Từ khi cháu mang thai thì thấy tuyến giáp to ra hơn bình thường. Hiện cháu đã sinh em bé được 2 tháng, chẩn đoán viêm tuyến giáp sau sinh. Xin bác sĩ giải thích về bệnh và cách điều trị?
Phan Thị Nhật Hà (nhatha@gmail.com)
Viêm tuyến giáp sau sinh xảy ra ở khoảng 5-7% phụ nữ sau sinh đẻ, thường xuất hiện trong vòng 1 năm sau đẻ, có thể liên quan đến hiện tượng tự miễn. Khoảng một nửa số bệnh nhân có tiền sử gia đình bị bệnh lý tuyến giáp tự miễn. Khoảng 1/3 bệnh nhân chức năng tuyến giáp có biểu hiện ba pha: nhiễm độc giáp xảy ra sau sinh 1 - 6 tháng và tồn tại 1 - 2 tháng, tiếp đến là pha suy giáp xảy ra sau 2 - 6 tháng và kéo dài 4 - 6 tháng, sau đó trở về bình thường. Khoảng 80% bệnh nhân chức năng tuyến giáp sẽ trở lại bình thường sau 1 năm. Khám thấy bướu giáp thường nhỏ, không đau, chắc xuất hiện sau sinh 2 - 6 tháng. Xét nghiệm máu lắng bình thường; Chức năng tuyến giáp: FT3, FT4, TSH thay đổi tuỳ theo giai đoạn bệnh; Kháng thể kháng receptor tuyến giáp (TRAb) thường không tăng; Độ tập trung I-131 thấp (không được chỉ định nếu bệnh nhân cho con bú). Nếu cần có thể thay bằng Tc99m. Chẩn đoán phân biệt: Viêm tuyến giáp sau sinh có triệu chứng nhiễm độc giáp rõ cần chẩn đoán phân biệt với bệnh Basedow dựa vào: Bướu giáp trong Basedow thường lớn hơn, mềm, có tiếng thổi và các biểu hiện mắt như mắt long lanh, lồi mắt...; Kháng thể kháng receptor tuyến giáp (TRAb) thường tăng cao. Độ tập trung I-131 cao. Siêu âm Doppler thấy tăng sinh mạch trong tuyến giáp. Về điều trị: Nếu triệu chứng nhiễm độc giáp không rõ không cần điều trị. Nếu triệu chứng rõ: điều trị giảm triệu chứng bằng chẹn β giao cảm. Giai đoạn suy giáp: thường không cần điều trị. Nếu pha suy giáp kéo dài, triệu chứng suy giáp rõ nên điều trị bằng levothyroxine và nên ngừng sau 6 - 9 tháng để đánh giá lại tình trạng tuyến giáp.
BS. Nguyễn Kim Dung