1.Thực phẩm tốt cho người bị mụn cóc?
Rau xanh
Rau xanh là thực phẩm cần thiết trong bữa ăn hàng ngày. Người bệnh bị mụn cóc nên ăn nhiều rau hơn trong khẩu phần mỗi bữa. Bạn có thể chế biến rau dưới dạng sinh tố hoặc nước ép. Rau xanh rất giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất như vitamin A, E, C, D, sắt, canxi, magie,... giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, đồng thời hỗ trợ chữa lành những tế bào da bị tổn thương. Nhờ đó giúp quá trình điều trị mụn cóc diễn ra hiệu quả hơn và hạn chế mụn cóc không lây lan ra nhiều bộ phận khác trên cơ thể.
Các loại hạt
Người bị mụn cóc nên ăn các loại hạt như hạt điều, hạnh nhân, hạt dẻ, óc chó,... Những loại hạt này rất giàu omega – 3, selen và vitamin E hoạt động như một chất chống oxy hóa giúp da ngậm nước và giảm viêm, có lợi cho việc điều trị mụn cóc. Những chất này đều rất tốt cho làn da, chữa lành mụn, ngăn ngừa lão hóa và giúp cho làn da được khỏe đẹp.
Quả mọng
Các loại quả mọng như dâu tây, nho, cherry, mâm xôi, việt quất,... rất giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa giúp tăng cường sản sinh collagen, thúc đẩy quá trình hồi phục các vết thương do mụn cóc gây ra.
Trái cây có múi
Những loại trái cây có múi như chanh, quất, cam, quýt, bưởi,... đều chứa nhiều nước và giàu vitamin B, vitamin C, các khoáng chất như kali, chất xơ, carbohydrate giúp tăng cường sức đề kháng để cơ thể chống chọi trước sự tấn công của virus và hỗ trợ quá trình điều trị mụn cóc rất tích cực.
Mặt khác, ăn hoặc uống nước ép các loại trái cây có múi giúp cơ thể được bù nước nhanh chóng, giúp cấp ẩm cho da, ngăn ngừa tiết dầu nhờn trên da, giảm sưng viêm do mụn. Đồng thời các loại quả này còn giúp tăng cường sản sinh collagen, giúp làm mờ sẹo, ngừa thâm hiệu quả.
Khoai lang
Người bị mụn cóc nên bổ sung khoai lang vào thực đơn mỗi ngày. Khoai lang là loại thực phẩm rất giàu beta carotene, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành vitamin A để tiêu thụ. Nhờ đó dưỡng chất này có tác dụng bảo vệ làn da khỏi những tác động tiêu cực do mụn gây ra. Khoai lang có tác dụng bảo vệ da, ngăn ngừa lão hóa, điều trị mụn và giúp da nhanh tái tạo.
Bí ngô
Bí ngô chứa nhiều dưỡng chất có thể tăng cường hệ miễn dịch. Bí ngô còn chứa nhiều enzyme, kẽm, chất xơ, beta-carotene và axit alpha hydroxy. Những dưỡng chất này có tác dụng kháng khuẩn, cân bằng độ pH của da, dưỡng ẩm, điều tiết hoạt động của tuyến bã nhờn và ngăn ngừa mụn. Hơn nữa trong bí ngô có chứa nhiều beta-carotene, chất mà cơ thể sẽ sử dụng để chuyển hóa thành vitamin A giúp tăng cường hệ miễn dịch và giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của virus.
2. Những thực phẩm người bị mụn cóc không nên ăn
Những người bị mụn cóc nên kiêng sử dụng các loại thực phẩm sau:
Đồ ăn cay nóng
Đồ ăn cay nóng luôn nằm trong danh sách nhóm thực phẩm nên hạn chế, đặc biệt người bị mụn cóc càng cần phải kiêng. Những loại gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu, mù tạt, gừng, riềng,... có thể khiến cho các nốt mụn cóc trở nên nghiêm trọng và khó điều trị hơn.
Đồ uống có cồn
Người đang điều trị mụn cóc hay bất cứ bệnh da liễu nào khác cũng nên tránh sử dụng đồ uống có cồn. Bởi các loại rượu, bia hoặc thức uống có gas có thể khiến da dễ bị kích ứng, mẩn ngứa, làm cho những nốt mụn cóc cũng bị kích ứng và lâu khỏi.
Đồ nếp
Người đang điều trị mụn cóc cần tránh sử dụng các thức ăn chế biến từ đồ nếp như xôi, bánh chưng, bánh rán... cho đến khi mụn cóc được xử lý triệt để. Những loại đồ nếp này có tính ấm, khi ăn vào sẽ khiến cơ thể nóng lên, làm cho vết thương lâu lành. Đối với những trường hợp bị bệnh nặng, vết thương còn có thể sưng tấy, mưng mủ và gây ra nhiều biến chứng khác.
Thịt gà
Thịt gà là món ăn thơm ngon bổ dưỡng nhưng không phù hợp cho người bệnh đang điều trị mụn cóc. Thịt gà có chứa các chất khiến vết thương bị sưng tấy và mưng mủ, gây ra tình trạng viêm ở vùng da sau chữa trị mụn cóc. Điều này sẽ khiến cho da bị tổn thương, lâu lành và đau nhức. Vì vậy khi đang chữa trị mụn cóc, bạn hãy tạm thời ngưng ăn thịt gà để giúp bệnh nhanh được cải thiện.
Thịt bò
Loại thịt này có thể gây ra tình trạng sẹo lồi, sẹo thâm trên vùng da sau khi đốt mụn cóc.
Hải sản, trứng
Các loại hải sản quen thuộc như tôm, cua, ghẹ, mực, hàu, cá,... là những thực phẩm không nên sử dụng khi đang điều trị mụn cóc. Các loại trứng gà, trứng vịt, trứng vịt lộn, trứng ngỗng, trứng chim cút... đều có chứa các thành phần gây ảnh hưởng đến sắc tố da, dễ khiến cho vùng da bị thương có màu trắng hoặc loang lổ, gây mất thẩm mỹ.
Rau muống
Người bệnh đang trong thời gian đốt mụn cóc thì hãy kiêng ăn rau muống. Rau muống có chứa các chất làm kích thích gây sẹo lồi ở những vết thương đang lành.
3. Lưu ý trong ăn uống và quá trình chữa trị mụn cóc
Trong quá trình điều trị mụn cóc, ngoài việc chú ý đến chế độ ăn uống, người bệnh còn cần lưu ý những vấn đề sau:
- Uống nhiều nước, trung bình mỗi ngày nên uống khoảng 2 lít nước để tăng cường trao đổi chất trong cơ thể, dưỡng ẩm da, chống khô nẻ.
- Nên ăn uống điều độ, đúng bữa để hệ tiêu hóa khỏe mạnh, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể.
- Chú ý bôi thuốc, uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để tránh làm viêm nhiễm vùng da bị bệnh.
- Không bôi hoặc đắp bất cứ hóa chất nào lên mụn cóc mà chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
- Bảo vệ, che chắn vùng da bị bệnh mỗi khi ra ngoài, hạn chế để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
- Không bôi nghệ lên vùng da mới được đốt mụn.
- Không tự ý dùng tay cạy, gãy hoặc bóc vảy, nên để chúng bong ra một cách tự nhiên.
- Không dùng chung khăn tắm, quần áo, bấm móng tay, dao cạo râu hoặc những vật dụng cá nhân với người khác, đặc biệt trong những ngày đang điều trị vì virus dễ phát tán.