Tuy nhiên, nhiều người còn chủ quan đối với bệnh này và chưa nắm được nhiều thông tin về bệnh. Đồng thời, với thói quen sử dụng thuốc tùy tiện làm bệnh không khỏi mà còn gây nguy hiểm...
Dấu hiệu và cách nhận biết
Viêm nhiễm phụ khoa dùng để chỉ tình trạng viêm nhiễm ở âm hộ, âm đạo và các phần phụ, vùng xung quanh bộ phận sinh dục nữ. Bệnh có thể xảy ra ở phụ nữ đã lập gia đình hoặc đã có quan hệ tình dục và cả những người chưa có quan hệ tình dục.
Viêm nhiễm phụ khoa cần được điều trị kịp thời, không chỉ để giảm sự khó chịu mà còn ngăn ngừa các biến chứng hay bệnh lý nghiêm trọng hơn có thể xảy ra ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe sinh sản. Một số triệu chứng dễ nhận thấy khi bị viêm nhiễm phụ khoa như: Vùng kín ngứa rát; huyết trắng ra nhiều, huyết trắng có mùi hôi tanh, có màu hoặc tính chất bất thường (trắng, bột như bã đậu hoặc dính, đặc); vùng kín đau, rát, đặc biệt khi quan hệ tình dục; đau bụng dữ dội khi hành kinh; chảy máu âm đạo... Một số có thể gây sốt, mệt mỏi, đau lưng hoặc tiểu đau, tiểu buốt, mụn nước ở vùng kín. Nếu gặp các triệu chứng trên, chị em cần đi khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.
Khi dùng thuốc, cần sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Ảnh: TM
Các thuốc điều trị viêm nhiễm phụ khoa thường gặp
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra viêm nhiễm phụ khoa là do virut, vi khuẩn, nấm, kí sinh trùng hay do nguyên nhân không nhiễm khuẩn mà các bác sĩ sẽ có thuốc điều trị phù hợp.
Thuốc kháng sinh: Nếu nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn thì các bác sĩ sẽ kê đơn kháng sinh cho bệnh nhân. Kháng sinh có thể được lựa chọn dựa trên kinh nghiệm hoặc dựa trên vi khuẩn được phân lập. Bệnh nhân cần lưu ý dùng thuốc đúng và đủ liệu trình, không tự ý dừng khi thấy đã hết triệu chứng. Bác sĩ có thể phối hợp cả dạng uống và dạng bôi ngoài. Các kháng sinh thường dùng như metronidazole, tinidazole, clindamycin,... Kháng sinh metronidazole hoặc tinidazole cũng được chỉ định đối với nhiễm trùng roi sinh dục. Thuốc có thể gây chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy và vị kim loại ở miệng. Thuốc còn có tác dụng phụ trên thần kinh gây chóng mặt, đau đầu. Cần lưu ý không uống rượu trong thời gian dùng thuốc và 2 - 3 ngày sau khi ngừng thuốc vì dễ gặp phải hội chứng cai rượu do thuốc.
Thuốc kháng nấm: Nấm âm đạo là bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa thường gặp nhất, gây ra bởi một loại nấm tên là Candida. Trong trường hợp này bác sĩ sẽ kê đơn cho bệnh nhân các loại thuốc chống nấm dạng bôi hoặc đặt âm đạo như clotrimazole, miconazole hoặc dạng uống như fluconazole. Đối với dạng bôi hoặc viên đặt âm đạo, dùng thuốc vào buổi tối trước khi đi ngủ. Dạng dùng tại chỗ này ít gây tác dụng phụ toàn thân. Các tác dụng phụ có thể gặp gồm ngứa, kích ứng, cảm giác nóng bừng. Fluconazole đường uống thường chỉ dùng một liều duy nhất, có thể uống liều thứ hai sau 72 giờ đối với bệnh nhân có bệnh nền, nhiễm nấm tái phát hoặc có triệu chứng nặng. Thận trọng đối với bệnh nhân có bệnh gan, thận, phụ nữ có thai và cho con bú. Thuốc có thể gây chóng mặt, co giật do đó thận trọng khi lái xe hay vận hành máy móc. Ngưng sử dụng nếu xuất hiện ban da, bỏng nước trên da.
Thuốc kháng virut: Loại virut gây viêm nhiễm phụ khoa thường gặp là virut Herpes simplex sinh dục. Bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc kháng virut như acyclovir, famciclovir, valacyclovir để điều trị. Các thuốc này được dùng đường uống. Các tác dụng phụ thường gặp là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, đau đầu nhẹ. Thuốc có tính an toàn cao, ít gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Trong số các thuốc trên, acyclovir là loại thuốc được kê đơn nhiều nhất, nhưng thuốc này có sinh khả dụng thấp và thời gian bán thải ngắn, nên thường phải dùng liều khá cao và dùng lặp lại nhiều lần trong ngày.
Trong một số trường hợp bác sĩ sẽ kê đơn các biệt dược phối hợp cả kháng sinh và kháng nấm. Các thành phần thường gặp trong các loại biệt dược này bao gồm neomycin là kháng sinh, nystatin là kháng nấm và metronidazole là một kháng sinh có thể điều trị trùng roi. Một số thuốc sẽ có thêm thành phần chống viêm là prednisolone. Thuốc này được dùng khi chưa xét nghiệm phân biệt hoặc nghi ngờ bội nhiễm.
Đối với viêm âm đạo không nhiễm trùng, cần phải xác định nguồn gây kích ứng như xà phòng, bột giặt, giấy vệ sinh, băng vệ sinh, dung dịch vệ sinh, sau đó ngưng sử dụng.
Bệnh thường lành tính nhưng có thể tái phát nhiều lần trong năm, cần điều trị đúng, đủ và càng sớm càng tốt. Để điều trị đạt hiệu quả, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ, dùng thuốc đủ liệu trình và có chế độ ăn uống, vệ sinh phù hợp. Bên cạnh đó, cần hạn chế quan hệ tình dục trong thời gian điều trị và kết hợp điều trị cho cả chồng bởi vì bệnh có thể lây nhiễm qua đường tình dục.