Điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em

02-04-2023 14:00 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Viêm mũi dị ứng là là bệnh lý rất thường gặp ở trẻ em và người lớn. Bệnh có thể xảy ra quanh năm, nhưng mùa xuân có thể bệnh phát triển nhiều hơn do các yếu tố nguy cơ cao hơn: Không khí quá ẩm thấp khiến nấm mốc dễ phát triển; mùa của các loài hoa nở rộ, phấn hoa phát tán..

1. Triệu chứng gợi ý bé bị viêm mũi dị ứng

  • Sung huyết mũi mạn tính.
  • Miệng mở (do hay phải thở bằng miệng), thiểu sản mặt giữa (nhỏ)
  • Xuất hiện nếp gấp sống mũi do hay chà xát mũi.
  • Giảm khứu giác và vị giác khiến bé biếng ăn.
  • Niêm mạc mũi đổi sang màu tím.

Điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em - Ảnh 1.

Các yếu tố nguy cơ gây viêm mũi dị ứng.

2. Yếu tố thúc đẩy viêm mũi dị ứng

  • Gia đình có người bị dị ứng.
  • Mẹ nghiện thuốc lá khi mang thai hoặc trẻ hít thuốc lá thụ động nhiều.
  • Sinh trong mùa nở hoa có nhiều phấn hoa. Phấn hoa có nhiều trong không khí nếu trong mùa sinh trưởng của cây.
  • Viêm da cơ địa.
  • Nhà nuôi nhiều động vật, thú cưng.
  • Mạt nhà và nấm mốc trên tường.

3. Điều trị cho trẻ bị viêm mũi dị ứng thế nào?

Khi trẻ có dấu hiệu bị viêm mũi dị ứng, không nên tự ý cho trẻ uống thuốc mà cần đưa trẻ đi khám tại chuyên khoa tai mũi họng để có biện pháp điều trị hợp lý.

Hiện nay vẫn chưa có biện pháp nào để điều trị khỏi hoàn toàn viêm mũi dị ứng. Mục tiêu điều trị là kiểm soát các triệu chứng, làm giảm triệu chứng xuống mức tối thiểu. Điều trị bao gồm dùng thuốc, vệ sinh môi trường.

Việc dùng thuốc phải do bác sĩ chỉ định để vừa hiệu quả vừa giảm thiểu tác dụng phụ. Thuốc điều trị viêm mũi dị ứng thường dùng qua các đường uống và dùng tại chỗ.

Thuốc uống

Nhóm thuốc kháng histamin như clorpheniramin, loratadin, cetirizin giúp làm giảm triệu chứng ngứa mũi, nhảy mũi, sổ mũi, chảy nước mắt nhưng không có tác dụng đối với nghẹt mũi.

Thuốc corticoid như prednison, prednisolon, dexamethason… chỉ dùng khi bị viêm mũi xoang nặng và mạn tính. Chỉ được dùng khi có chỉ định và theo dõi của bác sĩ

Kháng sinh được bác sĩ chỉ định khi có bội nhiễm vi khuẩn, viêm xoang.

Điều trị viêm mũi dị ứng ở trẻ em - Ảnh 3.

Khi bị viêm mũi dị ứng, trẻ sẽ bị hắt hơi, sổ mũi rất nhiều.

Thuốc dùng tại chỗ

Trước hết nên dùng thuốc nhỏ mũi NaCl 0,9%, hoặc dạng phun xịt vệ sinh giúp thông, sạch mũi. Loại thuốc này có thể sử dụng hàng ngày, lâu dài cho trẻ em.

Các thuốc có tác dụng thông mũi nhanh như naphazolin, oxymetazolin... không nên dùng cho trẻ khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Ở một số trường hợp, bác sĩ có thể kê thuốc có thành phần glucocorticoid xịt mũi như flixonase, nasacort, becotide để điều trị viêm mũi dị ứng. Thuốc dùng tại chỗ tuy ít tác dụng toàn thân hơn so với đường uống, tuy nhiên nếu dùng kéo dài, lạm dụng thuốc cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nguy hiểm như glucocorticoid đường uống. Vì thế chỉ nên sử dụng theo đúng hướng dẫn.

Trong môi trường sống của trẻ phải luôn sạch sẽ, không cho trẻ tiếp xúc vật nuôi (chó, mèo,…), hoa, khói bụi, thuốc lá, tường ẩm mốc…

Hạn chế cho bé mặc quần áo, đồ dùng làm từ len, nilon, tốt nhất là lựa chọn chất liệu cotton...

Mời độc giả xem thêm video:

Thừa cân ảnh hưởng thế nào đến đầu gối- - SKĐS

ThS.Nguyễn Minh Hiền
Ý kiến của bạn