Điều trị viêm da cơ địa ai cũng cần biết

02-03-2024 07:00 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Viêm da cơ địa là bệnh da thường gặp, dễ tái phát và thường gặp ở trẻ em. Nếu điều trị tốt bệnh thường khỏi hẳn sau khi trẻ 2 tuổi, không để lại di chứng. Một số ít trở thành mạn tính điều trị khá phức tạp và biến chứng bệnh viêm da nặng...

1. Biểu hiện của viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa ở trẻ dưới 2 tuổi thường gặp nhất, chiếm tới 95%. Lúc này bệnh có diễn biến cấp tính, hay gặp ở má, trán, cằm, có tính chất đối xứng. Trẻ từ 2-5 tuổi thường có diễn biến bán cấp, thường tập trung thành mảng hoặc rải rác, dày da, vị trí ở mặt duỗi, nếp gấp 2 bên, đối xứng.

Viêm da ở địa ở người lớn có diễn biến mạn tính. Mảng da bị viêm thường dày thâm, ranh giới rõ, lichen hoá, các vết nứt đau. Các biểu hiện này là hậu quả của việc bệnh nhân ngứa gãi nhiều. Vị trí thường gặp ở các nếp gấp lớn, lòng bàn tay, bàn chân, các ngón, cổ, gáy, cổ tay, cẳng chân.

Bệnh thường tiến triển theo các giai đoạn:

- Giai đoạn cấp tính: Xuất hiện tổn thương chảy nước, phù nề, da đỏ, ngứa nhiều. Tình trạng này gặp ở trẻ dưới 2 tuổi.

- Giai đoạn bán cấp: Các tổn thương giảm phù nề, giảm xuất tiết, khô hơn, ngứa nhiều, da đóng vảy.

- Giai đoạn mạn tính: Các tổn thương khu trú, dai dẳng, khô, chàm hóa, rất khó điều trị và rất ngứa khiến người bệnh gãi nhiều. Giai đoạn này thường gặp ở người lớn.

Điều trị viêm da cơ địa ai cũng cần biết- Ảnh 1.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm da cơ địa.

2. Các biện pháp điều trị viêm da cơ địa

Điều trị viêm da cơ địa tại nhà

Viêm da cơ địa cần điều trị sớm, ngay từ khi bắt đầu có dấu hiệu. Biện pháp quan trọng nhất lúc này là dưỡng ẩm cho da ngày 3-4 lần. Kem dưỡng ẩm cần được thoa thường xuyên kể cả khi các triệu chứng viêm da đã hết.

Loại trừ thức ăn gây dị ứng: Đối với trẻ em thì phụ huynh cần theo dõi xem loại sữa/thực phẩm nào khi trẻ ăn vào làm gia tăng viêm da cơ địa. Giữ vệ sinh sạch sẽ, không để trẻ gãi lên mặt; sử dụng nước ấm tắm với sữa tắm dành cho trẻ bị viêm da cơ địa. Trường hợp viêm da ở trẻ nặng, cần có chỉ định của bác sĩ về việc dùng thuốc bôi tại chỗ và kem dưỡng ẩm phù hợp.

Với người lớn, trước khi đi khám và có chỉ định dùng thuốc của bác sĩ chuyên khoa da liễu, có thể sử dụng một số cách điều trị viêm da cơ địa tại nhà giúp làm giảm triệu chứng:

Tắm với nước ấm: Có thể pha thêm một ít bột baking soda hoặc yến mạch xay nhỏ vào với nước ấm. Tỉ lệ pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Ngâm mình trong nước đã được pha 10 - 15 phút rồi lau khô cơ thể, dùng kem dưỡng ẩm ngay sau đó.

Không gãi khu vực bị ngứa: Trường hợp quá ngứa chỉ nên sử dụng đầu ngón tay ấn nhẹ vào khu vực bị ngứa để làm giảm cảm giác khó chịu. Tuyệt đối không dùng móng tay để cào, gãi sẽ khiến da tổn thương, tình trạng viêm nặng hơn, nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn. Có thể sử dụng băng cá nhân để băng kín khu vực ngứa để bảo vệ da và hạn chế việc gãi gây tổn thương da.

Điều trị viêm da cơ địa ai cũng cần biết- Ảnh 2.

Không nên gãi vì dễ gây tổn thương và nhiễm khuẩn.

Sử dụng xà phòng: Lựa chọn xà phòng, sữa tắm dịu nhẹ, không mùi và không chất tẩy sẽ tránh làm cho da bị kích ứng. Rửa sạch vùng da tiếp xúc với xà phòng thật sạch bằng nước ấm.

Sử dụng máy tạo độ ẩm: Môi trường với nhiệt độ khô lạnh hoặc nóng ẩm đều có thể khiến vùng da bị viêm ngứa nặng thêm. Nên sử dụng máy tạo độ ẩm kết hợp với điều hòa để không khí trong nhà để cân bằng độ ẩm, tránh đổ mồ hôi...

Quần áo: Dù ở nhà hay đi làm, nên sử dụng trang phục thoải mái, chất liệu mềm, thấm mồ hôi tốt; tránh mặc quần áo bó và chất liệu vải thô cứng... Đây là một phương điều trị viêm da cơ địa nhằm giảm kích ứng da, giảm ngứa.

Nếu dùng kem dưỡng ẩm thường xuyên và thực hiện các bước chăm sóc da tại nhà nhưng không mang lại hiệu quả, cần đến chuyên khoa da liễu để được bác sĩ tư vấn dùng thuốc bôi, thuốc uống hoặc thuốc tiêm cho từng trường hợp.

