Dinh dưỡng giàu axit folic dự phòng dị tật thai nhi

05-09-2023 14:00 | Dinh dưỡng

Acid folic (hay còn gọi là folat) hoặc vitamin B9) trong các thực phẩm tự nhiên có chức năng cần thiết cho sự phát triển và phân chia tế bào của người, động vật, thực vật, vi khuẩn và cần cho sự hình thành của tế bào máu.

Dinh dưỡng giàu axit folic dự phòng dị tật thai nhi - Ảnh 1.

Vai trò của axit folic với phụ nữ có thai

Theo các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng, mang thai là một giai đoạn đặc biệt trong cuộc sống của mỗi phụ nữ cả về thể chất lẫn tinh thần. Sức khỏe của mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thai nhi. Trước và trong thời kỳ mang thai, thai phụ thường được khuyên bổ sung axit folic. Axit folic còn gọi là folat, là loại vitamin B và là chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi.

Thiếu hụt axit folic có thể dẫn tới những dị tật bẩm sinh nghiêm trọng như dị tật ống thần kinh ảnh hưởng kéo dài trong suốt cuộc sống của trẻ. Hai dị tật bẩm sinh đáng kể nhất có liên quan tới khuyết tật ống thần kinh là tật nứt đốt sống và vô não.

Nứt đốt sống là tình trạng trong đó mô xung quanh tủy sống của bào thai không đóng đầy đủ. Nó tạo ra khoảng trống ở giữa khiến trẻ dễ bị tổn thương thần kinh nghiêm trọng. Trong một số trường hợp bệnh có thể gây liệt. Vô não là tình trạng một phần chính của não, sọ và da đầu bị thiếu hụt. Điều này xảy ra phần lớn ở giai đoạn đầu của thai nhi.

Tầm quan trọng của axit folic trong thời kỳ mang thai vượt qua việc dự phòng những dị tật ống thần kinh. Cơ thể đòi hỏi axit folic để tạo ra các tế bào hồng cầu bình thường và cũng dự phòng thiếu máu. Axit folic cũng cần thiết cho việc sản sinh, tái tạo và hoạt động của ADN. Với nhau thai và thai nhi đang phát triển từng ngày, cần bổ sung axit folic đầy đủ. Khi xác định được bạn mang thai, các bác sĩ sẽ kê đơn bổ sung axit folic cho bạn.

Liều thông thường được khuyến nghị là khoảng 400mcg nhưng có thể thay đổi tùy theo tình trạng của từng người. Axit folic nên được bổ sung sau khi mang thai. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyến cáo tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nhất là những người dự định mang thai có thể bổ sung axit folic trước khi mang thai. Axit folic cũng có trong tự nhiên.

 Một số nguồn axit folic tự nhiên gồm các loại rau có lá màu xanh đậm, cam, đậu xanh, ngô, đậu lăng, súp lơ xanh. Tuy nhiên, trong thời gian mang thai, những thực phẩm này sẽ không thể đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể và do vậy không thể thay thế những loại bổ sung mà bác sĩ kê đơn. Hãy bổ sung axit folic trong thai kỳ để cho bé một nền tảng khởi đầu khỏe mạnh.

Thực phẩm giàu acid folic

Theo BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hầu như các thực phẩm đều chứa folat nhưng có nhiều trong các loại rau màu xanh thẫm, gan động vật, trứng, các, măng tây, hoa lơ màu xanh, đậu quả, các hạt nảy mầm (mầm lúa mạch, mầm giá đỗ...). Folat rất nhạy cảm và dễ bị phân hủy dưới tác động của nhiệt độ, tia cực tím, hoặc oxy hóa.

