Hà Nội

Điều trị viêm tiểu phế quản cho trẻ, thuốc nào?

23-10-2019 06:14 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Con tôi 4 tuổi, gần đây cháu thường bị ho (ngày càng nặng hơn), chảy nước mũi trong, thở khó, thở rít, khò khè, sốt 38,5 độ.

Mỗi lần cháu ho và thở tôi thấy cháu rút lõm lồng ngực. Tôi không biết phải dùng thuốc nào để cháu nhanh khỏi. Mong được tư vấn. Tôi cảm ơn!

Lê Thị Nương (Yên Bái)

Theo thư chị mô tả, cháu có nhiều dấu hiệu của bệnh viêm tiểu phế quản (VTPQ). Bệnh xảy ra khi virut, đứng hàng đầu là virut hợp bào hô hấp thâm nhập vào hệ thống hô hấp và đến các tiểu phế quản, ống nhỏ nhất của đường hô hấp từ phân nhánh ra khỏi hai ống thở chính (phế quản) trong phổi. Nhiễm virut làm cho phế quản bị sưng phù và bị viêm. VTPQ cũng có thể gây ra bởi các tác nhân nhiễm trùng khác, bao gồm virut gây bệnh cúm hoặc cảm lạnh thông thường.

Điều trị viêm tiểu phế quản cho trẻ, thuốc nào?Trẻ bị viêm tiểu phế quản cần được khám bác sĩ chuyên khoa và điều trị.

Khi bị VTPQ sẽ thấy trẻ có những dấu hiệu như ho, chảy nước mũi trong, sốt vừa hoặc cao. Sau từ 3- 5 ngày thì trẻ ho ngày một nhiều, xuất hiện thở khó, thở rít, xuất hiện các cơn co kéo hô hấp, lồng ngực bị rút lõm, trẻ thở rên. Những trường hợp nặng thì tím tái, bỏ bú, thậm chí ngừng thở. Bệnh có triệu chứng tương tự hen suyễn. Trẻ bị VTPQ sẽ là yếu tố gây bệnh hen phế quản sau này.

Việc quan trọng trong điều trị VTPQ cho trẻ là cần giải phóng chất nhầy để làm thông thoáng đường thở cho trẻ. Đối với các thể VTPQ thông thường, không có suy hô hấp thì ngay khi vào viện các bác sĩ sẽ tiến hành hút thông đường thở, giải phóng các chất xuất tiết. Dùng khí dung ẩm, thuốc giãn phế quản có tác dụng nhanh như ventolin, bricanyl, salbutamol. Kết hợp với lý liệu pháp hô hấp, vỗ rung, hút đờm. Những trẻ sốt cao, nôn, thở nhanh phải bù đủ dịch và điện giải theo nhu cầu cơ thể trẻ. Lưu ý: thuốc kháng sinh không có tác dụng trong trường hợp VTPQ do virut gây nên. Chỉ sử dụng kháng sinh (benzyl penicillin, amoxycilin hoặc các kháng sinh khác) khi có biểu hiện bội nhiễm. Đồng thời, nếu bé sốt cao trên 38,5 độ thì có thể cho uống hạ sốt. Đối với trường hợp nặng có suy hô hấp thì phải được điều trị tại bệnh viện.

Chị nên đưa con đi khám chuyên khoa hô hấp để có phác đồ điều trị cụ thể và dùng thuốc theo đúng chỉ định, bệnh sẽ nhanh khỏi và không tái phát.


DS. Yến Trang
Ý kiến của bạn