Dinh dưỡng dành cho người bệnh viêm túi mật

22-10-2024 14:41 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Viêm túi mật gây ra những triệu chứng khó chịu kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm, vì thế, chế độ ăn uống phù hợp rất cần thiết cho người bệnh.

1. Tầm quan trọng của thực phẩm với người bệnh viêm túi mật

Viêm túi mật là hiện tượng túi mật bị nhiễm khuẩn, thường xảy ra khi ống dẫn mật bị tắc nghẽn. Theo TS.BS Đỗ Tuấn Anh - Trưởng khoa Phẫu thuật Gan mật, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, 90% viêm túi mật có nguyên nhân do sỏi túi mật. Khởi đầu là bệnh nhân thường đau vùng hạ sườn phải, có thể lan lên vai phải. Triệu chứng kèm theo thường là sốt, nôn, có thể kèm bí trung đại tiện, đôi khi có đi ngoài phân lỏng. Triệu chứng toàn thân biểu hiện bằng hội chứng nhiễm trùng ở giai đoạn đầu hoặc kèm theo hội chứng nhiễm độc ở bệnh nhân viêm túi mật đã hoại tử.

Theo đó, để không mắc bệnh viêm túi mật cần có chế độ ăn uống hợp lý. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh viêm túi mật cần tập trung vào việc giảm chất béo, tăng cường chất xơ và chất lỏng, tránh các thực phẩm gây kích thích. Việc tuân thủ các nguyên tắc dinh dưỡng này sẽ giúp giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh viêm túi mật.

Người bệnh cần xây dựng được một chế độ ăn uống khoa học. Từ đó hạn chế bớt sự khó chịu do viêm túi mật gây ra cũng như hỗ trợ nâng cao hiệu quả điều trị. Khi bị viêm túi mật, cần phải để cho túi mật nghỉ ngơi, muốn vậy phải loại bỏ hoặc giảm bớt các chất béo trong chế độ ăn và cả chất protid nữa vì chúng làm cho túi mật tăng co bóp.

Chế độ ăn chỉ nên có glucid như nước đường, nước quả, nước rau, sau đó cho thêm bột như bột ngũ cốc, khoai nghiền và cần phải ăn nhạt, nhiều xơ để chống táo bón, có thể cho ăn sữa đã tách bơ.

Dinh dưỡng dành cho người bệnh viêm túi mật- Ảnh 1.

Hình ảnh tình trạng bệnh viêm túi mật.

2. Các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể người bệnh viêm túi mật

Chất béo:

Chất béo có tác dụng kích thích túi mật để co bóp và đẩy dịch mật xuống đường tiêu hóa, chính vì thế việc bổ sung chất béo là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, cần lưu ý việc lựa chọn chất béo tốt thay vì các loại dầu mỡ động vật chứa nhiều chất béo khó hòa tan.

Chế độ ăn cần tiêu thụ chất béo lành mạnh từ cá hồi, dầu thực vật như dầu oliu, dầu đậu nành, bơ hoặc các loại hạt như mè, óc chó, hạnh nhân… Đây được xem là những thực phẩm cần thiết hỗ trợ túi mật có thể hoạt động tốt hơn.

Chất xơ và các loại vitamin:

Người bệnh nên ăn nhiều các loại rau xanh (nên duy trì khoảng 400 - 500g/ngày), hoa quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt như bánh mì đen, yến mạch, gạo nâu,… Nhóm thức ăn này là nguồn cung cấp lượng chất xơ dồi dào cùng các loại vitamin, khoáng chất dễ hòa tan giúp đề phòng hình thành sỏi cholesterol hoặc bùn mật trong cơ thể. Bổ sung các loại Vitamin C; vitamin tan trong dầu (A, D, E, K).

Protein: 

Khi bị viêm túi mật, không những bản thân bộ phận này bị tổn hại mà độc tố do nó sản sinh ra có thể qua đường mật chảy vào gan, gây hại cho gan. Trong trường hợp này, cơ thể cần được cung cấp các thức ăn giàu protein để phục hồi tổ chức gan mật bị tổn thương. Nhu cầu protein mỗi ngày là 1 - 1,2g/kg thể trọng.

