"Đỉnh" dịch tay chân miệng có thể đến sớm
Theo PGS.TS.BS Phạm Văn Quang - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), 5 năm qua kể từ sau đợt dịch 2018, số ca tay chân miệng nặng rất hiếm gặp. Nhưng năm nay có sự xuất hiện của chủng Enterovirus 71 (EV71) với đặc tính lây lan nhanh và độc lực cao nên số ca nặng gia tăng.
Cụ thể, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, số ca tay chân miệng nặng tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái, dù số lượng bệnh nhân không nhiều. Tại đây đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong từ các địa phương khác chuyển đến.
Tuần qua, Khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viên Nhi đồng 1 đã tiếp nhận hơn 10 bệnh nhi tay chân miệng trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy, trợ tim, trong khi 2 tuần trước không có ca nặng cần hồi sức.
"Trong vòng khoảng một tháng nay, khoa tiếp nhận rất nhiều ca nặng. Số ca tay chân miệng đang tăng lên và có lẽ "đỉnh" dịch sẽ vào khoảng tháng 7, nhưng lúc đó sẽ lo bởi vì vào mùa mưa, nguy cơ gia tăng dịch sốt xuất huyết. Tại TP.HCM, hiện chưa có ca nặng dẫn đến tử vong, nhưng vài tuần tới nguy cơ là sẽ có, do ở các tỉnh đổ về, khi trẻ em nghỉ hè ở quê trở về TP và các nhà trẻ bắt đầu hoạt động", PGS.TS.BS Phạm Văn Quang cho biết.
PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Trung - Viện trưởng Pasteur TP.HCM cũng lo ngại dịch tay chân miệng diễn biến phức tạp trong bối cảnh số ca mắc tại các địa phương đang tăng.
Hoạt động giám sát tại khu vực phía Nam ghi nhận hơn 50% mẫu bệnh phẩm tay chân miệng là chủng Enterovirus 71 (EV71). Đây là chủng có đặc tính lây lan nhanh và độc lực cao, làm tăng ca nặng tăng, là tác nhân gây các ổ dịch lớn vào các năm 2011 và 2018.
"Qua các số liệu mà chúng tôi theo dõi, cộng với các báo cáo, có thể nói rằng năm nay dự báo bệnh tay chân miệng có thể diễn biến phức tạp. Bởi hiện nay, số ca nặng đang tăng lên. Các số liệu thì chúng ta thấy rằng từ giai đoạn đầu 2011-2012, sau đó 2015, 2018 và đến nay thì cũng phù hợp với một chu kì vài ba năm của dịch bệnh này. Đặc biệt là sau dịch COVID-19, các hoạt động kinh tế-xã hội cũng nhộn nhịp trở lại", PGS.TS.BS Nguyễn Vũ Trung phân tích.
Đề phòng quá tải cục bộ vì tay chân miệng
Cũng theo Viện Pasteur TP.HCM, miền Nam đã ghi nhận khoảng 9.000 ca bệnh tay chân miệng trong 5 tháng đầu năm nay, trung bình có khoảng 400 ca mỗi tuần, thấp hơn 45% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên số ca mắc mới đang có xu hướng tăng từ cuối tháng 4 đến nay. Trong đó đáng chú ý là số ca nặng và số ca tử vong do tay chân miệng đang gia tăng và cao hơn cùng kỳ năm trước.
Riêng tại TP.HCM, ghi nhận số ca tay chân miệng tăng gần 150% trong một tháng qua, trong đó có nhiều ca nặng.
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, khó khăn là bệnh tay chân miệng diễn tiến nhanh, cho nên quan trọng là phải kịp thời nhận biết dấu hiệu chuyển nặng để x`ử trí, chuyển tuyến kịp thời.
Bác sĩ Châu cũng lo ngại vì số ca nặng ở các tỉnh đang tăng, khi đó tỷ lệ bệnh nặng sẽ cao hơn. Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đã có 4 trường hợp tử vong là bệnh nhi từ các tỉnh khác chuyển đến.
Do đó, theo bác sĩ Châu, cần có quy định về phân bổ chuyển tuyến tay chân miệng cho các bệnh viện: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để giảm áp lực, đảm bảo bệnh nhân được điều trị tốt nhất, tránh quá tải cục bộ.
"Lâu nay 3 bệnh viện nhi phụ trách các tỉnh trong khu vực phía Nam, chữa trị sốt xuất huyết ở bệnh nhi. Còn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới nhiều năm nay được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết cho người lớn. Tuy nhiên trong bối cảnh Bệnh viện Bệnh nhiệt đới có cả chuyên khoa nhi và nhiễm, do đó đề xuất Cục Quản lý Khám chữa bệnh phân bố lại các tuyến để Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cùng tham gia công tác chỉ đạo tuyến về tay chân miệng và sốt xuất huyết ở bệnh nhi", đại diện lãnh đạo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh kiến nghị.
Theo các chuyên gia Bộ Y tế, nếu bệnh nhân tay chân miệng nặng từ khắp nơi chuyển về, TP.HCM sẽ khó tránh được tình trạng quá tải cục bộ. Do đó cần tăng năng lực cho các bệnh viện đa khoa ở các tỉnh lân cận nhằm giảm áp lực này.
Từ đầu năm đến nay đã có 7 trẻ tử vong vì tay chân miệng ở phía Nam. Ngành y tế xác định người lớn có thể là "người lành mang trùng" khiến trẻ nhỏ mắc bệnh mà không hay biết. Do vậy, ngoài điều trị thì các địa phương cần phải có biện pháp điều trị dự phòng ở các cơ sở y tế tư nhân, địa phương. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân về ý thức phòng bệnh và cách phát hiện bệnh sớm. Việc phòng ngừa tay chân miệng không chỉ tập trung ở trẻ nhỏ, bảo mẫu, tại các trường mầm non mà cả người lớn cũng phải thường xuyên rửa tay sạch, giữ gìn vệ sinh trong gia đình nhằm bảo vệ các bé trước nguy cơ dịch bệnh hiện nay.