1. Viêm khớp thái dương hàm là gì?
Khớp thái dương hàm là một thành phần của bộ máy nhai. Khớp thái dương hàm là khớp động duy nhất của phần sọ mặt, bao gồm diện khớp của xương hàm dưới và diện khớp của xương thái dương, cùng các thành phần khác như bao khớp, dây chằng khớp, đĩa khớp, mô sau đĩa. Khớp thái dương hàm cùng với hệ thống cơ nhai, răng là 3 bộ phận hoạt động nhịp nhàng, có vai trò quan trọng, giúp cho hàm đóng, mở để thực hiện các hoạt động như ăn, nói, nuốt...
Nếu một trong ba thành phần này bị mất ổn định sẽ dẫn tới rối loạn hoạt động hài hòa của bộ máy nhai. Hậu quả là rối loạn chức năng thái dương hàm và các cơ mặt xung quanh; làm mất cân bằng khớp nối giữa xương hàm và xương sọ, gây đau. Chức năng của khớp thái dương hàm bị suy giảm làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Viêm khớp thái dương hàm là một bệnh khá phổ biến, gặp ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên thường gặp ở nữ, đặc biệt là nữ ở độ tuổi dậy thì hoặc mãn kinh có tỉ lệ mắc cao hơn.
1. Nguyên nhân và triệu chứng viêm khớp thái dương hàm
Có nhiều nguyên nhân gây viêm khớp thái dương hàm, như: Viêm khớp sau nhiễm khuẩn, viêm khớp sau chấn thương cấp, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, hoặc viêm/thoái hóa thứ phát khớp thái dương hàm.
Viêm khớp thái dương hàm tùy theo nguyên nhân mà có những biểu hiện khác nhau.
Các biểu hiện của viêm khớp thái dương hàm dễ nhận thấy là:
- Đau ở vùng trước nắp tai
- Đau vùng má, thái dương
- Đau đầu
- Tiếng lục cục khớp khi há miệng
- Đau tăng lên khi vận động khớp như nhai, há miệng, nghiến răng
- Hạn chế động tác há miệng, động tác nhai cũng như đưa hàm sang hai bên.
- Một số bệnh nhân có thể có các dấu hiệu đau vai gáy, đau tai, đau mắt và có thể đi khám nhầm ở các chuyên khoa này.
Các triệu chứng này gặp với các mức độ đau khác nhau. Ở các mức độ đau vừa và nặng sẽ ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Ngoài ra còn có các triệu chứng khác của bệnh chính như sốt, sưng đau tại chỗ kèm hội chứng nhiễm khuẩn khi bị viêm khớp nhiễm khuẩn, hoặc bệnh cảnh chung của viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp...
Chính vì vậy điều trị viêm khớp thái dương hàm tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
3. Viêm khớp thái dương hàm để lại hậu quả gì?
Tình trạng đau vùng cơ nhai, sưng nề viêm khớp kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, dẫn đến ăn không ngon miệng, ngại ăn. Quá trình này kéo dài còn có thể dẫn tới thoái hóa khớp dẫn đến tiêu xương chỏm lồi cầu, mòn bề mặt khớp, dính lồi cầu vào hõm chảo gây khó hoặc không há được miệng.
Quá trình viêm nếu đĩa đệm bị trật khỏi vị trí lâu dài dẫn tới teo đĩa đệm, thoái hóa khớp và dính khớp.
Biến chứng nặng nề và nguy hiểm nhất có thể xảy ra là thủng đĩa khớp. Giai đoạn này nếu không được điều trị triệt để sẽ làm phá hủy đầu xương và xơ cứng khớp, bệnh nhân không thể há được miệng.
4. Điều trị viêm khớp thái dương hàm như thế nào?
4.1 Điều trị chung:
Nhìn chung, để giảm đau khớp và đau các cơ, bệnh nhân sẽ được chỉ định một số thuốc như: Thuốc giảm đau acetaminophen, các thuốc chống viêm giảm đau không steroid (NSAID) như: Meloxicam, diclofenac; các thuốc kháng viêm corticoid; thuốc giãn cơ eperisone...
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm các phương pháp vật lý trị liệu như chiếu tia hồng ngoại, xoa bóp cơ, chườm nóng để tăng hiệu quả điều trị.
Nếu các tác nhân răng hàm mặt là nguyên nhân gây bệnh, người bệnh sẽ được điều trị bằng các phương pháp chỉnh hình như niềng răng, nhổ bỏ răng, điều chỉnh khớp cắn, phục hình thẩm mỹ răng hoặc phẫu thuật xương ổ răng...
