Điều trị viêm đường hô hấp cấp cho trẻ tại nhà, những lưu ý khi dùng thuốc

22-03-2023 14:29 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Khi thời tiết thay đổi, trẻ dễ bị viêm đường hô hấp cấp. Có nhiều nguyên nhân gây viêm đường hô hấp cấp ở trẻ, trong đó khoảng 80% là do virus. Việc điều trị, chăm sóc và theo dõi tiến triển của bệnh tại nhà là rất quan trọng.

1. Cách theo dõi trẻ bị viêm đường hô hấp cấp

Trong vài ngày đầu bị viêm đường hô hấp, trẻ có thể chỉ sốt nhẹ, có ho đờm hoặc ho khan kèm theo sổ mũi, nghẹt mũi.

Nếu trẻ trẻ vẫn chơi, ăn uống, sinh hoạt bình thường thì hầu hết là do viêm đường hô hấp cấp trên. Nếu trẻ bị viêm đường hô hấp trên do virus, thông thường trẻ không sốt quá 4 ngày.

Cách theo dõi, chăm sóc và điều trị cho trẻ bị viêm đường hô hấp cấp tại nhà - Ảnh 1.

Phụ huynh cần biết cách theo dõi diễn tiến của viêm đường hô hấp cấp của trẻ để kịp thời đưa trẻ đi khám khi cần.

Tình huống này phụ huynh có thể chăm sóc và điều trị hỗ trợ cho tại nhà, bằng cách:

Ngoài ra có thể cho trẻ dùng các bài thuốc dân gian: Mật ong pha với nước ấm cho trẻ nhấp từng ngụm nhỏ (chỉ nên cho trẻ trên 1 tuổi dùng); quất hấp đường phèn/mật ong… Hoặc có thể cho trẻ sử dụng các siro ho thảo dược an toàn (nên hạn chế, chỉ sử dụng khi trẻ ho nhiều về đêm ảnh hưởng giấc ngủ).

Ngoài ra có thể mát-xa mũi cho trẻ bớt nghẹt; dùng máy tạo ẩm không khí để tránh khô mũi; mát-xa huyệt dũng tuyền (giữa gan bàn chân) để giảm ho

Các dấu hiệu cần đưa trẻ đi khám:

  • Trẻ sốt trên 4 ngày hoặc sốt cao từ 39 độ C trở lên quá 3 ngày
  • Trẻ có các biểu hiện mệt mỏi, lờ đờ, nôn...
  • Trẻ có biểu hiện quấy khóc nhiều, lấy tay sờ tai, trẻ lớn nói đau tai, có thể có mủ chảy ra…
  • Xuất hiện dấu hiệu thở nhanh, thở rút lõm…
  • Khởi đầu viêm đường hô hấp với triệu chứng ho, sổ mũi mà không có sốt, sau vài ngày trẻ đột ngột xuất hiện sốt, kèm mệt mỏi…
  • Các triệu chứng ho, sổ mũi tăng lên.
  • Ho sốt vài ngày hết sốt, sau đó sốt lại.

2. Các lưu ý khi dùng thuốc điều trị viêm đường hô hấp cấp

- Kháng histamin (chlopheniaramine, theralen, toplexil , loratadine, cetirizine…): Đây là loại thuốc mà nhiều phụ huynh ưa dùng để ngăn ngừa tình trạng hắt hơi, chảy mũi. Tuy nhiên, thực tế lại không nên dùng với mục đích giảm ho và sổ mũi, vì chúng mang lại tác hại nhiều hơn lợi ích, trừ khi trẻ còn có các chứng bệnh dị ứng kèm theo: Viêm mũi dị ứng, mề đay…

Với trẻ nhỏ, nếu cần dùng kháng histamin thì nên dùng desloratadine sẽ an toàn hơn. Thuốc có thể dùng cho trẻ từ 6 tháng trở lên.

