Dinh dưỡng được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự

26-09-2012 21:05 | Quốc tế
google news

Vấn đề dinh dưỡng đã được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự (với thời lượng thảo luận dài nhất) của Ủy ban khu vực Tây Thái Bình Dương,

(SKDS) - Vấn  đề dinh dưỡng  đã  được  đặt lên hàng  đầu  trong chương trình nghị sự (với thời lượng thảo  luận dài nhất) của Ủy ban khu vực Tây Thái Bình  Dương, vì dinh dưỡng là tiền  đề cho sức khỏe và  phòng ngừa bệnh tật. Trong các nội dung thảo luận  về dinh dưỡng gồm có an ninh lương thực, an toàn  vệ sinh thực phẩm, suy dinh dưỡng, béo phì, sức  khỏe bà mẹ và trẻ em,… Dinh dưỡng  được coi là  biện pháp hữu hiệu nhất để cắt giảm chi phí chăm  sóc sức khỏe.

Chiều ngày 25/9, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị WHO khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 63 diễn ra Diễn dàn cấp cao về dinh dưỡng do các giám đốc khu vực châu Á Thái Bình Dương của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và UNICEF cùng Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương đồng chủ trì.

Chương trình nghị sự bàn về vấn đề dinh dưỡng tại Hội nghị WHO khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 63.  Ảnh: Trần Minh

Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và UNICEF đánh giá là nước dẫn đầu về giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em. Mỗi năm có hơn 110 nghìn trẻ em dưới 5 tuổi thoát khỏi suy dinh dưỡng; góp phần cải thiện thể lực, trí lực, nâng cao tầm vóc trẻ em Việt Nam. Các bằng chứng khoa học cho thấy, chiều cao của trẻ em và người trưởng thành Việt Nam tăng từ 1-2cm/10 năm. Chương trình phòng, chống thiếu vitamin A và bệnh khô mắt ở trẻ em dưới 5 tuổi cũng được triển khai rộng khắp, hằng năm có 3,5 triệu trẻ em được uống vitamin A liều cao, qua đó giúp khoảng hơn 6.000 trẻ em thoát khỏi mù lòa do thiếu vitamin A. Từ năm 1995, WHO đã công nhận bệnh khô mắt do thiếu vitamin A được loại trừ ở Việt Nam, kết quả này đến nay vẫn được duy trì.

Đại biểu từ nhiều nước trong khu vực gồm Hoa Kỳ, Lào, Micronesia, Nhật Bản, Việt Nam, Nauru, Samoa, Fiji, Pháp, Philippines, đảo Cook, Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ, Papua New Guinea, Marshall, Hồng Kông đã cùng chia sẻ quan điểm và học hỏi kinh nghiệm từ diễn đàn quan trọng này.

Kết thúc phiên thảo luận, hội nghị đã thông qua dự thảo “Đẩy mạnh dinh dưỡng ở khu vực Tây Thái Bình Dương” dựa trên kế hoạch thực hiện toàn diện của WHO về dinh dưỡng thai sản, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đã được Đại hội đồng Y tế Thế giới thông qua vào tháng 5/2012.
Dự thảo thúc giục các quốc gia thành viên cam kết các nguồn lực cần để đạt được mục tiêu toàn cầu vào năm 2025, tiến hành các biện pháp trong bản kế hoạch trên và phối hợp tốt cùng các chương trình dinh dưỡng quốc gia về mục tiêu và ngăn ngừa các bệnh không truyền nhiễm (NCD).

TS. Shin Young-Soo, Giám đốc WHO khu vực TTBD:

Trên thế giới, các căn bệnh có căn nguyên từ dinh dưỡng, trong đó có bệnh không truyền nhiễm tiêu tốn đến hàng nghìn tỷ USD cho điều trị và các chi phí có liên quan. Năm ngoái, Khung An toàn lương thực ở châu Á Thái Bình Dương được đưa ra nhằm phối hợp hành động.
Việt Nam đã tiến hành nhiều chương trình phòng suy dinh dưỡng ở Yên Bái và các tỉnh miền núi phía Bắc và tuyên truyền cho việc bú sữa mẹ. Thông qua các diễn đàn dinh dưỡng toàn cầu và khu vực, các nước cùng nhau chia sẻ tầm nhìn an ninh lương thực.

TS. Nils Daulaire, Giám đốc Văn phòng Các vấn đề toàn cầu, Bộ Y tế Hoa Kỳ:

Có đến 10 quốc đảo ở Thái Bình Dương phụ nữ phải gánh chịu NCD do vấn đề dinh dưỡng, dẫn tới thảm họa là 58% chi phí y tế dành cho điều trị các bệnh này. Chiến lược ATVSTP khu vực Tây Thái Bình Dương đưa ra cần thay đổi thói quen xã hội như tiêu thụ sản phẩm đồ ăn nhanh. Sức khỏe bà mẹ và trẻ em đầu đời sẽ mở ra cánh cửa cho tương lai sức khỏe. Hiện NCD đang trở thành vấn đề nổi cộm. Tại Hoa Kỳ, phu nhân Tổng thống Obama đã tham gia chương trình sức khỏe cho người dân Mỹ, trong đó vận động giảm béo. Chia sẻ gánh nặng nhân khẩu học, ATVSTP đòi hỏi sự phối hợp đa ngành. Hoa Kỳ mong được trở thành đối tác với các nước trong giải quyết với những vấn đề này.

