Hệ miễn dịch "lá chắn" bảo vệ cơ thể trước đại dịch
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hệ miễn dịch được coi là hàng rào rất quan trọng để bảo vệ cơ thể giúp cho cơ thể khỏe mạnh ít có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, ví dụ như nhiễm khuẩn đường hô hấp, hay nhiễm virus hoặc nhiễm nấm. Khi mà hệ miễn dịch của cơ thể khoẻ mạnh thì ít có nguy cơ bị bệnh hơn, và nếu chẳng may bị bệnh thì bệnh cũng sẽ nhẹ hơn.
Cũng theo PGS Lâm, khi hệ miễn dịch yếu nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn, nhất là với người già và trẻ nhỏ. Hệ miễn dịch yếu thường gặp các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản, hoặc gặp các bệnh về đường tiêu hoá như tiêu chảy, rối loạn tiêu hoá, hoặc khi có dịch bệnh như cúm mùa thì những người có hệ miễn dịch yếu sẽ dễ mắc bệnh hơn.
Đặc biệt, với người cao tuổi, do cơ thể bị lão hoá, hệ thống miễn dịch ở người cao tuổi cũng bị suy yếu, do đó khi người cao tuổi tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh thì cơ thể không có khả năng chống đỡ và người cao tuổi cũng dễ mắc bệnh hơn, đáng lưu ý là những bệnh nhiễm khuẩn hô hấp, bệnh ở hệ tiêu hóa. Ngoài ra, người cao tuổi hiện nay lại đa số mắc các bệnh nền như Đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp, sức đề kháng của cơ thể đã suy giảm lại phải "gánh" thêm bệnh nền nên nguy cơ nhiễm bệnh diễn biến bệnh nặng lại càng cao trong đại dịch.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia
Đồng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng, nguyên Phó trưởng khoa Tiêu hoá, BV Bạch Mai bổ sung thêm,thông thường trong cơ thể chúng ta khi có một tác nhân bên ngoài tác động vào cơ thể, cơ thể sẽ có một hàng rào bảo vệ để chống lại những tác nhân đó - hàng rào này chính là hệ miễn dịch của cơ thể. Nhưng khi hệ miễn dịch yếu thì cơ thể không đủ "sức khoẻ" để chống đỡ lại với tác nhân đó nên gây ra tình trạng ốm, bệnh.
Ví dụ, khi vi khuẩn, virus tấn công vào một người, thì với một cơ thể khoẻ mạnh triệu chứng có thể chỉ thoáng qua, không để lại dấu ấn gì, thậm chí không có biểu hiện gì. Tuy nhiên, với cơ thể yếu tức là hệ miễn dịch yếu thì chỉ một tác nhân nhẹ, có khi chỉ là những virus cảm cúm thông thường tác động vào thì cơ thể cũng có thể bị bệnh nặng như tình trạng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Do đó, đối với những người mà có sự suy giảm của hệ thống miễn dịch thì hay ốm hơn so với người khác.
Theo đó, để có sức đề kháng hay một hệ miễn dịch tốt, chúng ta cần phải chú ý nhiều đến dinh dưỡng. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay khi dịch COVID -19 đang xảy ra và thế giới cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay vắc xin, thì vấn đề có yếu tố tiên quyết ở đây là sức khoẻ và sức đề kháng của cơ thể.
PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hồng - Nguyên Phó trưởng khoa Tiêu hoá, BV Bạch Mai
Dinh dưỡng thế nào để có hệ miễn dịch khoẻ?
Cũng theo PGS. Lâm, dinh dưỡng liên quan đến hệ miễn dịch thể hiện qua các yếu tố như chế độ ăn đủ đạm hay protein bao gồm các acid amin thiết yếu để tham gia vào xây dựng các yếu tố miễn dịch, các tế bào miễn dịch, các kháng thể miễn dịch cho cơ thể.
Bên cạnh protein thì các chất khoáng quan trọng như là selen, kẽm, iod, sắt, các vitamin A, C, E… là những yếu tố tham gia đẩy mạnh sản xuất các yếu tố miễn dịch của cơ thể.
PGS.Lâm cũng khuyến cáo, chúng tôi khuyên người dân nên ăn 15-20 thực phẩm mỗi ngày và trong từng nhóm cũng phải đa dạng. Ăn đầy đủ các thực phẩm khác nhau để chúng ta có đầy đủ chất dinh dưỡng hơn. Ngoài ra, chế độ ăn cũng cần một số thực phẩm lên men giúp cho đường ruột khỏe mạnh, hoặc bổ sung lợi khuẩn ở các dạng khác nhau như dạng uống, gói, nước hoặc sữa có bổ sung lợi khuẩn.
PGS.Lâm lưu ý, trong mùa dịch COVID -19 chúng tôi cũng có được biết nhiều thông tin lan truyền vitamin C để tăng cường hệ miễn dịch.Trên thực tế vitamin C là yếu tố tham gia vào hệ miễn dịch, vì vitamin C tham gia vào việc sản xuất các yêu tố liên quan hệ miễn dịch, kháng thể. Trong quả chín cũng cũng nhiều vitamin C quý như quả ổi, cam quýt,.. nhiều vitamin C. Mỗi ngày chúng ta tăng cường ăn quả chín 2-300g là đủ nhu cầu khuyến nghị. Vitamin C cần cao hơn ở người có nguy cơ mắc bệnh, người di chuyển nhiều trong cuộc sống, hoặc người làm việc căng thẳng .
"Đặc biệt, trong mùa dịch này, ngoài chế độ ăn đa dạng với đầy đủ nhóm đạm, đường, vitamin và khoảng chất như đã khuyến nghị ở trên...mọi người có thể bổ sung các viên uống đa vi chất kèm theo các sản phẩm cung cấp lợi khuẩn để đường ruột khỏe mạnh. Khi đường ruột khoẻ mạnh sé đóng góp 80% hệ miễn dịch của cơ thể". PGS. Lâm nói.
Bệnh cạnh đó, ngoài nhu cầu dinh dưỡng như PGS. Lâm đã nói ở trên, PGS. Hồng cũng khuyến cáo, để giúp cơ thể khỏe mạnh trong mùa dịch còn có 2 yếu tố nữa tham gia vào là tránh stress và tập luyện thể dục, thể thao. Không nên vì nghỉ cách ly tại nhà mà lười vận động. Có thể vận động thể dục thể thao trong nhà để tăng cường sức khoẻ vì nếu chỉ ở nhà mà không vận động thể lực thì cơ thể lại sẽ ốm yếu. Cùng với đó, việc ở trong nhà lâu lại dễ dẫn đến stress nên cần có vận động và giải trí thích hợp để giảm stress, căng thẳng.
Một chế độ dinh dưỡng khoa học và chế độ tập luyện thể thao hợp lý sẽ là những điều quan trọng để bảo vệ cơ thể trước đại dịch.