- Giảm ho: Với trẻ trên 6 tuổi và trẻ đi học, nếu ban ngày trẻ ho nhiều, có thể cho trẻ ngậm viên kẹo ho để tránh ồn ào, làm ảnh hưởng tới các bạn trong lớp học và giảm sự đau rát cổ họng do ho khan, có thể cho trẻ ngậm viên thuốc strepsil, viên thuốc ho thảo dược… Mật ong cũng rất tốt, tuy nhiên chỉ dùng cho trẻ trên 1 tuổi, với liều 2,5- 5ml/lần sáng và tối.

- Thuốc co mạch mũi (otrivin, coldi-B...): Chỉ dùng trong trường hợp bất khả kháng, khi tình trạng mũi bị tắc nghẽn hoàn toàn, không thở được bằng mũi dẫn đến không ngủ được, ho rát họng nhiều hơn. Thuốc không nên dùng cho trẻ dưới 2 tuổi và không dùng quá 3-5 ngày. Nếu dùng kéo dài sẽ gây phản ứng dội ngược, sẽ khiến tình trạng tắc mũi nặng hơn khi ngưng thuốc.

Đối với trẻ trên 12 tuổi có thể dùng thuốc co mạch mũi dạng uống hoặc nhỏ/xịt tại chỗ như pseudoephedrine/phenylephrine.

- Khí dung: Chỉ khí dung ventolint (salbutamol) khi trẻ bị khò khè ở đường hô hấp dưới và phải do bác sĩ chỉ định. Phụ huynh không được tự ý dùng trừ trường hợp đã được bác sĩ huấn luyện cách xử trí cơn hen cấp tại nhà.

Cách theo dõi, chăm sóc và điều trị cho trẻ bị viêm đường hô hấp cấp tại nhà - Ảnh 3.

Chỉ khí dung cho trẻ khi phụ huynh đã được bác sĩ huấn luyện cách xử trí cơn hen cấp tại nhà.

Khí dung nước muối sinh lý không được khuyến cáo, mặc dù phun nước muối sinh lý có thể làm loãng nhầy mũi và dễ chảy ra. Thay vì khí dung nước muối sinh lý, nên dùng máy phun tạo ẩm trong phòng cũng mang lại hiệu quả tốt.

Lưu ý, không nên sử dụng các loại thuốc phối hợp nhiều thành phần: hạ sốt, giảm đau (Paracetamol) + kháng histamin chống dị ứng (chlopheniramine) + thuốc chống xung huyết mũi... vì nguy cơ sử dụng thuốc quá liều và lẫn lộn các liều thuốc.

- Kháng sinh: Chỉ sử dụng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn (viêm phổi, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm V.A, viêm amidan do vi khuẩn). Cần đưa trẻ đến khám tại chuyên khoa nhi để được xác định tác nhân gây bệnh do virus hay vi khuẩn trước khi dùng kháng sinh.

- Thuốc chống viêm steroid (prednisolon, medrol, solumedrol….): Chỉ chỉ định cho những trường hợp suyễn trung bình trở lên hoặc cơn nhẹ đáp ứng kém với thuốc giãn phế quản, hoặc các chứng khò khè khó kiểm soát mà chưa loại trừ cơn suyễn.

- Các thuốc kháng viêm khác (alphachymotripsin, lysozym…): Không dùng cho viêm đường hô hấp ở trẻ em.

3. Làm sao để con ít bị viêm đường hô hấp cấp?

  • Cho trẻ tránh xa khói thuốc lá.
  • Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ các mũi vaccin: 5 trong 1, phế cầu, cúm...
  • Rửa tay trẻ và người chăm sóc trẻ thường xuyên bằng xà bông.
  • Không nên cho trẻ tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người đang bị bệnh viêm đường hô hấp.
  • Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu.
  • Vệ sinh sàn nhà, đồ chơi của trẻ thường xuyên...

Mời độc giả xem thêm video:

Ăn nhiều đồ ngọt ảnh hưởng thế nào đến làn da của bạn?

ThS.Nguyễn Minh Hiền
Ý kiến của bạn