(SKDS) – Thời gian qua tôi hay bị ngứa ở vùng kín, ra nhiều dịch tiết trắng đục và có mùi hôi tanh. Tôi rất ngại gần gũi với chồng vì bị đau rát. Xin hỏi có phải tôi bị viêm âm đạo không và có thuốc gì để chữa?
Trần Ngọc A (Hà Nội)
Theo như bạn miêu tả thì có thể bạn đã bị viêm âm hộ âm đạo (VAHAD). Đây là tình trạng viêm các bộ phận sinh dục ngoài của nữ. Tình trạng này thường do vi trùng, vi nấm hoặc ký sinh trùng gây nên. Ngoài ra, VAHAD còn do lượng estrogen thấp (viêm teo âm đạo) hoặc do đáp ứng dị ứng hoặc kích ứng với các chất như kem diệt tinh trùng, bao cao su, xà phòng hoặc tắm bồn với sữa tắm. Việc dùng kháng sinh bừa bãi cũng gây loạn khuẩn và gây ra sự bùng phát của nấm Candida.
Ảnh minh họa (nguồn Internet). |
Tùy thuộc vào nguyên nhân mà bác sĩ chuyên khoa sẽ có phác đồ điều trị thích hợp. Ví dụ như VAHAD do vi khuẩn cần được điều trị mỗi ngày bằng metronidazole hoặc clindamycin; VAHAD do Trichomonas được điều trị bằng metronidazole liều cao uống một lần duy nhất hoặc liều trung bình uống ngày 2 lần liên tục một tuần. Bạn tình của bệnh nhân cũng cần được điều trị cùng lúc để tránh lây lan trở lại; VAHAD do Candida thường được điều trị bằng các loại thuốc dưới dạng gel, kem hoặc thuốc đạn đặt trực tiếp vào âm đạo. Các thuốc kháng nấm thường dùng để trị VAHAD do Candida bao gồm fluconazole đường uống, butoconazole, clotrimazole, miconazole và ticonazole. Thuốc sẽ có hiệu quả sau vài ngày. Phụ nữ nhiễm Candida đã tái phát nhiều lần cần được điều trị trong nhiều tuần, kết hợp với điều trị phòng ngừa dài hạn.
Ngoài việc dùng thuốc điều trị, cần tập trung vào việc tái tạo lại môi trường cân bằng về vi khuẩn bình thường của âm đạo. Lactobacillus acidophilus và L. bifidus được khuyên dùng. Có thể dùng đường uống hoặc bơm trực tiếp vào âm đạo. Bơm thụt rửa âm đạo bằng acid boric có thể giúp acid hóa âm đạo để ngăn chặn sự phát triển của những vi khuẩn gây bệnh. Đối với trường hợp viêm teo niêm mạc âm đạo, đặc biệt ở phụ nữ mãn kinh, dùng kem có chứa progesterone thoa tại chỗ có thể giảm bớt các triệu chứng.
Thay đổi chế độ ăn và bổ sung thêm chất dinh dưỡng cũng có thể giúp ích cho việc điều trị VAHAD. Các vitamin chống ôxy hóa bao gồm A, C, E, và các vitamin nhóm B, vitamin D, được khuyên dùng. Nên mặc quần lót rộng rãi bằng vải cotton cho âm hộ - âm đạo được khô ráo, giúp phòng tránh một số thể VAHAD.
Tuy nhiên, để điều trị VAHAD do bất kỳ nguyên nhân nào cũng cần phải có bác sĩ chuyên khoa quyết định. Không nên dùng các thuốc bán không cần toa vì dễ gây kháng thuốc và làm cho chẩn đoán gặp nhiều khó khăn về sau.
BS. Đồng Ngọc Khanh