Một nghiên cứu cho thấy 80-90% người mắc ung thư có dấu hiệu bị suy dinh dưỡng bởi vậy mà dinh dưỡng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sức khỏe của con người nhất là trong phòng và điều trị ung thư. Người bệnh được cung cấp dinh dưỡng đúng trước, trong và sau khi điều trị.
Trong khi đó dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư lại là một vấn đề vô cùng quan trọng có ý nghĩa quyết định lớn trong hiệu quả điều trị bệnh. Chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ và phù hợp giúp nâng cao thể trạng, bệnh nhân có thể trải qua quá trình điều trị bệnh nhẹ nhàng hơn, nâng cao sức đề kháng tránh các bội nhiễm như vi khuẩn, vi rút, đặc biệt là trong thời kì dịch bệnh do virus Sars-Covi- 2 đang hoành hành hiện nay.
Hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng hiện nay cách tốt nhất để có được chất dinh dưỡng là từ thực phẩm chứ không phải từ các thực phẩm chức năng. Do đó hãy tập trung vào việc ăn uống lành mạnh thay vì cố gắng sử dụng các chất bổ sung các chất dinh dưỡng thiếu hụt. Tốt nhất nên sử dụng các thực phẩm tươi sống để chế biến đồ ăn. Chế độ ăn uống cân bằng bao gồm tất cả các nhóm thực phẩm thường sẽ có tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết, đặc biệt là các thực phẩm có nguồn gốc thực vật.
Nên bổ sung các chất dinh dưỡng thiếu hụt bằng các thực phẩm tươi sống
Khi chuẩn bị bữa ăn, nên lựa chọn thực đơn sao cho hầu hết mỗi khẩu phần (ít nhất là 2/3) là các thực phẩm thực vật như trái cây, rau, đậu và ngũ cốc. Phần còn lại của khẩu phần ăn (1/3) có thể bao gồm các loại thực phẩm động vật như thịt gà, cá, trứng, phô mai và sữa chua. Theo Viện nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ thì một số các thực phẩm bên cạnh việc cung cấp dinh dưỡng còn đem lại hiệu quả phối hợp trong điều trị ung thư, dù rằng các thực phẩm này không thể thay thế phương pháp điều trị ung thư song chúng hoàn toàn có thể giúp cho bệnh nhân trải qua quá trình điều trị ung thư thuận lợi hơn. Các thực phẩm đó bao gồm:
Trái cây( táo, quả việt quất, quả anh đào, nho...);
Rau họ cải(súp lơ, bắp cải, cải xoăn, rau chân vịt, củ cải);
Trà xanh;
Tỏi, bí đao, bí đỏ, cà chua..;
Đậu Hà Lan, các loại đậu hạt, đậu nành, đậu phụ;
Ngũ cốc nguyên hạt(lúa mạch, yến mạch, hạt kê, gạo lứt...).
Các loại thực phẩm chức năng không được khuyến cáo trong quá trình điều trị do chúng có thể tương tác với các thuốc điều trị ung thư hiện nay hoặc làm ảnh hưởng đến chức năng gan thận, công thức máu dẫn đến trì hoãn việc điều trị hóa trị hoặc xạ trị. Bên cạnh đó một số loại vitamin khi sử dụng liều cao kéo dài mà không có sự kiểm soát của bác sĩ chuyên khoa có thể gây ra nhiều tác hại nặng nề. Ví dụ, vitamin C liều cao có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận. Vitamin B6, ngay cả với liều lượng vừa phải, có thể dẫn đến tổn thương thần kinh. Độc tính vitamin A có thể dẫn đến những thay đổi trong sự phát triển của xương, gan to, thiếu máu và rụng tóc. Nếu bệnh nhân có những khó khăn trong cung cấp dinh dưỡng qua ăn uống thì các loại thực phẩm bổ sung cần phải được chỉ định bởi bác sĩ điều trị ung thư chuyên khoa...
Do trong toàn bộ quá trình chăm sóc và điều trị bệnh nhân ung thư sẽ có nhiều thay đổi theo từng giai đoạn bệnh nên việc chăm sóc dinh dưỡng cũng phải rất linh hoạt và phải đánh giá để thay đổi thường xuyên cho phù hợp. Như vậy, chăm sóc dinh dưỡng đúng cách là một vấn đề vô cùng quan trọng, mang lại hiệu quả cao trong điều trị và là một xu hướng mới cần được áp dụng rộng rãi hiện nay.
Những điều cần lưu ý
Người bệnh đang điều trị không cần kiêng khem nghiêm ngặt, nhưng nên lưu ý một số điều dưới đây:
Ăn ít nhưng đủ dinh dưỡng, giàu năng lượng và giàu đạm. Bổ sung thêm các sản phẩm giàu dinh dưỡng (sữa dinh dưỡng).
Kiểm soát được lượng thức ăn mà người bệnh ăn vào.
Nên uống nước trước hoặc sau bữa ăn 30 phút. Tránh uống nước trong khi ăn vì điều này có thể làm giảm sự ngon miệng.
Không nên ăn uống đồ có đường, nước ngọt, thức ăn nhiều chất béo.
Thường xuyên thay đổi cách chế biến và màu sắc của thức ăn để tăng sự hấp dẫn.
Tránh ngửi mùi thức ăn khi đang chế biến.
Giữ vệ sinh răng, miệng.
Nếu không ăn được thức ăn thông thường thì chuyển sang chế độ ăn nhỏ, mềm, nhuyễn (cháo, súp...)
Khi người bệnh không ăn được hoặc ăn uống thông thường không đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng thì phải có các phương pháp hỗ trợ nuôi dưỡng hoặc nuôi dưỡng thay thế.
Mỗi người bệnh có thể trạng khác nhau, quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể hay tiêu hao năng lượng cũng khác nhau, đặc biệt là với người bệnh ung thư, do đó bệnh nhân ung thư nên đến gặp bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ dinh dưỡng để thiết lập cho mình chế độ ăn phù hợp, hiệu quả.