Hà Nội

Dinh dưỡng không có công thức nhất định!

25-12-2019 13:13 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Là một phóng viên với hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực y tế, một trong những nữ bác sĩ khiến tôi ấn tượng nhất là BS.CKII. Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, từ những chương trình “Nuôi con bằng sữa mẹ” hay “Dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường”.

Hoạt động trong lĩnh vực dinh dưỡng giúp chị tràn đầy sức sống, đằm thắm nữ tính của một người phụ nữ yêu thích bếp núc, lại đồng thời là một bác sĩ tỉ mỉ, đầy lòng trắc ẩn.

Dinh dưỡng không có công thức nhất định!

BS. Đỗ Thị Ngọc Diệp


Can thiệp cả một sức khỏe cộng đồng

Nằm giữa hai lĩnh vực y khoa liên quan đến sức khỏe, phòng bệnh và chữa bệnh, dinh dưỡng là ngành khoa học nghiên cứu mối liên quan giữa thực phẩm và sức khỏe nhằm đưa ra các giải pháp can thiệp nâng cao sức khỏe, điều trị bệnh tật dựa chính vào thực phẩm và các sản phẩm dinh dưỡng. Dinh dưỡng gồm 3 lĩnh vực chính: Dinh dưỡng cộng đồng, dinh dưỡng lâm sàng và khoa học về thực phẩm và sức khỏe.

Đặc biệt lĩnh vực cộng đồng là nghiên cứu các vấn đề dinh dưỡng trong cộng đồng và đưa ra các giải pháp can thiệp cho cả một cộng đồng lớn chủ yếu dựa vào thực phẩm. Đối tượng tiếp cận là người dân chưa có bệnh. Với BS. Đỗ Thị Ngọc Diệp, dinh dưỡng vô cùng thú vị và có ảnh hưởng rộng khắp.

BS. Ngọc Diệp chia sẻ: “Một giám sát tại Việt Nam cho thấy tình trạng thiếu hụt vitamin A trong cộng đồng ở mức độ cao, và đưa đến một hậu quả là làm giảm sức đề kháng. Vì vậy, trẻ em là đối tượng thường bị thiếu hụt vitamin A hay mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và đường tiêu hóa. Thiếu hụt vitamin A còn làm tổn thương các bộ phận liên quan đến chức năng nhìn ví dụ như giác mạc, võng mạc và các tế bào thị giác dẫn đến tình trạng quáng gà, khô loét giác mạc thậm chí đưa đến hậu quả mù lòa. Thiếu hụt vitamin A còn gây ra chậm tăng trưởng, làm người ta dễ bị suy dinh dưỡng. Từ giám sát dịch tể, chúng ta phát hiện ra trẻ em Việt Nam là đối tượng nguy cơ cao, tiếp theo là phụ nữ sau khi sinh”.

Theo bà, khi giám sát như vậy sẽ phát hiện nhiều điều không ngờ được. Ở Việt Nam, sau khi sinh, ông bà ta thường bắt sản phụ ăn kiêng như ăn thịt kho mặn, ăn ít rau. Vì quan niệm xưa cho rằng ăn nhiều rau xanh như rau cải sẽ làm sản phụ đi tiểu nhiều dẫn đến mai kia sẽ bị són tiểu. Ăn cá nhiều thì bị tanh, ăn đậu hũ lạnh bụng… Nên sản phụ sau sinh cũng dễ bị thiếu hụt vitamin A. Từ đó, các nhà dinh dưỡng mới đưa ra chương trình phòng chống thiếu vitamin A bằng giải pháp uống vitamin A liều cao bổ sung mỗi 6 tháng một lần cho trẻ từ 6 - 36 tháng; ở các vùng khó khăn bổ sung này được áp dụng cho đến trẻ 5 tuổi. Hoặc chương trình muối bổ sung i-ốt giúp cắt giảm hẳn tình trạng thiếu hụt i-ốt gây bướu cổ trong cộng đồng.

Hoặc nhiều nghiên cứu trong lĩnh vực dinh dưỡng được thực hiện để xem loại gạo nào có chỉ số đường huyết thấp, hoặc trong cách nấu ăn, tỉ lệ nước như thế nào đảm bảo giá trị dinh dưỡng cao và chỉ số đường huyết thấp…

“Khác biệt giữa dinh dưỡng và y khoa điều trị, dinh dưỡng vừa giúp phòng bệnh vừa chữa được bệnh. Dinh dưỡng có khi là giải pháp điều trị tích cực, nhưng cũng có khi hỗ trợ điều trị. Dinh dưỡng có thể giải quyết cho cả sức khỏe cộng đồng, còn điều trị là áp dụng cho từng cá nhân. Một sự khác biệt nữa là nếu chế độ dinh dưỡng tốt ngay từ đầu sẽ giúp người ta tối ưu hóa chiều cao, nâng cao tuổi thọ, tạo điều kiện phòng bệnh và sống khỏe hơn,” BS. Ngọc Diệp tự hào.

Ngành dinh dưỡng gần như chỉ toàn bác sĩ nữ

Đặc thù của ngành dinh dưỡng đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ rất lớn. Đây cũng là bản tính của người phụ nữ, nên đó là lý do tại sao “bói mãi mới ra vài vị bác sĩ nam làm trong ngành dinh dưỡng”.

