1.Viêm đường tiết niệu ở trẻ do đâu?
Trong cơ thể, trên da thường có nhiều loại vi khuẩn, nhất là ở khu vực hậu môn, đường tiểu. Bình thường đường tiết niệu vô khuẩn hoặc cân bằng vi khuẩn sẽ không gây bệnh, nhưng khi vi khuẩn từ da, từ hậu môn đi ngược và xâm nhập đường tiết niệu (do vệ sinh kém, không đúng cách, mồ hôi, uống nước ít - đi tiểu ít), gây bệnh.
Bệnh viêm đường tiết niệu gặp ở 8% bé gái và 2% bé trai dưới 5 tuổi. Tỉ lệ bé gái bị viêm đường tiết niệu nhiều hơn bé trai, là do niệu đạo của bé gái ngắn hơn, vi khuẩn từ hậu môn dễ dàng xâm nhập vào âm đạo, niệu đạo.
Triệu chứng viêm đường tiết niệu ở trẻ thường khó phát hiện. Trẻ lớn có biểu hiện đau bụng dưới, lưng hoặc bên hông, đi tiểu nhiều hơn. Trẻ có thể kêu đau hoặc khó chịu. Đối với trẻ nhỏ chưa biết kêu, hoặc diễn đạt chưa rõ ràng thì cha mẹ hoặc người chăm sóc cần quan tâm đến các dấu hiệu bất thường khi trẻ đi tiểu: Quấy khóc, ăn kém, khóc ré lên khi đi tiểu, nước tiểu đục, có mùi hôi, tiểu dắt, tiểu són, rối loạn tiêu hóa, sốt… Khi trẻ có các triệu chứng này cần đưa trẻ đi khám bệnh để được điều trị sớm.
2. Điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em thế nào?
Tuỳ theo vị trí nhiễm khuẩn, mức độ, tính chất và chủng vi khuẩn gây bệnh sẽ có phác đồ điều trị khác nhau.
- Kháng sinh: Nguyên tắc chung là lựa chọn kháng sinh thích hợp, tốt nhất là dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ phối hợp điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ khác.
Ở giai đoạn bệnh nhẹ, nhiễm khuẩn tiết niệu thấp thường dùng kháng sinh đường uống kết hợp với thuốc sát khuẩn tại chỗ, điều trị tại nhà.
Nhóm kháng sinh điều trị viêm đường tiết niệu cho trẻ em ưu tiên nhóm diệt vi khuẩn gram âm. Lựa chọn đầu tay là nhóm cephalosporin. Thuốc có tác dụng diệt khuẩn tốt và ít tác dụng phụ hơn các nhóm kháng sinh khác. Kháng sinh nhóm penicillin như amoxicillin, amoxicillin và axit clavulanic, doxycycline (sử dụng cho trẻ trên 8 tuổi), nitrofurantoin, sulfamethoxazole-trimethoprim… cũng khá hiệu quả và an toàn khi sử dụng.
Bác sĩ sẽ căn cứ tình trạng bệnh của bệnh nhân mà kê đơn thời gian sử dụng kháng sinh, liều lượng cũng như phối hợp thuốc. Trường hợp nhiễm khuẩn nặng hơn, có thể cần kết hợp 2 loại kháng sinh tiêm trong 3-5 ngày đầu để đạt hiệu quả điều trị.
Với trường hợp nhiễm trùng nặng (nguy cơ nhiễm trùng thận, nhiễm trùng máu, khi điều trị tại nhà mà không đỡ và có chiều hướng xấu đi, trẻ mất nước do rối loạn tiêu hóa, nôn…) trẻ cần nhập viện ngay để được truyền dịch hoặc kháng sinh qua đường tĩnh mạch.
Hoặc những trường hợp sau cần nhập viện:
+ Trẻ dưới 6 tháng tuổi.
+ Trẻ sốt cao hơn 38.5 độ, khó hạ sốt.
+ Trẻ quấy khóc nhiều.
+ Trẻ bị phát ban…
- Điều trị phối hợp: Các biện pháp điều trị hỗ trợ khác trong bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu bao gồm uống nhiều nước; dùng thuốc hạ sốt giảm đau; dinh dưỡng nâng cao thể trạng.
3. Những điều cần biết khi sử dụng kháng sinh cho trẻ em
Sử dụng kháng sinh cho trẻ để điều trị nhiễm khuẩn nói chung và viêm đường tiết niệu nói riêng cần hết sức lưu ý. Trẻ em không phải người lớn thu nhỏ, nên cha mẹ không tự ý sử dụng kháng sinh cho trẻ. Bởi có những loại kháng sinh được sử dụng rất tốt ở người lớn, nhưng không được sử dụng ở trẻ em.
Chẳng hạn một kháng sinh thường dùng có tác dụng tốt trong nhiễm khuẩn tiết niệu thấp hiện nay như nhóm quinolon, nhưng nhóm thuốc này không được dùng cho trẻ dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, đang cho con bú và trẻ em dưới 16 tuổi vì thuốc ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ do gây tổn thương sụn khớp và tổn thương thận ở trẻ.
Nhóm kháng sinh aminosid cũng có tác dụng tốt, nhưng phải cân nhắc giữa lợi và hại vì thuốc có thể gây độc cho thận, thính giác và thị giác.
Các thuốc clotrimazol, biseptol là thuốc phối hợp sulfamethazol (SMZ) với trimethoprim (TM) được chỉ định cho trẻ, nhưng liều lượng lại phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính và cân nặng của trẻ. Do đó không phải trẻ nào cũng được dùng thuốc giống nhau.
Trong thực tế lâm sàng, nhiều phụ huynh khi con có các triệu chứng rầm rộ thì sốt ruột muốn sử dụng kháng sinh liều cao để mong con mau khỏi bệnh, nhưng khi dấu hiệu bệnh lui, lại có tâm lý sợ tác dụng phụ của kháng sinh nên tự ý dừng thuốc, giảm liều thuốc. Điều này sẽ khiến kháng sinh không đủ tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh còn sót lại, tạo điều kiện cho vi khuẩn kháng thuốc, bệnh tái phát và khó điều trị.
Tái khám đầy đủ và làm các xét nghiệm kiểm tra cần thiết để kiểm tra bệnh có bị tái nhiễm hay không.
Phòng tránh viêm đường tiết niệu ở trẻ em bằng cách nào?
- Không cho trẻ tắm bồn, nhất là ở nơi du lịch, nghỉ dưỡng, khách sạn.
- Tránh cho trẻ mặc quần áo và đồ lót bó sát.
- Lưu ý cho trẻ uống đủ nước.
- Trẻ còn mặc tã, cần thay tã thường xuyên, không để tã ướt hoặc bẩn lâu.
- Trẻ lớn, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ lớn cách vệ sinh vùng kín, hậu môn đúng cách.
Mời độc giả xem thêm video:
Bệnh viêm não virus vào mùa cao điểm, ghi nhận 3 trường hợp tử vong