Hà Nội

Dinh dưỡng ngày thi

10-07-2014 06:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Ngay trong ngày đầu tiên của kỳ thi đại học năm 2014, một thí sinh tại địa bàn thi Hà Nội đã phải cấp cứu vì rối loạn tiêu hóa phải bỏ dở bài thi...

Ngay trong ngày đầu tiên của kỳ thi đại học năm 2014, một thí sinh tại địa bàn thi Hà Nội đã phải cấp cứu vì rối loạn tiêu hóa phải bỏ dở bài thi, một cán bộ coi thi đã bị nhiễm trùng nhiễm độc thức ăn. Vấn đề ăn uống của sĩ tử ngày thi vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cũng như chất lượng kỳ thi.

Đừng tranh thủ cải thiện

Như trên đã nói, vào những ngày thi đại học, sĩ tử từ nhiều vùng miền khác nhau cùng với người thân tập trung đi tham dự kỳ thi. Và đây chính là đối tượng gánh chịu nhiều nguy cơ nhất tới vấn đề dinh dưỡng. Tích cóp ít tiền bạc, đưa con em lên thành phố lớn, các bậc phụ huynh thường có tâm lý tranh thủ “cải thiện dinh dưỡng” cho con em trước và trong ngày thi. Song điều này lại thực sự không tốt. Vì sự tranh thủ “tống táng” dinh dưỡng kiểu “chịu khó ăn đi con, ăn cái này cái kia nhiều vào” càng làm gia tăng sự đột biến thay đổi dinh dưỡng, rất không có lợi, đồng thời làm tăng thêm những thực phẩm nguy cơ cao gây rối loạn tiêu hóa. Điều mà các bậc cha mẹ nên làm là tạo ra một bữa ăn trung tính, nhất là trong các ngày thi để giảm thiểu rối loạn tiêu hóa và hệ lụy các bệnh do nhiễm khuẩn từ thực phẩm gây ra.

Thí sinh và người nhà cần biết cách chọn món ăn đảm bảo ATVSTP.

Thí sinh và người nhà cần biết cách chọn món ăn đảm bảo ATVSTP.

Vào quán, chọn món

Các sĩ tử và người thân, nhất là những người từ ngoại tỉnh về không có điều kiện tự túc dinh dưỡng nên chỉ có thể trông mong vào các quán cơm vỉa hè, quán cơm bình dân. Mối lo an toàn thực phẩm canh cánh. Vậy nên làm sao đây?

Đáp án cho lời giải này thực ra không khó. Bạn không cần phải dẫn con em tới các nhà hàng xa hoa, đắt đỏ, chỉ cần những quán cơm đủ điều kiện vệ sinh là có thể yên tâm dinh dưỡng cho con. Vấn đề tâm điểm là cách chọn món ăn và cách ăn.

Tạm chia thực phẩm trong các quán cơm vỉa hè thành hai loại: những thực phẩm tương đối an toàn và những thực phẩm nguy cơ cao. Các món ăn có nguy cơ cao bao gồm: các loại rau củ quả không đúng vụ, các món tôm cá, các món xào trộn đầy gia vị, các món giả cầy, giò chả, giăm bông, dưa cà muối vỉa hè.

Chúng tôi xếp các loại rau củ quả không đúng vụ vào món thực phẩm nguy cơ cao vì hai lý do: người trồng sẽ phải dùng thuốc tăng trưởng thực vật liều cao hoặc thuốc bảo vệ thực vật liều cao nhằm kích thích cây phát triển hoặc sẽ được ngâm tẩm hóa chất để bảo quản. Nếu ăn những thực phẩm này vào, cố nhiên, các sĩ tử dễ gặp nguy cơ ngộ độc thực phẩm dạng ngộ độc hóa chất.

Các món tôm, cá, thủy hải sản được xếp vào nhóm thực phẩm nguy cơ cao là vì quy trình và kỹ thuật chế biến. Lý do: tôm cá rất dễ ươn, ôi thiu. Chúng lại có mùi tanh, dễ hấp thu ruồi nhặng và các loại côn trùng khác. Đây là những sinh vật “thả dù” vào tôm cá nhiều loại vi khuẩn gây bệnh, nhất là salmonella và trực khuẩn tả. Trong điều kiện phục vụ chật hẹp và thiếu thốn, cố nhiên các món này sẽ dễ thành món gây tiêu chảy cấp.