“Bản chất của ngành dinh dưỡng cũng là một ngành nội khoa. Bác sĩ nội khoa cơ bản biết bệnh và rành thuốc trong từng chuyên ngành. Thuốc đã được bào chế sẵn với những hàm lượng nhất định, nhưng không có chế độ ăn nào được “bào chế sẵn”. Với một chế độ ăn đa dạng thực phẩm, ngày 20 loại, mỗi loại thực phẩm có hàm lượng chất dinh dưỡng khác nhau, với những giá trị chuyển hóa phong phú. Nếu bác sĩ dinh dưỡng không tỉ mỉ sẽ không làm được”, BS. Ngọc Diệp nói.

Dinh dưỡng không có công thức nhất định!BS. Đỗ Thị Ngọc Diệp (bìa trái) trong một chương trình tư vấn về dinh dưỡng

Điều trị bằng dinh dưỡng cũng rất khác biệt vì cần phải làm cho bệnh nhân hiểu và tuân thủ lâu dài, từ chuyện nhỏ nhất như các loại rau khác nhau thành phần dinh dưỡng khác nhau đến các nấu khác nhau, lượng nước khác nhau, thực phẩm sẽ thay đổi như thế nào… Uống một viên thuốc, thậm chí một lúc uống 5 - 10 viên thuốc vì nhiều bệnh không khó, bệnh nhân có thể uống nhiều ngày theo đơn thuốc. Trong khi đồ ăn là khó vì không bao giờ có khẩu phần ăn với “trọng lượng bằng một viên thuốc cả”. Nên người bác sĩ dinh dưỡng phải vô cùng kiên nhẫn.

“Tôi cũng từng chứng kiến, nhiều bác sĩ được phân về dinh dưỡng, nhưng làm một thời gian rồi chuyển ngang là vì một phần như tôi đã chia sẻ ở trên, một phần khác là kết quả điều trị từ dinh dưỡng rất lâu đến, người ta sẽ dễ thấy mệt mỏi. Nói đến kiên nhẫn, tỉ mỉ hay khó tính, xét nét chẳng qua là tính nghiêm túc với nghề nghiệp. Những người làm trong ngành sức khỏe nói chung, không chỉ là bác sĩ, mà kể cả điều dưỡng, thường có tố chất thân thiện và yêu thương con người và vô cùng dễ thương”, BS. Ngọc Diệp tiếp lời.

Con người ngay từ khi sinh ra đã bắt đầu ăn, nên phần đông ai cũng cho rằng đầy kinh nghiệm về vấn đề ăn của cá nhân mình. Nên ngành dinh dưỡng có câu: “Dinh dưỡng được hiểu một cách phiến diện là liên quan đến ăn, vì vậy ai cũng có kinh nghiệm liên quan đến ăn và ai cũng có thể làm thầy thuốc và ai cũng có thể tư vấn cho người khác. Cuối cùng người bệnh không biết tin ai.” Do đó, can thiệp thay đổi thói quen là một điều rất khó.

Việt Nam hiện có hai nơi chuyên ngành dinh dưỡng là Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM. Đầu ra từ can thiệp dinh dưỡng cho cộng đồng và lâm sàng rất rõ, tuổi thọ của người dân thành phố cao nhất, chiều cao tăng, giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em mọi lứa tuổi, con người cũng đẹp lên rất nhiều. Dinh dưỡng vừa điều trị vừa dự phòng nên đòi hỏi tố chất kép: “vừa có tầm nhìn xa” vì hoạt động trong lĩnh vực cộng đồng và dự phòng mà lại cần “cụ thể”. Người bác sĩ dinh dưỡng còn phải chịu đựng, vượt qua nhiều áp lực.

Vốn là bác sĩ điều trị lâm sàng chuyên ngành nhi khoa nhiều năm trước khi làm dinh dưỡng, BS.CKII. Đỗ Thị Ngọc Diệp có nhiều trải nghiệm là bác sĩ lâm sàng, điều trị bệnh lý cụ thể, một con người cụ thể và vừa phải điều trị cho cả gia đình vì một em bé nhưng còn kèm theo bố mẹ và cả ông bà hay nhiều người thân khác. Nên khi chuyển sang là bác sĩ dinh dưỡng, những điều này cũng gần như không khác gì. Bác sĩ của công tác điều trị dinh dưỡng không chỉ biết về bệnh lý mà còn phải tính toán về khẩu phần, tính toán về giá trị dinh dưỡng, tính toán về khẩu vị bệnh nhân, tính toán khả năng tài chính, mức độ có sẵn những cái mà bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân… Đồng thời BS.CKII. Đỗ Thị Ngọc Diệp có hơn 40 nghiên cứu khoa học và tham gia biên soạn tài liệu chuyên ngành có giá trị trong lĩnh vực dinh dưỡng, thực phẩm, các nghiên cứu cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao tầm vóc, tham gia xây dựng các chính sách can thiệp dinh dưỡng.


AN QUÝ
Ý kiến của bạn