Nếu không có biện pháp khắc phục tức thời tình trạng trên sẽ dẫn tới biếng ăn kéo dài, ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của bé. Để bé vượt qua giai đoạn mọc răng một cách khỏe mạnh và vui vẻ nhất thì chế độ dinh dưỡng hợp lý rất quan trọng để bé tiếp nhận món ăn một cách dễ dàng nhất.
Những dấu hiệu khi trẻ chuẩn bị mọc răng
Mọc răng là sự kiện quan trọng trong cuộc đời bé, được các mẹ đặc biệt quan tâm và lo lắng. Thông thường, bé bắt đầu nhú những chiếc răng đầu tiên khi được 6-7 tháng tuổi. Hàm răng tiếp tục được hoàn thiện cho đến khi bé được 2 - 3 tuổi. Khi mọc răng, hầu hết trẻ thường có các triệu trứng như: chảy nhiều nước dãi, biếng ăn, quấy khóc, khó ngủ, luôn mút ngón tay, rất thích cắn vật rắn, đôi khi có thể sốt nhẹ, lợi sưng đỏ ở vùng răng nhú lên, tiêu chảy.
Ngứa răng nên trẻ thường cho mọi thứ vào miệng để cắn.
Khi răng phát triển, nướu sẽ có hiện tượng sưng đỏ. Đó là do khi bị kích thích, nướu răng đỏ và sưng lên, đây cũng là một điều bình thường của quá trình mọc răng. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể thấy chấm màu trắng trên nướu hoặc có khe hở để cho răng mọc trong những ngày sắp tới. Bé sẽ bị sưng tấy nướu và có cảm giác khó chịu hoặc hơi sốt. Hoạt động này kích thích sản xuất nước bọt, vì vậy bé sẽ chảy dãi dớt chảy nhiều hơn bình thường.
Sốt nhẹ có thể là dấu hiệu đơn giản nhất để nhận ra trẻ mọc răng. Cáu bẳn nhặng xị cũng là một trong những dấu hiệu chứng tỏ bé sắp mọc răng. Thời điểm mọc răng, nướu sưng đau, người khó chịu cũng làm cho bé dễ khóc và nổi cáu bất cứ lúc nào.
Khi mọc răng, bé sẽ có cảm giác khó chịu khi ăn vì bất kỳ thứ gì chạm vào miệng cũng làm cho bé “bực mình” vì đau đớn. Bé biếng ăn hơn trước. Thời gian này, thức ăn bé dễ chấp nhận nhất có lẽ là bú mẹ.
Một hiệu ứng phụ của nỗi đau mọc răng là rối loạn giấc ngủ. Cũng giống như người lớn, khi mọc răng, tâm trí trẻ cũng khác, chính vì vậy cũng dễ gây rối loạn đến giấc ngủ. Thông thường, bé khó ngủ hơn vì cơ thể khó chịu.
Chăm sóc dinh dưỡng trong giai đoạn mọc răng
Các bà mẹ cần chú ý đặc biệt tới chế độ dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn này. Một số thực phẩm như khoai tây nghiền, lòng đỏ trứng hay cháo ngũ cốc là những loại thức ăn rất tốt cho trẻ. Khi trẻ ở giai đoạn bắt đầu ăn dặm cũng là lúc trẻ mọc những chiếc răng đầu tiên, nếu bé biếng ăn chỉ cần cho bú mẹ là đủ, có thể cho ăn cháo xay nhuyễn trộn lẫn sữa nếu mẹ thiếu sữa. Lúc mọc răng trẻ thường hay ngứa lợi vì vậy trẻ thường hay cho bất kì vật gì vào miệng để cắn, bà mẹ nên cắt hình đồ chơi bằng rau củ quả như cà rốt, củ đậu, bí xanh... thành hình khối khác nhau cho trẻ chơi và nếu trẻ muốn cho vào mệng để cắn thì những đồ chơi này không ảnh hưởng đến răng của bé. Khi trẻ đã mọc răng hàm thì bà mẹ không nên cứ xay nhuyễn thức ăn mà nên băm, thái nhỏ để bé tập nhai, nên thường xuyên thay đổi món ăn để răng của trẻ quen với các thức ăn mới. Lúc này, trẻ sẽ rất hào hứng với việc người lớn đút cho trẻ ăn bằng cả thìa. Đây là thời kỳ người lớn cần tăng cường những thức ăn rắn cho trẻ, chẳng hạn như bánh mì mềm, cơm , rau, thịt... Tập cho bé biết nhai là vô cùng quan trọng, khi biết nhai trẻ sẽ ăn được nhiều loại thức ăn khác nhau, trẻ sẽ ít mắc chứng biếng ăn do chỉ cho ăn một thức ăn xay nhuyễn, động tác nhai giúp trẻ tiết nước bọt nhiều hơn, nước bọt chính là men tiêu hóa chất bột đường, giúp trẻ ăn ngon miệng. Một điều quan trọng động tác nhai giúp phát triển xương hàm của trẻ, sau này cung hàm không bị hẹp khi thay răng trẻ không bị răng mọc lệch.
Khi trẻ trên 1 tuổi nên cho trẻ uống nước bằng cốc, ăn sữa bằng cốc hạn chế bú bình sẽ tốt hơn cho sự phát triển của răng.
Nên cắt nhỏ thức ăn thành nhiều hình vui mắt để khuyến khích trẻ tập nhai thời kỳ mọc răng.
Những lưu ý khi chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ thời kỳ mọc răng
Đừng để trẻ nhai một bên: Răng của trẻ khi còn nhỏ sẽ phát triển chưa hoàn thiện và rất dễ bị tổn thương. Nếu bé nhai một bên và duy trì thói quen này có thể sẽ khiến bé bị lệch hàm, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của khuôn mặt.
Bổ sung thức ăn cứng phù hợp: Nhiều bà mẹ vì bảo vệ răng của con mình nên dù bé được 1 tuổi rồi vẫn cố nghiền nát thức ăn và chỉ cho bé ăn thức ăn mềm mà thôi. Tuy nhiên, các nha sĩ cho rằng, điều này không có lợi cho sự phát triển răng miệng ở trẻ nhỏ. Người lớn nên quan sát sự phát triển ở răng của trẻ và bổ sung thức ăn có độ cứng phù hợp để răng của bé thích nghi và phát triển toàn diện hơn.