1. Viêm âm đạo do tạp khuẩn là gì?
Trong âm đạo có hệ vi khuẩn, chúng cân bằng và kiềm chế khả năng gây bệnh của nhau. Trong đó, lượng vi khuẩn có lợi, tên khoa học là lactobacilli chiếm ưu thế so với các loại vi khuẩn khác, sẽ giúp âm đạo tránh khỏi các tác nhân gây bệnh.
Tuy nhiên, vì lý do nào đó mà lượng vi khuẩn này giảm đi, các loại vi khuẩn kỵ khí phát triển quá mức gây mất cân bằng hệ vi khuẩn âm đạo. Đây là thời điểm thuận lợi cho số lượng vi khuẩn gây hại phát triển và tấn công dẫn đến nhiễm khuẩn âm đạo.
Vi khuẩn kỵ khí gây viêm âm đạo thường gặp là gardnerella vaginalis hoặc mycoplasma hominis…
Cũng như các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, viêm âm đạo do vi khuẩn thường gặp ở phụ nữ có hoạt động tình dục; đặc biệt là với người có nhiều bạn tình cùng lúc. Hiếm gặp ở phụ nữ không có quan hệ tình dục.
2. Cách nhận biết viêm âm đạo do tạp khuẩn
Phụ nữ có thể dễ dàng nhận biết tình trạng viêm âm đạo do tạp khuẩn từ việc thay đổi màu sắc khí hư. Bình thường, khi hư có một lượng nhỏ, màu trong suốt, không mùi.
Khi có dấu hiệu âm đạo ra nhiều khí hư hơn bình thường, có màu đục, trắng ngả xanh xám như mủ, có mùi hôi, đặc biệt là hôi rõ hơn sau quan hệ tình dục… thì đó là dấu hiệu của tình trạng viêm âm đạo do vi khuẩn.
Ngoài ra, có thể thấy ngứa, nóng rát, khó chịu ở âm đạo. Thậm chí đau rát sau quan hệ tình dục.
Ngoài các biểu hiện ở đường sinh dục, thì bệnh nhân còn cảm thấy một số triệu chứng ở đường tiết niệu, như: Tiểu buốt, tiểu rắt… đây là dấu hiệu của viêm âm đạo vi khuẩn dẫn đến viêm đường tiết niệu.
3. Điều trị bệnh thế nào?
Do vi khuẩn gây viêm, nên cần sử dụng kháng sinh đặc hiệu để điều trị bệnh.
Kháng sinh cần phối hợp cả đường uống, đường đặt âm đạo (hoặc gel bôi tại chỗ). Tuy nhiên, đường đặt âm đạo sẽ đạt hiệu quả tối ưu hơn gel bôi.
Các kháng sinh thường được kê trong điều trị, bao gồm một trong các thuốc: Thuốc uống metronidazole, gel hoặc kem metronidazole hoặc kem clindamycin bôi âm đạo. Thời gian dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để dùng thuốc đúng cách.
Nếu bệnh tái phát, có thể dùng 2 đợt thuốc.
Lưu ý: Trong thời gian điều trị viêm âm đạo do vi khuẩn, cần kiêng quan hệ tình dục. Cần điều trị cho cả bạn tình. Phải dùng thuốc đủ liều, do bác sĩ chuyên khoa kê đơn. Sau liệu trình điều trị, bệnh nhân cần đi khám lại để được hướng dẫn tiếp.
Phụ nữ có thai, không sử dụng các loại kháng sinh ảnh hưởng đến thai nhi.
4. Phòng bệnh bằng cách nào?
- Luôn vệ sinh đúng cách
- Không thụt rửa âm đạo.
- Sau khi đi vệ sinh, không lau chùi từ sau ra trước để tránh lây vi khuẩn từ hậu môn đến âm đạo.
- Sử dụng các sản phẩm vệ sinh hỗ trợ.
- Giữ vùng kín luôn khô thoáng, sử dụng quần lót chất liệu cotton, giặt ngay sau khi sử dụng, phơi dưới ánh nắng mặt trời.
- Hạn chế tắm bồn tắm, bồn nước nóng và bồn tạo sóng.
- Không sử dụng các loại xà phòng có tính tẩy rửa mạnh, khử mùi, có chất tạo mùi, nên sử dụng xà phòng vệ sinh dịu nhẹ và không mùi thơm.
- Tránh sử dụng tampon vệ sinh…
- Khi thấy quan hệ tình dục không an toàn, cần sử dụng bao cao su.
5. Viêm âm đạo do tạp khuẩn gây biến chứng gì?
- Nếu bệnh nhân để tình trạng viêm tái đi tái lại, điều trị không đúng cách hoặc dùng thuốc không đầy đủ, có thể bệnh tiến triển viêm ngược lên dẫn đến viêm cổ tử cung, viêm âm hộ, viêm tắc vòi trứng… làm ảnh hưởng đến chức năng sinh sản: Vô sinh, nhiễm trùng ối, sinh non, thai ngoài tử cung…
- Do tình trạng viêm gây khó chịu làm ảnh hưởng tới quan hệ vợ chồng.
- Gây viêm đường tiết niệu do niệu đạo gần với âm đạo nên vi khuẩn dễ xâm nhập vào niệu đạo và gây viêm đường tiết niệu.
Mời độc giả xem thêm video:
Lớp học xuất hiện F0: Trường học an toàn không phải là “Zero COVID" | SKĐS