(SKDS) - Ẩm thực không chỉ để đáp ứng cái khoái khẩu, thỏa mãn đủ cả mùi, màu sắc và vị giác mà ẩm thực giờ đây còn phải cân nhắc đến tác động tới sức khỏe và tuổi thọ. Vậy với mắt thì dinh dưỡng nào là tốt?
Các chất cần thiết cho mắt
Những nghiên cứu dịch tễ học về tác dụng của ẩm thực đến sức khỏe và tuổi thọ cho biết, một chế độ ăn nhiều dầu thực vật, dầu hạt sẽ giúp ta giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Cốt lõi của vấn đề là chế độ ăn nhiều dầu giúp cho tỷ số acid béo omega 3/omega 6 ở mức có lợi nhất cho sức khỏe. Ăn nhiều cá luôn được ca ngợi bởi các bác sĩ nội khoa và bác sĩ nhãn khoa vì hàm lượng acid béo chuỗi dài omega 3, vitamine E, iode, kẽm, selene mà cá đem lại cho người sử dụng rất cần thiết để phòng chống bệnh mắt, bệnh tim mạch, bệnh ung thư. Chế độ ăn nhiều rau, nhiều chất xơ đã được cổ vũ từ vài thập kỷ nay. Rõ ràng là rau xanh giúp con người trẻ lâu, chống ung thư chủ yếu là ung thư đường ruột bởi ẩn chứa hàm lượng vitamine C cao, các chất xơ cần thiết cho quá trình tiêu hóa, một loạt các nguyên tố vi lượng và khoáng chất tối cần thiết khác. Với các chị em thì sữa đậu nành, giá đỗ có thể hiểu là nguồn vitamine E thực vật, được các nhà dinh dưỡng khuyên dùng để phòng chống các bệnh ung thư sinh dục phụ nữ. Rượu bia với số lượng ít và độ cồn thấp cũng có tác dụng tốt. Một là men bia trợ giúp cho tiêu hóa tốt. Rượu vang đỏ được cho là bí kíp sống lâu của người Pháp bởi sắc tố đỏ của nho phòng chống bệnh tim mạch rất tốt, giảm tỷ lệ đột quị do bệnh tim mạch ở mức đáng kể.
Thực phẩm có màu đỏ chứa nhiều vitamin A tốt cho mắt. |
Ðến các loại thực phẩm
Trong chuyên khoa mắt mà tôi đang phục vụ, xin được mạnh dạn cổ súy cho một vài nhóm thực phẩm sau đây. Các loại rau xanh, rong biển, hoa quả có màu đỏ có rất nhiều carotenoide mà chủ yếu là betacarotene. Người ta đã biết từ lâu betacarotene chính là tiền chất của vitamine A, loại vitamine quan trọng nhất cho mắt- da- niêm mạc. Riêng rong biển còn có một loại sắc tố là Azexanthine rất cần thiết để chống các tác nhân oxi hóa hủy hoại mô võng mạc và thần kinh. Hai loại sắc tố Azexanthine và Luteine rất quan trọng để phòng ngừa thoái hóa điểm vàng và đục thể thủy tinh (hai nguyên nhân gây mù hàng đầu cho lứa tuổi trên 60). Chúng ta dễ dàng tìm thấy chúng trong các loại rau có màu xanh đậm: quả su su, súp lơ xanh, rau chân vịt. Đặc biệt là cá, trong cá có rất nhiều acid béo omega 3, rất có lợi để phòng ngừa thoái hóa hoàng điểm.
Lượng DHA, phospholipid cũng rất dồi dào trong cá. DHA trong một nghiên cứu mới đây cho thấy có thể cứu cánh cho bệnh nhân bị bệnh võng mạc sắc tố, nó cũng có tác dụng giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch và các viêm nhiễm dạng tự miễn như viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn. Các loài nhuyễn thể, hải sản không những ngon miệng mà còn có nhiều kẽm, selene, đồng…Các yếu tố vi lượng này được coi là những co-enzyme rất cần thiết cho mắt cũng như các mô có nguồn gốc thần kinh khác. Bệnh mắt, tỷ lệ cận thị rất rất thấp ở người Eskimo được cho là do họ ăn cá vô tội vạ, tại sao chúng ta không bắt chước họ nhỉ ?
Nếu ai có may mắn được tham quan đó đây sẽ thấy ta thiệt thòi vì không có cây bạch quả. Cây bạch quả dáng rất đẹp, lá có 3 thùy như lá phong, mọc rất nhiều ở Bắc Kinh, Seoul. Người dân địa phương thu hoạch quả để nấu chè, hầm gà hoặc rang ăn như ăn lạc. Bạch quả rất có lợi cho tim mạch, thần kinh và mắt. Các hãng dược cũng đua nhau khai thác những lợi điểm của cây bạch quả, chế biến thành thuốc viên bán trên thị trường với các tên gọi khác nhau: tanakan, giloba, ginkoforte...
Thêm một loại quả nữa ăn cũng rất tốt cho mắt vì có nhiều carotenoide và vitamin C thế nhưng ở ta gần như không thấy ai trồng hoặc thu hoạch đó là quả việt quất. Quả việt quất trông khá giống quả nho, ăn tươi hoặc làm mứt hay chế biến thành rượu mùi đều rất tốt cho mắt. Gần đây người ta nói nhiều đến những tác dụng có lợi của trà xanh với bệnh tim mạch, đái tháo đường. Trà xanh còn có tác dụng tốt trên bệnh nhân viêm bờ mi. Dùng nước chè xanh rửa mặt vừa làm đẹp da lại giảm hẳn những khó chịu của viêm bờ mi gây ra: ngứa, rát, rụng lông mi...
Thật mệt mỏi khi lại phải gắng nhớ lại các bác sĩ khuyên nên ăn gì, uống gì mỗi khi nâng bát, xuống đũa. Vậy tôi xin đưa ra một sáng kiến nho nhỏ là hãy cố gắng tác động vào người đi chợ, người nấu nướng cho chúng ta ăn để họ đổi món thường xuyên. Những bữa ăn nhiều rau, ít thịt, nhiều cá và hải sản chẳng những trông vui mắt vì nhiều màu sắc, ngon miệng mà còn rất có lợi cho sức khỏe nói chung và cho mắt nói riêng.
BS. ThS. Hoàng Cương