Trên thực tế, nhiều bệnh nhân khi biết mình bị viêm gan virút C thường vô cùng đau khổ, thậm chí là suy sụp tinh thần. Tuy nhiên, sự ra đời thế hệ thuốc kháng virút tác động trực tiếp, đã đem lại cho bệnh nhân viêm gan virút C thêm nhiều hy vọng với tỉ lệ điều trị khỏi bệnh lên đến 70%.
Viêm gan virút C nguy hiểm không kém viêm gan virút B
Viêm gan virút C là bệnh truyền nhiễm do virút viêm gan C (Hepatitis C) gây nên và làm tổn hại đến gan. Virút này lưu hành trong máu, do vậy việc lây nhiễm chủ yếu là qua đường máu, một vài trường hợp viêm gan virút C cũng lây truyền qua đường tình dục. Theo thống kê, hiện có khoảng 5% dân số nước ta (khoảng 4,5 triệu người) đang mang virút viêm gan C trong cơ thể và con số này sẽ vẫn tiếp tục gia tăng. Trong số đó, có khoảng 30% người bệnh đã tiến triển lâu dài có thể dẫn đến xơ gan. Hiện nay, bệnh nhân viêm gan virút C ở Việt Nam đã lên đến 2,7 triệu người, trong đó đã có khoảng 4% tử vong.
Hầu hết bệnh nhân viêm gan virút C đều không hề có các triệu chứng đặc trưng nào. (Hình minh họa)
“Hiện có rất ít người quan tâm đến viêm gan virút C so với viêm gan virút B, nhưng thực tế viêm gan virút C cũng nguy hiểm không kém”, các bác sĩ chuyên khoa cho biết. Nguy hiểm ở chỗ, hầu hết bệnh nhân viêm gan virút C đều không hề có các triệu chứng đặc trưng nào, thậm chí người bệnh vẫn thấy khỏe mạnh nên không biết mình đã bị mắc bệnh mà có biện pháp điều trị bệnh kịp thời. Chỉ đến khi người bệnh thấy chán ăn, mệt mỏi, vàng mắt, vàng da, đau hạ sườn phải… mới đi khám thì lúc này bệnh tình đã ở giai đoạn muộn. Có rất nhiều trường hợp đã chuyển sang giai đoạn xơ gan hoặc ung thư gan.
Viêm gan virút C mạn tính chiếm tỉ lệ cao hơn nhiều so với viêm gan virút B (viêm gan virút C có tỉ lệ khoảng từ 30 - 60%, trong khi đó tỉ lệ này của viêm gan virút B chỉ là 10%). Điều đáng lo ngại nhất là khi bị viêm gan virút C mạn tính, về sau có thể bị biến chứng xơ gan (khoảng 10 - 20%) hoặc nguy hiểm hơn là ung thư gan (khoảng 5%). Tỉ lệ biến chứng xơ gan, ung thư gan so với viêm gan virút B cũng cao hơn nhiều.
Tiếp thêm niềm tin cho bệnh nhân trong điều trị
Theo các chuyên gia y tế, giải pháp tối ưu để ngăn chặn sự tiến triển và những biến chứng của viêm gan virút C chính là điều trị nội khoa sớm và tích cực. GS.TS.BS. Seng Gee Lim, Trưởng khoa Tiêu Hóa Gan Mật, Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: trên thế giới và tại Việt Nam (từ tháng 8/2013) đã đưa nhóm thuốc mới, thuốc ức chế men Protease của virút viêm gan C với hoạt chất chính là Boceprevir vào điều trị và đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ. Đây là dòng thuốc ức chế trực tiếp virút viêm gan C thế hệ đầu tiên, tăng khả năng đáp ứng điều trị ở bệnh nhân. Nhóm thuốc kháng vi rút tác động trực tiếp (DAA) này có tác dụng can thiệp vào khả năng sao chép của virút viêm gan C bằng cách ức chế men Protease của virút.
Phác đồ mới phối hợp 3 nhóm thuốc gồm Boceprevir và Peginterferon alfa Ribavirin cho thấy hiệu quả cả trên bệnh nhân điều trị lần đầu và những bệnh nhân đã từng thất bại với điều trị trước đây. Phác đồ mới không chỉ là một lựa chọn ưu việt cho những bệnh nhân không đáp ứng tốt với phác đồ 2 thuốc hiện tại mà còn giúp rút ngắn thời gian điều trị cho những bệnh nhân đáp ứng điều trị tốt - chỉ còn 28 tuần (bệnh nhân điều trị lần đầu) so với 48 tuần, thậm chí 72 tuần với những bệnh nhân khó đáp ứng điều trị sử dụng phác đồ 2 thuốc trước đây.
Theo khảo sát nhanh với những bệnh nhân viêm gan virút C đã được điều trị bằng phác đồ mới kết hợp 3 thuốc, tỉ lệ thành công đạt trên 70%, tùy thuộc vào kiểu gen. Tại Việt Nam, nhiều bệnh nhân viêm gan virút C được chỉ định điều trị bằng phác đồ có Boceprevir đã ghi nhận có đáp ứng điều trị tốt và đạt hiệu quả cao. Cùng với Việt Nam, 7 quốc gia và vùng lãnh thổ khác tại châu Á như: Singapore, Malaysia, Hong Kong, Philippines, Indonesia, Thái Lan và Australia đã phê duyệt và đưa phác đồ mới vào điều trị viêm gan virút C. Đây được đánh giá là bước đột phá, mở đầu kỷ nguyên mới trong chăm sóc và điều trị bệnh viêm gan virút C.
Minh Quân