BS.Phương cho biết, kiến thức về y khoa hiện nay đã rất tốt và thay đổi mọi mặt về căn bệnh đái tháo đường.Bên cạnh đó, người bệnh ngày càng quan tâm đến bản thân và kiểm soát bệnh khá tốt. Các bệnh như đái tháo đường, huyết áp - tim mạch, thừa cân - béo phì kèm mỡ máu cao… thường được gọi chung là “hội chứng chuyển hóa”.
Vì vậy, đầu tiên, nếu trong chế độ ăn thừa chất béo, nguy cơ thừa cân - béo phì chắc chắn xảy ra. Thừa cân - béo phì kèm theo hội chứng chuyển hóa, tương lai, chúng ta sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh như đái tháo đường hay tăng huyết áp, hậu quả cuối cùng dẫn đến tổn thương các mạch máu lớn hay nhỏ.
Cuộc sống của bệnh nhân đái tháo đường hiện nay có thể kéo dài đến hơn 20 năm, vì vậy, để cuộc sống của bệnh nhân luôn đảm bảo chất lượng, cần nhớ:
Loại bỏ tâm trạng bi quan do bệnh đái tháo đường gây ra
Nhiều người cho rằng sẽ chết sau 10 - 15 năm mắc bệnh đái tháo đường.Nhưng hiện nay nhiều người tuổi cao và tuổi mắc bệnh cũng dài vẫn sống từ 15 - 20 năm là chuyện bình thường.
Đã uống thuốc điều trị đái tháo đường, muốn ăn gì thì ăn
Theo BS. Phương, đây là một quan niệm sai lầm.Ngày nay, thuốc điều trị đái tháo đường rất nhiều và rất tốt.Nhưng nếu chúng ta cứ chủ quan vào thuốc và ăn vô độ, tỷ lệ đái tháo đường sẽ không thuyên giảm.Như chúng ta đã biết, đái tháo đường là kết hợp từ một chế độ ăn không lành mạnh và cân bằng, lối sống vận động và thuốc.Nếu ăn nhiều, đường huyết không được kiểm soát tốt, càng uống nhiều thuốc.Sử dụng thuốc càng nhiều, bệnh nhân về lâu về dài sẽ gặp nhiều tác dụng không hay.
Sử dụng insulin “quá đà”
Với sự hỗ trợ của các phương tiện khoa học, chúng ta có thể kiểm soát tốt đường huyết, giúp việc sử dụng insulin an toàn hơn. Insulin được sản xuất từ trong phòng thí nghiệm với các công nghệ gien hiện đại nên độ tin khiết của insulin tốt hơn, hiệu quả tốt hơn, tác dụng phụ ít hơn, đặc biệt là giảm thiểu tác dụng hạ đường huyết.
Quan niệm “ăn nhiều rau, bỏ cơm” tốt cho bệnh nhân đái tháo đường
Khẩu phần ăn một ngày của chúng ta thường được tính theo năng lượng. Nói đến năng lượng, BS. Hồ Đắc Phương, phân tích khẩu phần khác nhau trong thực tế, tùy theo giới tính, tùy theo tuổi, tùy công việc mà mỗi cá nhân cần.
Trong khẩu phần ăn hàng ngày, giới hạn cho phép có thể tính:
- Chất bột đường: gạo, bánh mì… chiếm 55 - 60%.
- Chất béo: 10 - 15%.
- Đạm: tỷ lệ cao hơn chất béo một chút.
- Rau xanh, trái cây…
Một bữa ăn chỉ có rau không, hoàn toàn không có chất bột đường, sẽ dẫn đến mau no, nhưng sau đó sẽ mau đói, bệnh nhân sẽ có nhu cầu ăn vặt.Trước đây, chúng ta có khái niệm “chia nhỏ bữa ăn” còn hiện nay, ở góc độ bác sĩ thực hành, BS.Phương khuyến nghị nên giảm bớt các bữa ăn phụ, tuân thủ 3 bữa ăn chính.
“Với những bệnh nhân lớn tuổi, không ăn nhiều một lần được, hoặc những bệnh nhân đang chích insulin, chúng ta có thể bữa ăn thứ tư lúc khoảng 8 - 9g tối để tránh nguy cơ bệnh nhân bị hạ đường huyết lúc về đêm”, BS.Phương thông tin.
Không được bỏ trị
Ngoài đái tháo đường là một bệnh mạn tính, bệnh nhân đái tháo đường thường sẽ phải uống khá nhiều thuốc để kết hợp điều trị các bệnh kèm theo đái tháo đường như cao huyết áp, mỡ máu… Tuy nhiên, độ an toàn của thuốc cũng khá tốt, tác động theo một cách thức khác nhau, nhờ vậy, bệnh nhân có thể tránh các tác dụng phụ của thuốc, nhiều sự lựa chọn trong điều trị và hạn chế tăng đến liều tối đa.
Vì vậy, bệnh nhân đái tháo đường tuyệt đối không được bỏ trị. Các khoa Nội tiết trong những cơ sở y tế không ít lần tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân vào với tình trạng đường huyết quá cao, sinh ra nhiều biến chứng cấp tính của đái tháo đường như hôn mê, ói mửa… Các bác sĩ cần khoảng 2, 3 ngày để điều trị tích cực nhằm điều chỉnh đường huyết bằng cách truyền liên tục thuốc hạ đường huyết.Tình trạng bệnh nhân ổn định và có thể xuất viện sau đó. Nhưng bệnh nhân điều trị tại nhà không theo toa nên chỉ một thời gian ngắn sau, bệnh nhân lại nhập viện… và được điều trị lại từ đầu.
Ngoià ra, đường huyết quá cao chắc chắn sẽ gây tổn thương các cơ quan khác, tuổi thọ bệnh nhân sẽ giảm.