Các món trộn đầy gia vị, giả cầy cũng nên cảnh giác. Đề phòng trường hợp chủ quán nhập thực phẩm cuối ngày, ôi thiu và để khử mùi, họ dùng gia vị đậm đà để đánh lừa người ăn.

Các món ăn tương đối an toàn là các món ăn trung tính, phổ thông. Tuy không quá đậm đặc dinh dưỡng nhưng cũng đủ đảm bảo cho sĩ tử đi thi. Chúng bao gồm các món: rau luộc, rau nấu, thịt luộc, đậu phụ, trứng ốp, giá đỗ xào, bầu bí xào.

Các loại rau luộc, rau nấu rất an toàn nhưng bạn phải lựa đúng loại rau củ quả mùa hè. Những loại rau củ quả này vốn chính vụ tương đối an toàn. An toàn nhất trong nhóm này là bí, bầu, mướp, rau mồng tơi, rau sam. Những loại này ít khi bị phun hóa chất bảo vệ thực vật hoặc chúng có lớp vỏ tương đối dày ngăn cách.

Các món thịt an toàn nhất là thịt luộc. Vì món luộc vốn rất trung tính nên có mùi lạ là sẽ bốc mùi ngay.Bạn cũng có thể chọn món trứng thay cho món thịt. Một món ăn khác tương đối an toàn để bạn chọn là đậu phụ. Nên chọn đậu luộc, cùng lắm là đậu rán. Hạn chế chọn đậu nhồi thịt, đậu sốt sẽ không thể kiểm soát được.

Như vậy, bữa ăn của sĩ tử đã khá đủ, có cơm, có rau củ quả (rau, giá đỗ, bầu bí), có thịt (hoặc trứng) và có đậu. Bữa ăn này an toàn và khá đủ dinh dưỡng. Bạn yên tâm, sĩ tử sẽ không thiếu dinh dưỡng trong buổi thi.

Cách ăn an toàn phù hợp

Nhất định phải có cơm. Cơm rất chắc bụng, no tương đối lâu, sẽ đủ khả năng duy trì 3 giờ đồng hồ làm bài. Nên chọn cơm trắng, không nên chọn cơm rang hay bún phở. Bún phở nhanh đói. Cơm rang chóng khát nước.

Buổi sáng chỉ nên ăn xôi, tránh ăn bún phở. Bánh bao, bánh rán hoàn toàn không thích hợp. Xôi thịt hoặc xôi lạc, xôi ruốc sẽ an toàn và ít có nguy cơ nhất. Buổi trưa vốn là buổi trung gian giữa hai lần thi sáng và chiều vì vậy không nên ăn nhiều, chỉ ăn vừa đủ. Một bữa ăn được thiết kế an toàn ở trên có đủ chất bột từ cơm, đạm từ thịt, chất béo từ thịt, đậu và vitamin từ rau củ quả, có đủ nước từ nước canh. Buổi tối, do có nhiều thời gian rảnh, bạn có thể ăn nhiều hơn một chút nhưng đừng quá sa đà. Bạn nên nhớ, bữa ăn ngày thi cốt để đảm bảo đủ lượng đường trong máu và lượng dinh dưỡng đủ để làm bài thi, hoàn toàn không nhằm mục tiêu tẩm bổ hoặc vỗ béo, vì một hai bữa không làm thay đổi chất lượng dinh dưỡng của con bạn.

Một điều lưu ý là không nên sử dụng nước ga sủi bọt vì chúng tạo ra cảm giác hết khát giả (hiệu ứng ga sủi). Vào phòng thi, sĩ tử sẽ nhấp nha nhấp nhổm vì bận đi uống nước. Thứ nước tốt nhất là nước đun sôi để nguội, vừa vệ sinh, vừa rẻ tiền lại rất đỗi an toàn.

BS. Yên Lâm Phúc (Học viện Quân y)

 


Ý kiến của bạn