Dinh dưỡng cho lứa tuổi tiểu học

03-10-2017 20:05 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Một chế độ dinh dưỡng hợp lý ở lứa tuổi tiểu học sẽ giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh và phòng chống được bệnh tật.

Năm học mới đã đến, các bậc cha mẹ luôn quan tâm đến việc làm thế nào để trẻ có được một sức khỏe tốt để đi học, tiếp thu bài một cách tốt nhất. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý ở lứa tuổi này giúp trẻ thông minh, khỏe mạnh và phòng chống được bệnh tật.

Nhu cầu dinh dưỡng cho lứa tuổi tiểu học

Hiện nay nhu cầu đáp ứng vitamin của trẻ em đặc biệt là trẻ nhỏ và trẻ tiểu học còn thấp. Trong đó, đặc biệt với vitamin nhóm B, mới chỉ đáp ứng 60 - 70% nhu cầu khuyến nghị. Vitamin C chỉ đáp ứng 60%. Thiếu hụt vitamin không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, trí não của trẻ ở thời điểm hiện tại, mà hậu quả lâu dài trẻ sẽ bị di chứng trở thành người thấp bé trong quãng đời trước mắt và tiếp nối ở những thế hệ sau. Vậy ở lứa tuổi này trẻ nên ăn bao nhiêu là đủ?

Dinh dưỡng cho lứa tuổi tiểu học 1
Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp trẻ khỏe mạnh, thông minh. Ảnh: H. Mai

Nhu cầu về năng lượng và chất đạm ở lứa tuổi tiểu học:

6 tuổi: Năng lượng 1.600 calo; Chất đạm 36g.

7- 9 tuổi: Năng lượng 1.800 calo; Chất đạm 40g.

10 - 12 tuổi: Năng lượng 2.100 - 2.200calo; Chất đạm 50g.

Nếu không có điều kiện chế biến nhiều loại món ăn trong một ngày thì có thể tính lượng đạm của trẻ như sau: Cứ 100g thịt nạc tương đương với 150g cá hoặc tôm, 200g đậu phụ, 2 quả trứng vịt hoặc 3 quả trứng gà. Nếu ăn các loại bún, miến, phở, khoai, ngô, sắn thì phải giảm bớt lượng gạo đi.

Thói quen dinh dưỡng tốt cho trẻ

Chế biến thức ăn cho trẻ như thế nào?

Lứa tuổi này trẻ đã hoàn toàn ăn cùng với gia đình, tuy nhiên các bà mẹ cần lưu ý một số điểm sau:

- Cho trẻ ăn no và nhiều vào bữa sáng (để tránh ăn quà vặt ở đường phố, hoặc một số trẻ ăn quá ít, nhịn sáng sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập, thậm chí hạ đường huyết trong giờ học).

- Nên cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau, tránh ăn một vài loại nhất định.

- Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau, để tránh táo bón, đồng thời cung cấp nhiều vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

- Ăn đúng bữa, không ăn vặt, không ăn bánh, kẹo, nước ngọt trước bữa ăn.

- Không nên nấu thức ăn quá mặn, tập thói quen ăn nhạt.

- Không nên ăn quá nhiều bánh kẹo, nước ngọt vì dễ bị sâu răng. Ðến bữa ăn nên chia suất ăn riêng cho trẻ, để tránh ăn quá ít hoặc quá nhiều.

- Tập thói quen uống nước kể cả khi không khát, lượng nước nên uống một ngày 1 lít.

- Giáo dục cho trẻ thói quen vệ sinh ăn uống: Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi đại tiện.

- Số bữa ăn: Nên chia 4 bữa 1 ngày, 3 bữa chính một bữa phụ.

Bác sĩ Hải Lê


Ý kiến của bạn