Dinh dưỡng hợp lý giúp cải thiện kết quả điều trị HIV, tiểu đường

31-01-2017 10:29 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Một nghiên cứu từ Đại học California ở San Francisco (UCSF) cho thấy, chế độ ăn lành mạnh có lợi cho bệnh nhân HIV và tiểu đường tuýp 2.

UCSF đã phối hợp với tổ chức phi lợi nhuận Project Open Hand cung cấp các bữa ăn đủ dưỡng chất cho những người thu nhập thấp nhiễm HIV và những người lớn tuổi bị tiểu đường tuýp 2 và các vấn đề sức khỏe khác, để tìm hiểu tác động của dinh dưỡng đối với sức khỏe. Nghiên cứu cũng xem xét vai trò của chế độ dinh dưỡng toàn diện, phù hợp đối với sức khỏe tổng thể.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 52 người tham gia trong 6 tháng và phát hiện ra rằng, ở những người bị tiểu đường tuýp 2, chế độ ăn đủ dưỡng chất giúp kiểm soát đường huyết và giảm số lần phải nhập viện hoặc cấp cứu. Tuy nhiên, nghiên cứu này quá nhỏ để xác định chắc chắn xem liệu chế độ ăn này có giúp cải thiện kiểm soát tiểu đường trong thời gian dài hay không.

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng, chế độ ăn bổ dưỡng giúp giảm các triệu chứng trầm cảm và tỉ lệ say xỉn nói chung. Đối với những người nhiễm HIV, nghiên cứu cho thấy tỉ lệ tuân thủ liệu pháp kháng retrovirus tăng từ 47% lên 70%.

Các bữa ăn chính và ăn nhẹ được Project Open Hand cung cấp dựa trên chế độ ăn theo kiểu Địa Trung Hải, bao gồm hoa quả, rau, protein, chất béo lành mạnh và ngũ cốc nguyên cám, đồng thời tuân thủ các khuyến cáo về chế độ ăn của Hiệp hội  Tiểu đường Mỹ và Hiệp hội Tim Mỹ. Các bữa ăn này đáp ứng 100% nhu cầu calo hàng ngày, 1.800 tới 2.000 calo đối với người nhiễm HIV và 1.800 calo đối với người mắc bệnh tiểu đường.

“Nghiên cứu cho thấy vai trò quan trọng của các tổ chức dựa trên cộng đồng trong việc hỗ trợ tăng cường sức khỏe cho những nhóm người mắc bệnh mạn tính đang phải vật lộn để đáp ứng các nhu cầu cơ bản”, tiến sĩ Sheri Weiser tác giả chính của nghiên cứu cho biết.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Journal of Urban Health.


BS P.Liên
Ý kiến của bạn