Dinh dưỡng dành cho người bệnh viêm túi mật- Ảnh 2.

Dưỡng chất rất cần thiết cho người bệnh viêm túi mật.

Sữa ít béo:

Những loại sữa ít béo và các chế phẩm từ sữa ít béo sẽ đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh mà không sợ làm tăng cholesterol. Một số sản phẩm điển hình được khuyến khích sử dụng như sữa tươi tách kem, sữa bột tách béo, sữa tách bơ (sẽ rất giàu choline) và sữa chua. Ngoài ra, sữa đậu nành, sữa gạo cũng nên có mặt trong thực đơn.

Đạm thực vật: 

Người bệnh nên ưu tiên sử dụng các loại đạm thực vật thay vì đạm động vật. Bổ sung đạm thực vật từ các loại hạt (hạt mè, hạt hướng dương), các loại rau có màu xanh thẫm, các loại đậu,… Trường hợp muốn dùng thịt, chỉ nên lựa chọn các loại cá hoặc các loại thịt nạc, thịt trắng từ gia cầm, song lưu ý cần loại bỏ phần da và không tiêu thụ nước luộc thịt vì chúng sẽ chứa nhiều chất béo không tốt.

Chất bột đường:

Đối với bệnh nhân viêm túi mật, đây là nguồn cung cấp nhiệt lượng chủ yếu cho cơ thể. Nó vừa có lợi cho tiêu hóa vừa thúc đẩy sự hợp thành glycogen (có tác dụng bảo vệ tế bào gan). Mỗi ngày có thể sử dụng 300 - 500g chất bột đường.

Uống đủ nước:

Tất cả mọi người đều cần uống đủ nước, khoảng 2 lít nước mỗi ngày. Với người bệnh viêm túi mật thì yêu cầu này càng trở nên cần thiết. Nước tham gia vào quá trình trao đổi chất, giúp đào thải bớt lượng độc tố tồn đọng trong cơ thể.

Dinh dưỡng dành cho người bệnh viêm túi mật- Ảnh 3.

Dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với người bệnh viêm túi mật.

3. Viêm túi mật nên ăn và kiêng gì?

Khi bị viêm túi mật cấp tính, cần để cho túi mật nghỉ ngơi. Nên loại bỏ hoặc giảm bớt các chất béo trong chế độ ăn và cả chất protid nữa vì chúng làm cho túi mật tăng co bóp. Chế độ ăn chỉ nên có glucid như nước đường, nước quả, nước rau, cho thêm bột ngũ cốc, khoai nghiền. Nên ăn nhạt, nhiều chất xơ để chống táo bón, có thể cho ăn sữa đã tách bơ. Khi bệnh đã đỡ hơn, nên sử dụng các thức ăn lỏng (chủ yếu là hợp chất đường). Sau đó, có thể ăn dạng hồ đặc hoặc cơm nát.

Chế độ dinh dưỡng trong bệnh viêm túi mật mạn cần chú ý nương nhẹ chức phận mật: Hạn chế chất béo vì nó kích thích túi mật co bóp mạnh. Các chất mỡ có ảnh hưởng không chỉ đối với chức năng gan, mật mà cả với dạ dày. Mỡ cản trở bài tiết HCl (cần cho sự tiêu hóa protid) và làm cho mật xuống ruột không đều, tăng chất độc vào máu, ảnh hưởng tới gan.

