Tôi 34 tuổi, vừa rồi bị đau lưng, đái buốt và sốt cao. Tôi đi khám thì bác sĩ bảo bị viêm bể thận cấp và cho điều trị tích cực. Đến nay tôi đã khỏi bệnh, tuy nhiên tôi muốn hiểu biết rõ hơn về bệnh này và các thuốc điều trị bệnh ra sao. Xin quý báo giúp tôi, tôi xin cảm ơn!
Đào Thị Lụa (Bắc Ninh)
Viêm bể thận là bệnh viêm cấp tính tổ chức kẽ của thận do nguyên nhân nhiễm khuẩn, thường là nhiễm khuẩn gr (-), nhiễm khuẩn đa số theo đường ngược dòng gây viêm ở đài bể thận, vào tổ chức kẽ của thận, cũng có thể đi theo đường máu, bạch huyết.
Người bệnh có biểu hiện sốt cao rét run, sốt cao dao động. Môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi. Thể trạng suy sụp nhanh. Có khi có nhiễm khuẩn máu kèm theo đau vùng hố lưng một bên hoặc hai bên, thường là đau âm ỉ, có khi đau dữ dội, đau lan xuống dưới; tiểu buốt, tiểu dắt, nước tiểu có màu đục như nước vo gạo, có thể có máu, mủ.
Để điều trị, nhất thiết phải được các bác sĩ thăm khám cẩn thận, làm các xét nghiệm rồi mới chỉ định dùng thuốc. Cần dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ, nếu không có điều kiện làm kháng sinh đồ thì nên lựa chọn kháng sinh có tác dụng với trực khuẩn gr (-). Kháng sinh nhóm quiinolon là tốt nhất (ciprofloxacine, fefloxacine, levefloxacine...). Nên dùng kháng sinh kéo dài từ 10 - 15 ngày. Cần điều trị 2 đợt cách nhau 1 tuần cho dù xét nghiệm vi khuẩn niệu đã âm tính.
Khi có suy thận thì tránh dùng những kháng sinh độc cho thận như gentamycin, tetracycline.
Bệnh nhân cần uống nhiều nước, uống nước lọc hoặc nước quả ép trong những ngày đầu, nếu có vô niệu thì kiêng rau quả và hạn chế nước. Bù nước và điện giải bằng đường truyền tĩnh mạch. Nếu có suy thận thì phải ăn giảm đạm.
Bệnh được phát hiện sớm và điều trị kháng sinh đúng và đủ liều, các triệu chứng lâm sàng thường giảm nhanh, hết sốt, bạch cầu máu và niệu giảm. Nước tiểu trở về bình thường sau 1 - 2 tuần. Nếu điều trị không đúng thì thường tái phát nhiều lần và trở thành mạn tính hoặc có thể tử vong do nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc hội chứng ure máu cao.
BS. Nguyễn Thị Thúy