Cả tin, nhiều người đã rơi vào bẫy lừa bị các đối tượng xấu chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng.
Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, đầu năm 2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Công an quận Nam Từ Liêm nhận được khá nhiều đơn trình báo tố cáo Bùi Thị Mai Sao (33 tuổi, trú tại phường Trung Thành, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) chiếm đoạt số tiền 650 triệu đồng thông qua nhận tiền để làm hồ sơ vay vốn ngân hàng cho một số cá nhân.
Tiếp đó, chỉ một thời gian ngắn, Công an quận Nam Từ Liêm tiếp tục nhận được những lá đơn tiếp theo tố cáo chính những người đã làm đơn tố cáo Bùi Thị Mai Sao cũng với hành vi tương tự. Xác định tính chất phức tạp của vụ việc, Cơ quan CSĐT - Công an quận Nam Từ Liêm đã tổ chức điều tra, xác minh hành vi của các đối tượng liên quan.
Các đối tượng trong một đường dây lừa đảo, làm giả hồ sơ vay vốn ngân hàng bị cơ quan công an tạm giữ. Ảnh: CAND
Quá trình điều tra xác định, năm 2013, Bùi Thị Mai Sao là nhân viên tín dụng của một ngân hàng trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trong thời gian làm việc tại đây, Sao đã nắm rõ nghiệp vụ tín dụng của ngân hàng. Sau đó, Sao tự xin nghỉ việc. Cuối năm 2016, Sao quen biết với một người phụ nữ tên T cũng từng là nhân viên ngân hàng. Sao tìm hiểu và được biết một số ngân hàng có chính sách cho vay tín chấp với thủ tục khá đơn giản, không cần thế chấp, chỉ cần có hồ sơ “đẹp” chứng minh được thu nhập của mình có đủ khả năng trả nợ là ngân hàng có thể cho vay.
Sao và T đã bàn với nhau tìm cách huy động hồ sơ của những người có nhu cầu vay vốn, qua đó chiếm đoạt tiền mà Sao và T nghĩ ra gọi là “chi phí làm hồ sơ”. Cụ thể, cơ quan công an đã làm rõ Sao giới thiệu với mọi người chỉ cần đưa cho mình số tiền 6 triệu đồng cùng chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu, Sao sẽ tự mình làm thủ tục ngân hàng để khách hàng có thể vay từ 200 - 500 triệu đồng. Giữa Sao và T cũng phân trách nhiệm, Sao là người thu tiền và giấy tờ, còn T thì tạo lập hồ sơ chứng minh thu nhập. Với lời quảng cáo như vậy, nhiều người có nhu cầu vay vốn đã không tiếc tiền nộp khoản phí không đáng kể như Sao đưa ra để nhờ làm hồ sơ “đẹp” vay vốn giúp. Bởi vậy, chỉ trong 3 tháng từ tháng 12/2016 đến tháng 3/2017, Bùi Thị Mai Sao đã thu tiền và hồ sơ vay vốn ngân hàng của nhiều khách hàng với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Tại thời điểm bị cơ quan công an triệu tập, Sao không nhớ mình đã nhận bao nhiêu bộ hồ sơ, chỉ nhớ đã thu khoảng 900 triệu đồng.
Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, từ đối tượng chính Bùi Thị Mai Sao đã hình thành đường dây lừa đảo đa cấp nâng tổng số bị hại trong vụ việc lên tới hàng trăm người. Trong đó, từ mức giá thu ban đầu 6 triệu đồng/hồ sơ vay tín chấp của Sao, một số đối tượng trung gian đã đứng ra huy động hồ sơ nhưng nâng mức giá lên 10 triệu đồng/hồ sơ. Thậm chí có những bộ hồ sơ bị đẩy qua nhiều tầng nấc để những người trung gian ở giữa ăn “hoa hồng” khiến mức giá nhận làm hồ sơ vay vốn ngân hàng lại được đẩy lên đến hàng chục triệu đồng/hồ sơ. Cá biệt, có bị hại tố cáo đã phải nộp số tiền lên tới 70 triệu đồng cho một đối tượng để được làm hồ sơ vay tín chấp ngân hàng từ 200 - 500 triệu đồng.
Liên quan đến thủ đoạn này, để đảm bảo quyền lợi người liên quan, Cơ quan CSĐT - Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội thông báo ai là bị hại trong vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức nhận tiền làm hồ sơ vay tín chấp tại ngân hàng, đề nghị liên hệ Đội Điều tra tổng hợp Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội để trình báo.
Luật sư Nguyễn Tiến Thủy (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, trường hợp người sử dụng hợp đồng lao động (HĐLĐ) giả vay tín dụng để chiếm đoạt tài sản của NH có giá trị từ 2 triệu trở lên thì bị xử lý hình sự về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 139 BLHS). Trường hợp người sử dụng HĐLĐ giả không có ý thức chiếm đoạt, gây thiệt hại về tài sản cho NH mà chỉ có ý định sử dụng HĐLĐ giả để được vay tiền nhanh, bản thân người vay nghiêm túc và có đủ khả năng trả nợ cho ngân hàng thì bị xử lý hình sự về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Người bán/cung cấp HĐLĐ giả thì bị xử lý hình sự về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Trường hợp biết người sử dụng HĐLĐ giả có mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của NH hoặc tổ chức, cá nhân khác mà vẫn cung cấp HĐLĐ giả thì còn có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với vai trò đồng phạm. Như vậy, làm giả hồ sơ vay tín chấp vừa không dễ dàng, vừa để lại những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí bị xử lý hình sự. Do đó, khách hàng có nhu cầu vay tín chấp nên tìm hiểu các chương trình vay phù hợp với khả năng và điều kiện thực tế của mình, đừng bao giờ nghĩ đến việc mua hay làm hồ sơ giả để đi vay vốn ngân hàng nếu không muốn “tiền mất tật mang”.