Nên ưu tiên ăn các loại thịt trắng như thịt gà, cá hoặc thịt nạc, ít hoặc không có mỡ sẽ tốt hơn. Ưu tiên các món ăn từ cá thay vì thịt. Lựa chọn thực phẩm tươi sống, xanh và sạch sẽ có lợi hơn cho bệnh nhân bị viêm túi mật mạn tính. Bổ sung tăng cường các loại rau giàu chất xơ và đạm thực vật, có thể kể đến các loại đậu, ngũ cốc nguyên cám, rau họ cải,…

Người viêm túi mật mỗi ngày nên ăn 4 - 5 bữa, mỗi bữa một lượng nhỏ thức ăn. Tránh dùng rượu bia và các chất kích thích (cà phê, trà), hút thuốc lá, các gia vị nóng như tiêu, ớt... Các loại thịt đỏ nói chung, bao gồm cả thịt bò, thịt cừu, thịt lợn hay các loại thịt xông khói đều cần hạn chế trong thực đơn cho người bị bệnh viêm túi mật dù đã điều trị hay chưa.

Cần tránh ăn các loại thức ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ. Ngoài ra, không nên sử dụng thức uống có ga, chất kích thích, đồ ăn nhiều gia vị cay nóng…

Dinh dưỡng dành cho người bệnh viêm túi mật- Ảnh 5.

Người bệnh viêm túi mật cần ó một chế độ dinh dưỡng phù hợp.

4. Gợi ý món ăn, thực đơn dành cho người bệnh viêm túi mật

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người bệnh viêm túi mật cần lưu ý không nên ăn quá no vì điều này có thể làm tăng gánh nặng cho túi mật, nhưng cũng đừng nên bỏ qua bất kỳ bữa ăn nào, đặc biệt là bữa sáng. Chú ý xây dựng cho bản thân một chế độ ăn đều đặn, đúng giờ kết hợp với duy trì thói quen tập thể dục, sẽ làm tình trạng viêm túi mật được cải thiện đáng kể.

Dưới đây là thực đơn tham khảo cho người trưởng thành do Khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới gợi ý:

Giờ ăn

Món ăn

7 giờ

- Phở thịt bò: Bánh phở 150g, thịt bò 35g, hành lá 10g, nước dùng (muối 1g/100ml)

11 giờ

- Cơm gạo tẻ: 120g (gạo 60g), thịt lợn rang: thịt lợn nạc 50g, đậu phụ trần: đậu phụ 30g

- Cải thìa xào: rau cải thìa 200g, dầu ăn 7ml

- Canh mồng tơi: rau mồng tơi 50g

- Bưởi: 200g (3 múi)

15 giờ

 - Sữa bột toàn phần: 26g (pha cốc 200ml)

18 giờ

- Cơm gạo tẻ: 120g (gạo 60g)

- Cá trắm rán xốt cà chua: cá trắm 70g, cà chua 30g, dầu ăn 10ml

- Trứng gà luộc: (½ quả trứng) trứng gà 25g

- Rau muống luộc: rau muống 200g, canh rau ngót: rau ngót 50g quýt: 120g (1 quả)

Giá trị dinh dưỡng

- Năng lượng: 1464Kcal

- Zn: 9,2(mg)

- Protein: 73,3(g)

- Xơ: 11,3(g)

- Glucid: 200,3(g)

- Natri: 1943(mg)

- Lipid: 41,0(g)

- Kali: 3097(mg)

- Canxi: 957(mg)

- Cholesterol: 190(mg)

- Fe: 14,1(mg)

(Ghi chú: Muối ≤ 5g/ ngày)

Lưu ý, việc xác định nhu cầu dinh dưỡng cần dựa theo độ tuổi, cân nặng, là người lớn hay trẻ em; tình trạng bệnh lý; tình trạng dinh dưỡng (thể lực và sinh hóa)... Do đó, người bệnh nên hỏi ý kiến và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn phù hợp.

Xem thêm:

Viêm túi mật có nguy hiểm không?Viêm túi mật có nguy hiểm không?

SKĐS - Viêm túi mật cấp là tình trạng bệnh lý nguy hiểm, xảy ra khi túi mật bị nhiễm khuẩn, ống dẫn mật bị tắc nghẽn. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ có nguy cơ tiến triển thành các biến chứng nghiêm trọng, đe doạ đến tính mạng.



Đỗ Quyên
Ý kiến của bạn