Hà Nội

Điều trị viêm bờ mi như thế nào?

13-06-2023 15:25 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Thời tiết nắng nóng dễ làm cho các bệnh viêm nhiễm phát sinh, trong đó có viêm bờ mi. Lựa chọn cách điều trị đúng sẽ mang lại hiệu quả, tránh gây phiền toái trong sinh hoạt của người bệnh.

Các phương pháp trị viêm bờ mi mắtCác phương pháp trị viêm bờ mi mắt

SKĐS - Viêm bờ mi có thể để lại những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách, kịp thời…

1. Vì sao mắc viêm bờ mi?

Viêm bờ mi là tình trạng bờ mi mắt bị viêm mạn tính, xuất hiện cảm giác ngứa, bỏng rát, đỏ và phù. Bệnh gây khó chịu nhiều cho người mắc, làm mất tập trung, giảm tầm nhìn. Bệnh thường xảy ra khi các tuyến tiết dầu ở gốc lông mi bị tắc nghẽn, gây kích ứng và ửng đỏ. Nguyên nhân có thể do vi khuẩn, virus, khói bụi ô nhiễm.

Về lâm sàng viêm bờ mi có nhiều hình thái khác nhau:

- Viêm đỏ bờ mi: Đây là hình thái nhẹ, bờ mi đỏ lên, có ít tiết tố, có vẩy, bệnh nhân chỉ cảm thấy vướng nhẹ

- Viêm bờ mi rụng vẩy: Bờ mi đỏ, đóng nhiều vẩy, tiết tố bám dính bờ mi, bờ mi không loét.

- Viêm loét bờ mi: Là hình thái nặng, rất dai dẳng, bờ tự do của mi bị sưng đỏ, phù sau đó xuất hiện vết loét, nhiều tiết tố và rụng lông mi.

photo-1686496487269

Viêm bờ mi khiến người bệnh ngứa, đau, rát ở mắt…

2. Triệu chứng gây viêm bờ mi

Triệu chứng của viêm bờ mi khá đa dạng. Các triệu chứng phổ biến chung cho tất cả các dạng viêm bờ mi với xu hướng tiến triển nặng hơn vào buổi sáng:

  • Chói mắt, chảy nước mắt.
  • Cảm giác cộm khi chớp mắt, ngứa mắt.
  • Bỏng rát.
  • Nhìn mờ.
  • Rụng lông mi, sưng mi.
  • Đóng vảy quanh mắt khi ngủ dậy.

3. Các phương pháp điều trị

Viêm bờ mi là một bệnh mạn tính, tiến triển và rất khó điều trị dứt điểm. Việc điều trị chủ yếu để kiểm soát và giảm triệu chứng cho bệnh. 

3.1. Điều trị không dùng thuốc

- Phương pháp chườm ấm vào bờ mi và những tuyến Meibomian có thể hóa lỏng các chất tiết đông đặc bất thường bằng việc làm nóng chúng. Chườm ấm còn có thể thúc đẩy tăng lưu thông trên những tuyến Meibomian và làm tăng số lượng bài tiết.

Chườm ấm là liệu pháp chính trong điều trị viêm bờ mi. Sử dụng bông tẩy trang, bông hoặc miếng khăn sạch để chườm ấm lên mắt khoảng 10-15 phút, 2-4 lần/ngày. Lưu ý hãy vắt bớt nước trước khi đặt lên mắt. Duy trì đều đặn hàng ngày sẽ giúp tuyến bã giãn nở, giảm tình trạng ứ tắc. Ngoài ra còn làm bông tróc tế bào chết, lông mi rụng, hay bụi bẩn,…

- Massage mi mắt: Massage mi mắt có tác dụng cải thiện sự bài tiết và làm rỗng các tuyến Meibomian, đặc biệt là với những người bị viêm tuyến Meibomian hoặc viêm bờ mi. Massage mi mắt nên được thực hiện ngay sau bước chườm ấm. Dùng đầu ngón tay sạch để massage nhẹ nhàng bờ mi mắt về phía mắt theo chuyển động hình tròn.

3.2. Điều trị dùng thuốc

- Kháng sinh: Có thể dùng tại chỗ với dạng mỡ như erythromycin, azithromycin... hoặc sử dụng đường toàn thân như uống doxycyclin, tetracycline, minocycline…

Việc dùng kháng sinh là để diệt khuẩn trong các trường hợp viêm bờ mi do vi khuẩn. Tuy nhiên sử dụng loại kháng sinh nào, liều lượng, cách thức dùng ra sao cần được bác sĩ thăm khám và chỉ định. Việc tự ý dùng thuốc kháng sinh không những không khỏi bệnh mà có thể gây những tác dụng phụ không mong muốn và làm gia tăng tình trạng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn.

photo-1686496488418

Có thể dùng các thuốc kháng sinh tại chỗ trị viêm bờ mi.

- Thuốc kháng virus: Có thể sử dụng các thuốc kháng virus như acyclovir, famciclovir, valacyclovir trong trường hợp viêm bờ mi do virus như Herpes simplex, varicella Zoster. 

- Các thuốc corticoid: Thuốc corticoid có thể giúp giảm sưng, giảm viêm, từ đó giúp cải thiện triệu chứng. Thuốc thường chỉ dùng cho những bệnh nhân không đáp ứng với các liệu pháp khác. Các thuốc này cần dùng theo đơn của bác sĩ.

Tác dụng phụ có thể gặp nếu lạm dụng bao gồm nhiễm trùng mắt do bội nhiễm, nặng hơn là mờ mắt hay mất thị lực.

4. Làm gì khi bị viêm bờ mi?

- Tránh trang điểm mắt: Để giảm kích ứng, không trang điểm mắt cho đến khi kiểm soát được tình trạng viêm nhiễm.

- Tẩy tế bào chết cho mắt: Tẩy tế bào chết nhẹ nhàng cho mắt giúp làm sạch bụi bẩn ở trên lông mi và số lượng vi khuẩn có trên mi mắt.

- Giữ tay, mặt và da đầu sạch sẽ.

- Không chạm vào mắt, không dùng tay dụi mắt.

- Tẩy trang mắt sạch trước khi đi ngủ.

- Lau sạch nước mắt hoặc thuốc nhỏ mắt dư và dính ở mi mắt bằng khăn giấy sạch.

- Hạn chế đeo kính áp tròng, vệ sinh tay và kính sạch trước khi đeo.

- Thay đổi đồ trang điểm mắt như bút kẻ mắt, bóng mắt, mascara khi sử dụng thời gian dài.

- Tránh tác nhân kích ứng như bụi, khói...

Xem thêm video đang được quan tâm:

3 nhóm thực phẩm cần bổ sung cho người bệnh thiếu máu.

BS. Lê Ngọc Khả Hân
Trường Y dược – ĐH Duy Tân Đà Nẵng
Ý kiến của bạn