Nếu người bệnh đáp ứng tốt với điều trị thì bệnh có thể khỏi sau vài ngày, tuy nhiên các trường hợp bệnh nặng, nguyên nhân phức tạp quá trình điều trị có thể kéo dài cả năm, đôi khi phải sống chung với bệnh suốt đời.
Với các trường hợp đã có thoái hóa khớp nặng, dính khớp, bệnh nhân có thể được điều trị phẫu thuật tại khớp, nội soi khớp.
4.2 Điều trị viêm khớp thái dương hàm theo nguyên nhân gây bệnh
- Viêm khớp thái dương hàm nhiễm khuẩn: Dùng kháng sinh thích hợp như penicillin G, oxacillin hoặc các cephalosporin thế hệ 1, 2, 3.
Tốt nhất là lấy bệnh phẩm viêm nuôi cấy tìm vi khuẩn, làm kháng sinh đồ và chọn thuốc theo kháng sinh đồ để điều trị mang lại hiệu quả cao nhất, tránh vi khuẩn kháng thuốc.
Ngoài kháng sinh, cần kết hợp thuốc chống viêm non steroid như aspirin, diclofenac, meloxicam... Uống kèm thuốc giảm đau đơn thuần như paracetamol hoặc paracetamol + codein khi đau nhiều.
Hút hoặc chích dẫn lưu rửa sạch mủ nếu có.
Hạn chế cử động khớp.
Khi đã kiểm soát được tình trạng nhiễm khuẩn thì bệnh nhân cần có các bài tập phục hồi thích hợp để tránh hạn chế vận động khớp sau này.
Lưu ý với việc sử dụng kháng sinh cần tuân theo hàm lượng cũng như thời gian điều điều trị để tránh nhiễm khuẩn tái phát, tránh vi khuẩn kháng kháng sinh, dẫn đến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
- Viêm khớp thái dương hàm sau chấn thương cấp: Thường gặp trong trường hợp sau nhổ răng khó, đặc biệt các răng hàm số 7, 8; sau đặt nội khí quản (hiếm gặp) cần điều trị bằng chống viêm non steroid như trên với đường toàn thân uống hoặc tiêm bắp, hoặc chế phẩm dạng gel bôi tại chỗ.
Có thể kết hợp giảm đau bằng chườm nóng hoặc chườm lạnh tại chỗ. Để giảm đau thì uống thuốc paracetamol hoặc paracetamol + codein. Ngoài ra lưu ý hạn chế vận động hàm trong thời gian đau.
- Thoái hóa khớp thái dương hàm: Có thể nằm trong bệnh cảnh thoái hóa khớp nói chung và thường gặp ở những người trên 50 tuổi. Hay gặp thoái hóa cả hai bên. Điều trị triệu chứng như điều trị viêm khớp sau chấn thương cấp.
Ngoài ra có thể kết hợp các thuốc điều trị thoái hóa khớp tác dụng chậm như glucosamin, chondroitin sulfat hoặc tiêm corticoid (hydrocortison acetat, methyl prednisolon acetat) tại chỗ. Lưu ý chỉ định tiêm rất thận trọng bởi bác sĩ chuyên khoa khớp và thực hiện trong điều kiện tuyệt đối vô khuẩn, tránh tiêm nhắc lại nhiều lần. Biến chứng có thể gặp khi tiêm khớp thái dương hàm là liệt mặt nếu tiêm vào dây thần kinh số V.
- Viêm khớp thái dương hàm do bệnh viêm khớp dạng thấp: Có thể gặp ở trên 50% bệnh nhân viêm khớp dạng thấp. Mức độ tổn thương có thể từ nhẹ, ít đau nên bệnh nhân thường bỏ qua đến đau nặng - là triệu chứng làm bệnh nhân chú ý nhiều.
Khớp thái dương hàm thường là khớp sau cùng bị tổn thương, sau các viêm ở khớp nhỏ - nhỡ bàn cổ tay, khớp khuỷu, khớp gối trong bệnh viêm khớp dạng thấp... Trong trường hợp này, cần điều trị bệnh nằm trong điều trị bệnh cảnh viêm khớp dạng thấp nói chung.
Thuốc bao gồm thuốc điều trị triệu chứng như chống viêm không steroid (aspirin, diclofenac...) hoặc chống viêm corticoid (prednisolon, hydrocortison...) đường toàn thân; thuốc giảm đau paracetamol; thuốc điều trị cơ bản (nhóm thuốc chống thấp khớp có thể thay đổi cơ địa) như chloroquin, methotrexat, salazopirin, entanercept... thường dùng phối hợp từ 2-3 thuốc hoặc hơn. Có thể điều trị tại chỗ trong trường hợp viêm nặng bằng cách tiêm corticoid vào khớp thái dương hàm.