Các thuốc dùng trong điều trị viêm da cơ địa

Các loại kem bôi trong điều trị viêm da cơ địa giúp giảm ngứa, giảm viêm và mau lành da. Kem dạng mỡ có chứa corticosteroid giúp kháng khuẩn và giảm ngứa rất nhanh và hiệu quả. 

Loại thuốc này cần sử dụng đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu sử dụng ngắn hơn thời gian chỉ định, viêm da cơ địa sẽ dễ tái phát. Nếu lạm dụng có thể làm mỏng da. Quá trình dùng thuốc cần che chắn vùng da được thoa thuốc để tránh ánh nắng.

Các loại kem bôi thông thường được phân loại:

Nhóm 1: Là nhóm thuốc siêu mạnh với các đại diện như kem condrane tape (flurandrenolide); mỡ temovate 0,05 (clobetasol propionate); kem mỡ ultravate 0,05 (halobetasol propionate); mỡ diprolene 0.05 (betamethasone dipropionate).

Nhóm 2, 3: Là nhóm tương đối mạnh, gồm các đại diện như mỡ maxivate 0,05 (betamethason dipropionate); kem mỡ topicort 0,25 (desoximetasone); kem mỡ aristocort 0,5 (triamcinolone acetonide); lifedovate 0.05 (clobetasone butyrate).

Nhóm 4, 5: Là nhóm vừa, gồm mỡ benison 0,025 (betamethazon benzoate); mỡ kem synalar 0,025 (fluocinolon acetonide); Kem cloderm 0,1 (clocortolone pivalate); kem valisone 0,1 (Betamethason valerate).

Nhóm 6, 7: Là nhóm nhẹ, bao gồm: Kem celestone 0,2 (bethamethason valerate); kem medrol 0,25 (methyl prednisolon).

Tùy theo lứa tuổi và tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp cho từng bệnh nhân. Theo đó, các thuốc được phân loại chỉ định cho giai đoạn bệnh như sau:

- Nhóm 1, 2: Chỉ định viêm da cơ địa người lớn dai dẳng Liken hoá; biến chứng eczema bàn tay nặng, eczema dày sừng và khi điều trị thuốc nhóm 3-5 ko đáp ứng.

- Nhóm 3-5: Chỉ định cho trường hợp viêm da cơ địa ở trẻ lớn và người lớn và khi dùng thuốc nhóm 6-7 không đáp ứng.

- Nhóm 6-7: Chỉ định cho da trẻ em hoặc da nhạy cảm...

Trường hợp sử dụng thuốc bôi thông thường không đỡ, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc sovalimus. Đây là chỉ định điều trị cho những bệnh nhân bị chàm cơ địa mức độ vừa và nặng khi không hiệu quả các thuốc điều trị thông thường nêu trên.

Điều trị viêm da cơ địa ai cũng cần biết- Ảnh 4.

Trước khi dùng thuốc, cần đi khám bệnh và dùng thuốc theo đúng hướng dẫn.

Các thuốc khác trong viêm da cơ địa

- Kháng histamin h1 như fexotadine, loratadine... có tác dụng giảm ngứa.

- Thuốc bôi khử khuẩn và diệt khuẩn tại chỗ có thể kèm có corticoid chống viêm như sunfadiazin bạc, diretlex...

- Thuốc chống nhiễm trùng dạng kem kháng sinh được dùng khi da bội nhiễm vi khuẩn, tổn thương da nứt. Người bệnh cũng có thể sẽ phải uống kháng sinh trong một thời gian ngắn để điều trị nhiễm khuẩn.

Trường hợp nặng hơn, khi điều trị bằng các thuốc bôi tại chỗ không đáp ứng, bác sĩ có thể chỉ định thuốc corticosteroid đường uống như thuốc prednisone sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao hơn. Tuy nhiên thuốc cũng có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng nếu sử dụng lâu dài.

Để phòng ngừa viêm da cơ địa bùng phát, bệnh nhân cần lưu ý các vấn đề sau:

- Luôn dưỡng ẩm cho da: Sử dụng kem dưỡng ẩm phù hợp với da ít nhất hai lần một ngày vào mỗi buổi sáng/tối. Trường hợp bệnh đang bùng phát cần thoa kem dưỡng ẩm nhiều hơn, khoảng 4 lần/ngày.

- Tránh các tác nhân có hại: Các tác nhân như như mồ hôi, căng thẳng, thừa cân, béo phì, tiếp xúc với xà phòng, chất tẩy rửa quá mạnh, tiếp xúc với khói bụi và phấn hoa... là những yếu tố nguy cơ làm bệnh viêm da cơ địa bùng phát hoặc nặng thêm. Do đó cần tránh xa các tác nhân này. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có thể bị viêm da cơ địa khi ăn một số loại thực phẩm như trứng, thịt bò, sữa, đậu nành, lúa mì.

- Hạn chế tắm quá lâu: Chỉ nên tắm nước ấm trong khoảng thời gian 10 phút. Dùng sữa tắm dịu nhẹ, không hương liệu, không chất tẩy. Sau khi tắm, nhẹ nhàng dùng khăn mềm vỗ nhẹ lên da để thấm khô nước, không cọ xát khăn với da quá mạnh dễ gây kích ứng.

Mời độc giả xem thêm video:

Những lưu ý cho người viêm da cơ địa khi trời nắng nóng | SKĐS

BS.Cao Đat
Ý kiến của bạn