Để đi tìm nguyên nhân cho chứng bệnh vô sinh - hiếm muộn nữ, y học cổ truyền có những lý luận độc đáo, nhưng không quá xa lạ với y học hiện đại. Ngày nay, người ta nhận thấy stress ảnh hưởng đến nhiều bệnh: tim mạch, tiêu hóa, rối loạn chuyển hóa… Từ xưa, Đông y đã cho biết, tình chí liên quan đến các tạng phủ của con người, tình chí rối loạn, tạng phủ rối loạn.
Vài nét lý luận
Thiên Phụ đạo xán nhiên của Hải Thượng Lãn Ông có nói: “Đàn bà không có thai do tà lục dâm, thất tình làm tổn thương mạch xung, mạch nhâm, hoặc bệnh cũ ẩn nấp, di truyền trong tạng phủ, hoặc tử cung hư lạnh, hoặc khí thịnh huyết suy, nhiệt phục trong huyết hoặc tỳ vị hư tổn không thể nuôi dưỡng mạch xung, mạch nhâm; hoặc tích huyết, tích đờm ngưng trệ ở bào lạc”. Ở đây, Hải Thượng Lãn Ông chú ý đến nguyên nhân: “lục dâm, thất tình”, tức bệnh liên quan đến tình cảm, ý chí của con người.
Theo Nam nữ khoa của Phó Thanh Chủ (danh y Trung Quốc), phụ nữ có 10 nguyên nhân không thể thụ thai, như: gầy yếu quá không thể thụ thai; người bệnh cảm thấy đầy trướng trong ngực, chán ăn mà không thụ thai ; nửa người phía dưới lạnh không thụ thai… Đặc biệt, theo Phó Thanh Chủ, một trong những nguyên nhân gây hiếm muôn - vô sinh nữ: vì có tính ghen ghét mà không thụ thai. Đây là bệnh tình chí của con người mà tình chí liên quan mật thiết, hai chiều, với các tạng phủ.
Người hay ghen ghét thuộc chứng bệnh: Can khí uất kết; biểu hiện lâm sàng là tinh thần uất ức, ngực sườn đau, hay thở dài, kinh nguyệt không đều, rêu lưỡi trắng, mạch huyền… Theo Đông y, tinh thần, ý chí của con người do tạng Tâm chủ quản (tâm chủ thần minh) nhưng liên quan mật thiết với tạng Can, do tạng Can có chức năng điều tiết: tình chí con người; hoạt động Tỳ - Vị; lưu thông khí huyết; kinh nguyệt. Do vậy, việc điều trị phải chú ý đến tạng Can, để từ đó điều tiết các tạng phủ khác.
Bài thuốc
Phụ nữ có tính ghen ghét là do Can khí uất kết không thể có thai dùng: Khai uất chủng tử thang: bạch thược (sao rượu) 1 lượng, đương quy (sao rượu) 5 chỉ, bạch truật (sao vàng) 5 chỉ, đơn bì 3 chỉ, bạch linh 3 chỉ, hương phụ chế 3 chỉ, thiên hoa phấn 2 chỉ.
Phân tích tính vị của các vị thuốc:
Bạch thược là dạng thuốc bổ huyết, điều kinh, nhuận gan, chỉ thống. Dùng trong các bệnh xuất huyết, băng huyết, ho ra máu, trĩ huyết, máu cam… Có rượu để khử tính hàn, tăng cường dưỡng huyết, điều kinh.
Bạch thược
Đương quy: có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết và chỉ huyết theo từng bộ phận của rễ. Tuy nhiên, tác dụng bổ huyết là chủ yếu. Ngoài ra còn sử dụng tác dụng điều kinh giảm đau, nhuận tràng thông tiện. Thuốc không tẩm chích thiên về bổ huyết hoạt tràng. Chế rượu làm tăng tác dụng hoạt huyết, thông kinh. Đương quy sao với rượu: tẩm rượu và đương quy phiến, ủ 30 phút cho rượu ngấm đều. Sao nhỏ lửa đến khi có màu vàng đậm, mùi thơm đặc trưng. Cũng có thể sao đương quy nóng tới già, phun rượu vào, tiếp tục sao tới màu vàng đậm hoặc xuất hiện trên mặt phiến các chấm đen, mùi thơm đặc trưng.
Đơn bì: hòa huyết, sinh huyết, lương huyết, chủ trị kinh nguyệt không đều...
Bạch linh: chữa ăn uống kém tiêu, đầy chướng, bí tiểu tiện, ho có đờm, ỉa chảy.
Bạch linh
Hương phụ: điều hòa khí huyết, thông kinh bổ huyết hư, nhuận táo, hành kinh lạc; chỉ thống do khí trệ như đau dạ dày, co thắt cơ, đau dây thần kinh ngoại biên, viêm đại tràng co thắt; giải uất do lo nghĩ tức giận, can khí mất điều đạt gây ngực sườn đầy tức, đầy bụng và tình chí uất ức; điều kinh giải uất: do khí trệ trong huyết gây thất huyết..., thống kinh; kích thích tiêu hóa: ăn không tiêu, bụng đầy tức, buồn nôn.
Thiên hoa phấn: vị đắng, tính hàn không độc, vào hai kinh tâm phế; chủ trị: làm nhuận chứng không khát, phiền nóng trong tâm, thông kinh nguyệt…
Theo kinh nghiệm lâm sàng, dùng bài thuốc nói trên uống liền 1 tháng tất cả uất khí kết sẽ khai thông, trong lòng tràn đầy vui vẻ làm cho lòng đố kỵ, hẹp hòi cũng thay đổi theo, đôi bên hòa hợp rất dễ thụ thai.
Trong điều trị, tùy theo chứng trạng của người bệnh để gia giảm các loại thuốc.