Hà Nội

Đỉnh điểm cúm mùa: Người dân có nên đổ xô đi mua thuốc Tamiflu?

21-12-2019 15:08 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Với cúm A, nếu sử dụng Tamiflu sau 48 giờ kể từ khi có triệu chứng sốt thì kết quả điều trị không khác gì với bệnh nhân không dùng thuốc...

Trong vòng hơn một tháng qua, các bác sỹ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận khám 3.066 lượt người bệnh có triệu chứng cúm tới khám và điều trị.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi ngày có khoảng 100-130 bệnh nhi đến khám với các biểu hiện nghi ngờ cúm, trong đó 15- 30 bệnh nhi mắc cúm phải nhập viện điều trị tại Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em.

PGS.TS Lương Ngọc  Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, theo số liệu từ hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam thì hiện nay đang là thời điểm cao nhất của bệnh cúm mùa.

Trước thực trạng nhiều người dân đổ xô đi mua thuốc Tamiflu về để dự phòng như hiện nay, khiến giá mặt hàng này bị đẩy lên cao gấp 3-4 lần, hiện giá dao động khoảng từ 150.000 đ- 200.000 đ/viên, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho rằng mọi người không nên quá lo lắng, lùng sục khắp các nhà thuốc để tìm mua Tamiflu. Đây chỉ là một loại thuốc có tác dụng hỗ trợ, không phải thuốc điều trị đặc hiệu số 1 điều trị cúm, bởi có nhiều cách phòng và điều trị cúm hiệu quả.

Theo PGS Khuê, cúm là bệnh gặp phổ biến trong thời điểm hiện tại, là bệnh lành tính nhưng ở những người đề kháng yếu như trẻ em, người già, phụ nữ mang thai, người có sẵn các bệnh mãn tính... nguy cơ diễn biến nặng cao hơn.

Cũng về bệnh cúm mùa, TS Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em – Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hầu hết các trường hợp cúm mùa phải nhập viện là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, trẻ có cơ địa đặc biệt, sốt cao không hạ, co giật, một số có bệnh lý kèm theo như viêm phổi, viêm phế quản có suy hô hấp, tim mạch bẩm sinh, suy giảm miễn dịch...

Với những trường hợp phải nhập viện, bác sĩ căn cứ theo từng biến chứng sẽ có những phác đồ điều trị phù hợp, dùng kết hợp nhiều thuốc chứ không riêng Tamiflu.

Theo TS Hải, Tamiflu có thành phần chính là oseltamivir là một thuốc kháng virus, ức chế virus nhân lên và làm giảm khả năng bám dính của virus ở niêm mạc đường hô hấp chứ không có chức năng diệt virus.

Với cúm A, nếu sử dụng Tamiflu sau 48 giờ kể từ khi có triệu chứng sốt thì kết quả điều trị không khác gì với bệnh nhân không dùng thuốc. "Vì thế, nếu dùng Tamiflu thì dùng thật sớm trong vòng 48 giờ kể từ khi em bé có triệu chứng đầu tiên (bắt đầu hắt hơi, sổ mũi, khó chịu, sau vài tiếng là sốt), sau thời gian này dùng không mang lại tác dụng nhiều", BS Hải khẳng định.

“Mới nhất vào tháng 9 vừa qua, tôi đi dự hội nghị cúm quốc tế tại Singapore, báo cáo cho thấy các bệnh nhân cúm mùa sau 5 ngày sử dụng Tamiflu vẫn còn 60% bệnh nhân còn virus cúm trong họng, sau 10 ngày vẫn còn 30-40%. Do đó khi mắc cúm, không nhất thiết phải sử dụng Tamiflu”- TS Hải phân tích

TS Hải cho biết, ngay các trường hợp uống Tamiflu từ rất sớm, chỉ giúp bệnh nhân giảm nhẹ các triệu chứng, sốt nhẹ hơn và có thể nhanh khỏi hơn từ nửa ngày đến 1 ngày.

Theo TS Hải, khi bị cúm, có 3 việc còn quan trọng và hiệu quả hơn uống Tamiflu, trước hết, chú ý hạ sốt cho trẻ, kiểm soát nhiệt độ dưới mức 38,5 để tránh co giật; chú ý vệ sinh đường hô hấp bằng cách dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi, súc miệng hàng ngày để vệ sinh họng, làm sạch vi khuẩn, tránh bội nhiễm, hạ sốt nhanh hơn; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

Bên cạnh đó, cần hạn chế người lớn tiếp xúc với trẻ vì trong hầu họng người bình thường, 60-70% virus, vi khuẩn trong hầu họng có khả năng gây bệnh, khi tiếp xúc gần có thể vô tình làm bé nặng lên hoặc lâu khỏi hơn.

Riêng với các trẻ lớn, nếu mắc cúm nhưng không có các nguy cơ, uống hạ sốt vẫn hạ, phụ huynh nên để trẻ tại nhà để chăm sóc, tránh đưa vào bệnh viện vì làm tăng nguy cơ bội nhiễm, lây chéo nhiều bệnh.

"Với những trường hợp có sẵn bệnh lý nền, có nhiều dấu hiệu bất thường sức khoẻ, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế. Khi khám, bác sĩ xác định trẻ có nguy cơ mắc bệnh gì, từ đó hướng dẫn chăm sóc, hướng dẫn phát hiện các triệu chứng để đưa bé đi tái khám"- TS Đỗ Thiện Hải lưu ý

 

 

Trước nguy cơ cúm mùa gia tăng trong thời điểm hiện tại, để bảo đảm công tác phát hiện sớm, điều trị bệnh kịp thời theo đúng hướng dẫn, giảm thiểu tử vong và phòng ngừa lây nhiễm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Y tế các Bộ, ngành chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị trực thuộc tiến hành rà soát kế hoạch phòng chống bệnh dịch cúm tại đơn vị; chuẩn bị tốt nhân lực, khu vực khám, cấp cứu, cách ly điều trị, trang thiết bị vật tư y tế, các phương tiện, thuốc Oseltamivir (Tamiflu), dịch truyền và các thuốc điều trị bệnh phối hợp khác để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị cho người bệnh
Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh cúm tại bệnh viện. Triển khai việc thu dung người bệnh, khám sàng lọc, phân luồng, phân loại cúm để cách ly các trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm ngay tại khoa khám bệnh
Thực hiện điều trị người bệnh cúm theo đúng phác đồ điều trị Bệnh cúm mùa trong tài liệu Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh truyền nhiễm do Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 5642/QĐ-BYT ngày 31/12/2015. Đặc biệt việc sử dụng đúng thuốc kháng vi rút Oseltamivir (Tamiflu) hoặc/và Zanamivir cho các trường hợp bệnh cúm A hoặc B (nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc có yếu tố nguy cơ
Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Bảo đảm việc cung ứng và sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và khách đến thăm

 


Thái Bình
Ý kiến của bạn