali có nhiều trong rau xanh, quả chín. Chế độ ăn giàu kali thường lớn hơn 4.000mg kali/ người/ngày. Chế độ ăn thông thường ít rau xanh, quả chín chỉ cung cấp khoảng 2.000 mg kali/người/ngày. Những vùng có nguồn nước khoáng giàu canxi, magie, khẩu phần ăn đủ magie tỉ lệ THA thấp hơn. Magie có nhiều trong rau có màu xanh thẫm, lạc, vừng, đậu, đỗ… Thiếu magie liên quan đến tử vong do đột quỵ gia tăng.
Phóng viên: Thưa PGS. người bệnh tim mạch thường mắc những sai lầm nào trong ăn uống?
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm: Hiện nay sai lầm thường gặp nhất đối với người bệnh tim mạch là ăn quá mặn; ăn ít rau xanh, quả chín; ăn nhiều thịt, nhiều mỡ động vật, các thực phẩm chế biến sẵn, nhiều chất béo chuyển hóa, hay ăn phủ tạng động vật (não, tim, gan, lòng lợn, tiết canh, bầu dục...)… Ăn không cân đối giữa đạm động vật và đạm thực vật…
Phóng viên: Vậy đối với những người mắc các bệnh lý tim mạch (như THA, rối loạn lipid máu (RLLPM), thiếu máu cơ tim cục bộ, tai biến mạch máu não… ), cần lưu ý gì về dinh dưỡng, thưa PGS.?
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm: Người bệnh tim mạch nói chung, đặc biệt là người bệnh THA nên ăn nhạt. Người THA chỉ nên ăn 2 - 4g muối/người/ngày; tăng cường rau xanh (400g/người/ngày), quả chín (200g/người/ngày).; ăn ít mỡ động vật, ít thịt, tăng cường ăn cá 3 lần/mỗi tuần; ăn thêm đậu phụ, đậu đỗ. Chế độ ăn phải đủ canxi, magie. Nếu uống sữa không đủ thì cần bổ sung các chế phẩm canxi theo chỉ dẫn của bác sĩ nhằm giảm THA. Bên cạnh đó, cần tăng cường vận động 60 phút/ngày; bỏ hút thuốc lá; giữ cho cơ thể không bị thừa cân, béo phì (kiểm soát tốt cân nặng); bỏ rượu…
Với các trường hợp thiếu máu cơ tim cục bộ, đây là một biến chứng của RLLPM, do trong lòng mạch máu có nhiều mảng xơ vữa gây tắc nghẽn và thiếu máu cục bộ hoặc các trường hợp tai biến mạch máu não có thể là biến chứng của THA hoặc do RLLPM dẫn đến việc hình thành các cục máu đông gây tắc nghẽn hoặc nứt vỡ mạch máu ở não. Vì vậy tùy nguyên nhân gây bệnh mà thầy thuốc sẽ lựa chọn chế độ ăn giống người bệnh THA hoặc RLLPM hay phối hợp về nguyên tắc chế độ ăn của hai bệnh này.
Khi chỉ số khối cơ thể (BMI) tính bằng cân nặng (kilogam) chia cho bình phương chiều cao (mét) trong khoảng từ 18,5 đến dưới 25 là bình thường. Từ 25 trở lên là thừa cân - béo phì (TC-BP). Những người TC-BP thường có THA, giảm cân sẽ giúp giảm huyết áp.
RLLPM hay còn gọi là mỡ máu cao liên quan đến TC-BP, có tới 60 – 70 % người TC - BP có RLLPM. Thực tế cho thấy, khẩu phần ăn nhiều chất béo, đặc biệt mỡ (thịt mỡ, nước dùng thịt…), bơ động vật có liên quan nhiều đến RLLPM. Cần tránh các chất béo chuyển hóa (transfat) là các loại chất béo chế biến ở môi trường nhiệt độ cao, dùng đi dùng lại nhiều lần như quẩy rán, các loại bánh rán ,thịt rán… Chế độ ăn nhiều phủ tạng động vật, tôm, lươn to chứa nhiều cholesterol… khiến tăng cholesterol trong máu. Một chế độ ăn đảm bảo cân đối giữa các chất sinh năng lượng (đường, đạm, béo), trong đó chất béo chiếm 20 - 30% tổng năng lượng giúp dự phòng TC-BP, tăng lipid máu. Ăn chất béo động vật ở mức vừa phải, tăng cường các chất béo không no một nối đôi, nhiều nối đôi (thường có trong các loại cá béo, các loại dầu thực vật tốt). Chế độ ăn cần nhiều chất xơ. Chất xơ có nhiều trong rau xanh, quả chín, trong vỏ các loại ngũ cốc thô như gạo lứt/ bánh mì đen, ví dụ trong 100g gạo trắng chỉ chứa 1 gam chất xơ, nhưng trong 100g gạo lứt có tới 3g - 3,5g chất xơ. Cần ăn đủ 20 - 30g chất xơ/người/ngày giúp giảm dư thừa mỡ trong gan, máu…
Phóng viên: Như vậy, đối với người bình thường cần có chế độ dinh dưỡng như thế nào để giúp phòng ngừa các bệnh lý tim mạch, thưa PGS.?