TS. Neil Sharma, Bộ trưởng Y tế Fiji:

Đồ ăn vặt, thực phẩm chứa nhiều muối và chất béo đang gây tổn hại tới sức khỏe cộng đồng (như mỳ gói,...). Tuy nhiên, đây lại là những đồ ăn rẻ tiền, phù hợp với túi tiền của người nghèo. Fiji đang đề ra tiêu chuẩn thực phẩm quốc gia, trong đó chú trọng tới bữa trưa ở trường tiểu học tại căng-tin, luật cấm quảng cáo sữa thay thế sữa mẹ, các chương trình bổ sung vitamin và chất khoáng.

Ông Hiroyuki Konuma, Giám đốc khu vực châu Á -  Thái Bình Dương của FAO:

Trên thế giới, trong khi 1 tỷ người bị suy dinh dưỡng, thì 1 tỷ người khác lại đối mặt với thừa dinh dưỡng. Suy thoái kinh tế khiến giá lương thực leo thang. Nếu giá lương thực tiếp tục tăng, tỷ lệ suy dinh dưỡng cùng mắc NCD và tiểu đường sẽ tăng cao. Dinh dưỡng trở thành trọng tâm trong đó gồm giảm đói và giảm suy dinh dưỡng, một chế độ ăn có lợi cho sức khỏe để tránh mắc các bệnh NCD. Cần tăng năng suất nông nghiệp, đa dạng sản phẩm nông nghiệp để đạt mục tiêu này. Chiến lược của WHO tập trung ưu tiên để người nghèo và đối tượng thiệt thòi họ có thể hưởng dinh dưỡng hợp lý.

Ông Daniel Toole, Giám đốc khu vực Đông Á & Thái Bình Dương của UNICEF:

Tại New York, chúng tôi đã thu thập được 165 chữ ký của các nước cam kết nỗ lực làm giảm mất cân bằng dinh dưỡng, sức khỏe thực phẩm đa ngành và dinh dưỡng cho trẻ em ở khu vực nông thôn. Năm ngoái, Việt Nam phê chuẩn luật hạn chế quảng cáo sữa, khuyến khích bú mẹ nhằm đảm bảo an toàn dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Hiện có 9 triệu trẻ em suy dinh dưỡng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chúng ta cần ý chí chính trị từ Chính phủ và các nhà tài trợ để giải quyết vấn đề này.

Bà Nancy Benjamin, cán bộ cấp cao Bộ Y tế Nauru:

Để đảm bảo an ninh lương thực và an toàn thực phẩm, Nauru đã tăng vụ, phát động cuộc thi gieo giống và giải thưởng khoa học cho thiết kế vườn nhà. Người dân trồng rau tại nhà  để đảm bảo thực phẩm an toàn và đủ dinh dưỡng đến tận bàn ăn. Ngoài ra, Nauru vận động người dân tập thể dục để chống các bệnh không lây. Tuy nhiên, ở một số nhà trẻ, đồ ăn vặt được bán tràn lan cũng ảnh hưởng tới dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Một số loại thực phẩm có hại cho sức khoẻ được Nauru xem xét chọn lựa để đánh thuế.

Vân Nguyễn (V.N lược ghi)

* Sáng ngày 25/9, tại Hà Nội, đã diễn ra phiên thảo luận về dự thảo đề xuất ngân sách tài khóa 2014-2015 do Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến và Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương (TTBD) TS. Shin Young-Soo đồng chủ trì. Các quốc gia thành viên và WHO làm việc cùng nhau để giải quyết các vấn đề mang lại do sự phát triển quá nhanh, do quá trình đô thị hóa, bất ổn tài chính, hiểm họa sức khỏe từ môi trường, các đe dọa về các bệnh truyền nhiễm mới nổi, các bệnh truyền nhiễm tái phát và các hậu quả từ biến đổi khí hậu. Sự phức tạp trong y tế toàn cầu đòi hỏi giải quyết nhằm mang lại cho người dân một cuộc sống tốt hơn, với sức khỏe được cải thiện và cơ hội tốt hơn cho tương lai. Do đó mà cần phải biến các cam kết thành hành động để tìm giải pháp cho các vấn đề y tế. Các quốc gia thành viên cùng nỗ lực tập hợp sẽ quyết định toàn khu vực có thể cam kết để mang lại sức khỏe cho 1,8 tỷ người dân.

* Ngày 26/9, trong khuôn khổ Hội nghị WHO khu vực TTBD lần thứ 63, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến và Giám đốc WHO TTBD Shin Young-Soo, các nước thành viên tiếp tục thảo luận và thông qua 4 dự thảo nghị quyết: Thực hiện Điều lệ y tế Quốc tế; Loại trừ sởi và tăng cường kiểm soát Rubella; Chương trình hành động các bệnh nhiệt đới bị lãng quên (2012-2016); Phòng ngừa tai nạn thương tích. Ngoài ra, các đại biểu còn thảo luận các báo cáo về phòng chống tác hại thuốc lá, các nền tảng y tế, các bệnh không lây nhiễm, các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ liên quan đến y tế và tài chính y tế.

* Bên lề Hội nghị WHO khu vực TTBD lần thứ 63, sáng ngày 25/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp đoàn đại biểu y tế Singapore do Bộ trưởng Y tế Gan Kim Yong dẫn đầu. Bộ trưởng Gan Kim Yong chúc mừng Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị WHO khu vực TTBD và cho biết Singapore sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cùng Việt Nam về các vấn đề y tế. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bảo hiểm y tế toàn dân là điều mà Việt Nam đang hướng tới. Singapore là nước có hệ thống BHYT rất tốt và dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng mà Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm.

PV


Ý kiến của bạn