Trong quá trình nấu hoặc chế biến tỷ lệ mất có thể từ 50 - 90%, có khi là 100% khi nấu ở nhiệt độ cao và nhiều nước. Nếu thức ăn để lâu ngoài ánh sáng, lượng folat sẽ bị hao hụt đáng kể. Để đảm bảo có đủ folat trong khẩu phần ăn, thai phụ cần ăn phối hợp nhiều loại thực phẩm, tăng cường ăn rau quả tươi, thực phẩm mua về cần chế biến ngay và ăn ngay sau khi nấu. Triệu chứng thiếu hụt axit folic là thiếu máu, ợ nóng, tiêu chảy, suy nhược cơ thể.

Nhu cầu axit folic trung bình 3mcg/kg trọng lượng sẽ đáp ứng được cho nhu cầu người trưởng thành (tương đương 180 - 200 mcg/ ngày). Những trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn nhận 10 - 12mcg/kg trọng lượng/ ngày khi tình trạng folat của bà mẹ đầy đủ. Khẩu phần khuyến nghị cho trẻ em 1 - 10 tuổi là 3,7mcg/kg trọng lượng/ ngày. Nhu cầu tăng lên trong khi phụ nữ mang thai cần 400cg/ngày để đáp ứng.

Sự gia tăng của quá trình phân chia tế bào cũng như tăng kích thước tử cung. Cần cho tổng hợp nhân tế bào acid deoxyribonucleic (ADN), acid Ribonucleic (ARN) và protein.

Nếu thiếu axit folic trong giai đoạn sớm của thai kỳ gây ra sự phân chia tế bào không bình thường, gây sẩy thai hoặc dị tật: Hở hàm ếch/ vòm miệng, hội chứng Down, khiếm khuyết ống thần kinh.

Vậy thế nào là dị tật ống thần kinh? Là sự không hoàn thiện của ống thần kinh (ống thần kinh không đóng kín) vào ngày thứ 28 sau thụ thai gây hiện tượng nứt đốt sống, vô sọ (90% các trường hợp dị tật ống thần kinh), thoát vị não (10% các trường hợp dị tật ống thần kinh). Do vậy để dự phòng dị tật sơ sinh thể này, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên người phụ nữ phải được dự trữ đủ axit folic cho cơ thể ít nhất là 3 tháng trước khi thụ thai.

Mối liên quan giữa axit folic và dị tật ống thần kinh lần đầu tiên được đưa ra vào 30 năm trước đây, và từ năm 1964 trở lại đây có ít nhất 13 nghiên cứu lớn trên thế giới được tiến hành. Khoảng 50 - 70% các trường hợp dị tật ống thần kinh có thể phòng tránh được nếu phụ nữ mang thai sử dụng axit folic trong khoảng thời gian từ trước khi thụ thai đến 4 tuần sau khi thụ thai. Nghiên cứu của Cơ quan y tế của một số nước đã khuyến nghị:

Cách để tăng axit folic

Người Mỹ khuyến nghị chế độ dinh dưỡng có các thực phẩm giàu folat và uống bổ sung hoặc sử dụng các thực phẩm có tăng cường 400mcg axit folic/ ngày cho tất cả phụ nữ độ tuổi sinh đẻ. Ở Anh, khuyến nghị nên sử dụng axit folic liều cao 400mcg/ ngày cho tất cả phụ nữ chuẩn bị mang thai. Còn ở Canada, phụ nữ dự định mang thai cần bổ sung 400mcg axit folic/ ngày. Tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần một chế độ dinh dưỡng đáp ứng đủ 400mcg/ngày.

Có các giải pháp giúp tăng lượng axit folic như:  Chế độ ăn có các thực phẩm giàu folat: Gan động vật (bò, gà, lợn). Rau có lá màu xanh thẫm, hoa lơ xanh, đậu quả, giá đỗ… Bổ sung bằng dạng thuốc uống với liều 400mcg axit folic/ ngày.

Các thực phẩm có bổ sung axit folic: Nên lựa chọn các thực phẩm dùng cho phụ nữ dự định mang thai, mang thai và cho con bú có bổ sung axit folic 400mcg/ ngày, kết hợp với các vitamin và khoáng chất khác để sinh ra những đứa con khỏe mạnh thông minh.



PV
Ý kiến của bạn