Điều trị viêm nang lông bằng y học cổ truyền

SKĐS - Nang lông là phần lõm sâu của thượng bì, chứa sợi lông và tiếp cận với tuyến bã. Nang lông ở rải rác khắp người, trừ lòng bàn tay chân. Nang lông là cửa ngõ cho rất nhiều vi khuẩn thâm nhập.

Viêm nang lông thường khu trú ở những vùng nhiều lông. Tuyến bã đổ vào nang và ống lông, khi bị tắc dễ bị áp xe do tụ cầu. Viêm nang lông mạn tính ít gặp, trừ trường hợp trứng cá bọc trong đó có nhiễm khuẩn Propriobacterium acnes.

Viêm nang lông bao gồm những mụn mủ nhỏ, nhọn đỉnh, khu trú ở nang lông do tụ cầu hoặc nấm trichophyton gây bệnh.

Theo y học cổ truyền (YHCT), viêm nang lông do hỏa độc, nhiệt độc gây nên. Biểu hiện ra bì phu, tấu lý những khối sưng, nóng, đỏ, đau. Một số trường hợp hay tái phát do tình trạng cơ địa dị ứng nhiễm trùng YHCT gọi là cơ địa huyết nhiệt.

Tất cả các loại viêm nang lông do các nguyên nhân khác nhau nhưng trong quá trình của mụn mọc thì hiện tượng sưng, đau, làm mủ và ngứa là những chứng trạng phải có:

Sưng: Do khí huyết đọng trệ gây sưng đau; những tình trạng màu sắc của chỗ sưng khác nhau thể hiện tính chất của bệnh.

- Sưng tản mạn bệnh thuộc hư.

- Sưng cao đột ngột bệnh thuộc hư.

- Sưng đỏ, nóng rực, cứng ngắc bệnh thuộc hỏa.

- Sưng chỗ da màu xanh tối, cứng như gỗ bệnh thuộc hàn.

- Sưng tại chỗ da thịt nặng trĩu, cố định một nơi bệnh thuộc thấp.

- Sưng nổi phồng, ngứa, hay lan nhanh bệnh thuộc phong.

- Sưng mền nhũn, không đỏ, không nóng, màu sắc da không đổi bệnh thuộc đàm.

- Sưng sắc hồng tía hoặc xanh bầm bệnh do ứ huyết.

Điều trị viêm nang lông bằng y học cổ truyềnKé đầu ngựa

Đau: Do khí huyết không lưu thông gây đau. Tùy theo nguyên nhân tính chất đau cũng khác nhau.

- Đau thuộc hư chịu nắn.

- Đau thuộc thực chối nắn.

- Đau thuộc hàn thì tụ lại, đau buốt.

- Đau thuộc nhiệt da mưng đỏ, đau nhức nhối làm mủ.

- Đau thuộc phong đau chạy khắp người rất nhanh, kèm ngứa nhiều.

Làm mủ: do khí huyết suy kém không đẩy được độc ra ngoài, hóa sinh ra mủ, độc khí theo mủ mà tiết ra.

Chẩn đoán viêm nang lông theo YHCT

- Giai đoạn viêm nhiễm:

Tại chỗ sưng, nóng, đỏ, đau, và ngứa có thể một hoặc vài mụn mọc thành đám.

Toàn thân: sốt, mạch nhanh, rêu lưỡi trắng dầy, có thể kèm tiểu tiện ngắn đỏ, táo bón.

- Giai đoạn hóa mủ:

- Giai đoạn viêm sưng, đỏ, đau, nếu không điều trị sẽ thành ổ mủ, sưng đau nhức nhối.

Toàn thân mệt mỏi, ăn kém, đau nhức làm mất ngủ.

- Giai đoạn đã vỡ mủ:  Mủ chảy ra màu trắng đục hoặc màu vàng, tanh hôi. Sau khô dần để lại vảy tiết nhỏ, bong đi sau vài ngày không để lại sẹo.Có thể nhiều mụn mủ đứng san sát với nhau, song vẫn riêng rẽ.Vảy của chúng tạo thành đám màu vàng nâu.