Lưu ý các bài tập chức năng vận động khớp thích hợp. Phẫu thuật chỉ định khi có viêm dính khớp làm bệnh nhân không há miệng được.
- Viêm/thoái hóa thứ phát khớp thái dương hàm: Thường gặp sau chấn thương mạn tính hoặc sau hội chứng rối loạn chức năng khớp thái dương hàm (hay còn gọi là hội chứng loạn chức năng đau cơ mạc). Hội chứng này thường gặp ở những người từ 20 đến 40 tuổi, nữ giới thường gặp hơn. Nguyên nhân rất phức tạp, bao gồm các bệnh lý liên quan đến hệ thống nhai như hệ cơ, dây chằng, xương (xương hàm trên, dưới và xương thái dương), răng và khớp thái dương hàm. Trạng thái stress thường xuyên, tật nghiến răng cũng là những nguyên nhân phối hợp.
Nếu hội chứng trên tồn tại dai dẳng thì hậu quả sẽ dẫn đến tình trạng viêm, thoái hóa thứ phát khớp thái dương hàm. Thường khớp thái dương hàm bị tổn thương một bên, đây là triệu chứng quan trọng để phân biệt với thoái hóa nguyên phát khớp thái dương hàm thường gặp ở cả hai bên.
Điều trị tùy theo từng trường hợp cụ thể mà có thể lựa chọn dùng liệu pháp tâm lý, phục hồi chức năng hỗ trợ (đeo máng cắn), dùng thuốc hay phẫu thuật. Thậm chí là cần phối hợp tất cả các biện pháp trên.
Thuốc điều trị bao gồm thuốc an thần giải lo âu như diazepam, dogmatil; thuốc giãn cơ như mydocalm, myonal; thuốc chống viêm không steroid như aspirin, diclofenac... dùng đường toàn thân.
Corticoid tiêm tại chỗ khớp thái dương hàm làm giảm đau khá tốt. Đặc biệt với bệnh này, việc phối hợp điều trị phối hợp với các chuyên khoa răng hàm mặt, tâm thần là cần thiết để bệnh mau khỏi.
Biện pháp phòng và điều trị tích cực hội chứng rối loạn chức năng khớp thái dương hàm là biện pháp phòng hiệu quả bệnh viêm/thoái hóa thứ phát khớp thái dương hàm.
5. Lưu ý chung khi dùng thuốc
Nhìn chung, điều trị viêm khớp thái dương hàm phải dùng thuốc đặc trị theo nguyên nhân gây bệnh. Các thuốc này bác sĩ chỉ định cho từng bệnh nhân cụ thể.
Tuy nhiên có một nhóm thuốc chung, đó là thuốc giảm đau paracetamol, thuốc chống viêm giảm đau không steroid được chỉ định ở hầu hết các trường hợp mắc bệnh.
- Paracetamol hoặc paracetamol + codein tuy là thuốc khá an toàn khi sử dụng đúng liều, đúng chỉ định. Tuy nhiên, do viêm khớp thái dương hàm thường gây đau rất khó chịu. Đặc biệt là ảnh hưởng đến chức năng há miệng, nhai... Do đó bệnh nhân có xu hướng lạm dụng thuốc giảm đau. Hơn nữa, việc điều trị bệnh có thể mất thời gian dài (tùy theo tình trạng bệnh), nên việc dùng thuốc giảm đau nhóm này trong thời gian dài cũng gây hại.
Việc lạm dụng thuốc liều cao hơn chỉ định, dùng trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến chức năng gan, rất nguy hiểm, nhất là đối với thuốc paracetamol + codein còn gây lệ thuộc thuốc. Do đó bệnh nhân cần hết sức cẩn trọng, nên tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ.
- Các thuốc giảm đau, kháng viêm nhóm không steroid thường giúp giảm viêm, đau nhanh, nhưng tác dụng phụ thường gặp là gây viêm, loét, xuất huyết tiêu hóa. Do đó thuốc này cần được sử dụng sau khi ăn no hoặc có thể sử dụng kèm thuốc giảm tăng tiết acid dạ dày để hạn chế tác dụng phụ của thuốc.
Để đề phòng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp thái dương hàm, nên hạn chế ăn các thức ăn quá cứng hoặc quá dai. Tránh các thói quen xấu như nghiến răng, cắn chặt răng, cắn móng tay, chống cằm. Chỉnh nha, phục hồi răng nếu khớp cắn bị lệch, răng chen chúc, xô đẩy hoặc mất răng. Khi có stress nên áp dụng các hình thức thư giãn, giải trí phù hợp.
Mời độc giả xem thêm video:
5 nguyên nhân chỉnh nha thất bại.