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm: Để phòng ngừa các bệnh lý tim mạch mỗi người cần có chế độ ăn lành mạnh, cân đối 4 nhóm thực phẩm đường, đạm, béo và vitamin khoáng chất (có nhiều trong rau xanh,quả chín), đáp ứng đủ nhu cầu khuyến nghị trong ngày. Ăn đa dạng thực phẩm, 15 – 20 loại mỗi ngày. Ăn cân đối giữa đạm động vật và thực vật, cân đối giữa chất béo động vật và chất béo thực vật. Ăn đủ rau xanh(400g/ngày), quả chín(100-300g/ngày). Ăn nhạt. Kiểm soát cân nặng. Không hút thuốc lá, tăng cường vận động (60 phút/ngày). Tránh căng thẳng trong cuộc sống…
Phát huy truyền thống của dân tộc Việt Nam, chúng ta nên ăn rau, giá, cá, đậu, ăn đa dạng thực phẩm, nhiều món ăn truyền thống dân tộc đa dạng thành phần (ốc chuối đậu, nem rán…), ăn ít thịt, tăng đạm thực vật (đậu đỗ, đậu phụ…).. Hạn chế uống các loại nước ngọt và tránh ăn nhiều đồ ngọt…
Ăn nhiều rau xanh quả chín giúp phòng các bệnh tim mạch.
Phóng viên: Mới đây một nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới cho biết, ăn thịt gà có liên quan đến ung thư, PGS. có ý kiến gì về thông tin này?
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm: Đó chỉ là những nghiên cứu nhỏ lẻ, chưa được công bố một cách chính thống, chưa được thế giới kiểm chứng qua các hội nghị khoa học lớn của các cơ quan chuyên trách đáng tin cậy như Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Lương thực của Liên hiệp quốc… Hiện nay các thông tin về dinh dưỡng tại Việt Nam và trên thế giới rất nhiều, chúng ta phải biết lựa chọn thông tin chính thống để tham khảo, tránh thông tin “lá cải”, “câu view” từ các nguồn không chính thống.
Phóng viên: Thưa PGS. mặc dù dinh dưỡng có vai trò quan trọng như vậy nhưng hiện nay ở nước ta mảng này dường như vẫn chưa được quan tâm đúng mức?
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm: Đúng vậy, hiện nay ở nước ta từ người dân đến các thầy thuốc chưa quan tâm đúng mức tới dinh dưỡng dự phòng và hỗ trợ điều trị bệnh. Tại các nước phát triển bác sĩ dinh dưỡng lâm sàng tham gia vào hội chẩn, đưa ra chế độ ăn phù hợp với từng loại bệnh, từng giai đoạn bệnh, từng người bệnh. Bệnh nhân vào bệnh viện phải ăn theo chế độ ăn của bệnh viện.
Hiện nay nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, thành và một số bệnh viện tuyến huyện đã có khoa dinh dưỡng nhưng còn nhiều bệnh viện thiếu mặt bằng bếp nấu ăn, thiếu cán bộ dinh dưỡng, cán bộ trong các khoa dinh dưỡng lâm sàng chưa được sự ủng hộ tích cực của Ban giám đốc, của các cán bộ khoa lâm sàng.
Chúng ta chưa có cơ chế bắt buộc người bệnh vào bệnh viện phải ăn theo chế độ của bệnh viện, người bệnh vẫn ăn tự túc, tự mua thực phẩm ở các hàng quán quanh bệnh viện tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về mất an toàn vệ sinh thực phẩm và không được ăn theo chế độ điều trị, trong khi người bệnh đang ốm, sức đề kháng kém nếu không may ăn phải các thực phẩm mất an toàn còn mắc thêm bệnh.
Nhiều bệnh nhân nghèo không đủ tiền ăn nên ăn rất thiếu dinh dưỡng khiến bệnh lâu khỏi. Hiện nay người bệnh chưa được thanh toán chi phí ăn uống qua bảo hiểm y tế giống như thuốc…
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn PGS.!