- YHCT có tên gọi viêm nang lông là chứng sang, ung, thư để phân loại tổn thương và điều trị.

Điều trị bằng YHCT

- Giai đoạn viêm nhiễm: pháp trị: thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết tiêu viêm.

Bài 1: thuốc đắp tại chỗ: lá cúc hoa trắng giã nát với muối đắp vào mụn nhọt.

Bài 2: Thuốc uống kinh giới 8g, cam thảo dây 8g, kim ngân 20g, đỗ đen sao 40g; ké đầu ngựa 16g; cỏ xước 12g; thổ phục linh 12g; liên kiều 12g.

Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 3: Giải thử thang gia giảm

Thạch cao 8g; đạm trúc diệp 12g; kim ngân 12g; xích thược 12g; liên kiều 12g; lá sen 16g.

Nếu sốt cao gia thêm hoàng liên 12g, hoàng cầm 12g, chi tử 12g. Tiểu sẻn đỏ (tiểu đỏ và gắt) thêm sa tiền tử 12g. Táo bón thêm đại hoàng 4g; làm thành 1 thang sắc uống

Châm cứu: huyệt: Ôn lưu, Hạ cự hư, Hợp cốc và các a thị huyệt xung quanh mụn.

Hoặc dùng tỏi thái mỏng đặt lên đỉnh của mụn, cứu mồi ngải liên tục 5 - 10 mồi.

- Giai đoạn hóa mủ:

Pháp trị: thác độc bài nùng (đưa độc ra ngoài, trừ mủ).

Bài 1: thuốc đắp cho phá mủ.

- Đất lòng bếp, cây móng tay, củ chuối hột giã nát với muối đắp xung quanh

- Hoặc lấy quả cà hoang chín mùi nghiền nát vắt lấy nước, trộn với măng tre xanh 5 cái nhỏ, nấu thành cao trét vào giấy dán ung nhọt sẽ tiêu ngay.

- Hoặc củ ráy ngứa, lá sầu đâu, nghệ già, ít muối giã nát đắp vào mụn.

Bài 2: thuốc rửa: lá trầu không, lá kinh giới hoặc lá sầu đâu nấu lấy nước rửa

Bài 3: Thuốc uống làm thành 1 thang sắc uống.

Kim ngân hoa 20g; hoàng cầm 12g; liên kiều 12g; gai bồ kết 12g; trần bì 6g; bồ công anh 16g; bối mẫu 8g; cam thảo 4g.

Không châm cứu.

- Giai đoạn đã vỡ mủ:

Pháp trị: Khử mủ sinh cơ ( làm mất các tổ chức hoại tử, làm mau mọc tổ chức hạt).

Bài 1: thuốc đắp: lá canh trâu, lá lốt, lá đuôi chồn, lá cải hôi, lá mã đề, lá nghệ hoặc nghệ củ giã nát đắp vào mụn.

Bài 2: Bát trân thang gia giảm làm thành 1 thang sắc uống.

Đảng sâm 12g; thục điạ 12g; bạch truật 12g; bạch thược 8g; bạch linh 8g; đương quy 12g; cam thảo 6g; hoàng kỳ 12g; đại táo 12g.

Chống tái phát: do cơ địa huyết nhiệt.

Pháp trị: thanh nhiệt lương huyết phối hợp với thanh nhiệt giải độc.

Bài thuốc: làm thành 1 thang sắc uống.

Sinh địa 12g; huyền sâm 12g; địa cốt bì 12g; sài đất 16g; kim ngân 12g; bồ công anh 12g; cam thảo dây 8g; thổ phục linh 12g.

Lưu ý: Người bệnh cần được thăm khám tại cơ sở y tế để được điều trị thích hợp. Không nên tự ý điều trị.


BS. TRƯƠNG MINH HỮU HẠNH
Ý kiến của bạn