Hà Nội

Điều trị và phòng tránh viêm da tiếp xúc do côn trùng

09-05-2017 15:20 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Viêm da tiếp xúc do côn trùng có thể gặp rải rác trong cả năm nhưng thường gặp nhất vào mùa hè bởi thời tiết oi nóng, độ ẩm cao.

Viêm da tiếp xúc do côn trùng có thể gặp rải rác trong cả năm nhưng thường gặp nhất vào mùa hè bởi thời tiết oi nóng, độ ẩm cao. Có hai loại côn trùng gây bệnh chủ yếu là ấu trùng bướm hay còn gọi là bướm đêm và kiến khoang.

Viêm da do ấu trùng bướm

Ấu trùng bướm (carterpillar) là ấu trùng của bướm hoặc bướm đêm. Ấu trùng này có lông ngắn, chính lông đó có thể kích thích da gây viêm da. Viêm da do ấu trùng bướm xuất hiện theo mùa trong thời gian ngắn sau khi ấu trùng non xuất hiện, do tiếp xúc trực tiếp với lông bướm hay lông phát tán trong gió. Tuy nhiên phản ứng ngứa của da sau khi tiếp xúc là thứ phát do kích thích cơ học, nhiễm chất giãn mạch hoặc phản ứng tăng mẫn cảm vẫn còn chưa rõ. Ấu trùng bướm đuôi nâu và ấu trùng bướm lông đã được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới. Các nhà khoa học đã phát hiện được trên lông ấu trùng bướm tiết ra một chất giống như histamin là căn nguyên chính gây nên ngứa. Ấu trùng có thể bò trực tiếp trên da hoặc gián tiếp do gió thổi đưa lông dính vào quần áo khi mặc vào sẽ bị bệnh. Thương tổn hay thấy ở vị trí hở như mặt, cổ, tay, chân, đôi khi có viêm kết mạc mắt do đi đường bị ấu trùng bướm bay thẳng vào mắt, hoặc đêm ngủ ấu trùng bò lên vùng mắt. Thương tổn do ấu trùng bướm thường là những ban đỏ phù nề, sẩn và mụn nước, mụn mủ, nóng, đau rát.

Viêm da do độc tố của kiến khoang

Kiến khoang là loại kiến có kích thước nhỏ hơn hạt thóc có cánh bay, bụng thon nhọn có một khoang màu đỏ trên nền đen, tối lại rất hay bay vào bóng đèn bám trên các bức tường, giường, màn và bò cả lên người. Kiến này đốt rất đau và trong bụng chứa một chất độc giống như chất piridin ở sâu ban miêu. Chất này khi tiếp xúc vào da tạo nên viêm da, thối thịt giống như bị tạt axít. Một số người không biết đã lấy tay giết kiến sau đó vô tình sờ lên mặt hoặc gãi lên da đã tạo thành những vết tổn thương dài, hoặc thương tổn ở cẳng tay khi ngủ vắt tay lên trán làm tổn thương lan sang trán, thương tổn ở bắp chân lây sang mặt sau đùi khi ngồi xổm, những thương tổn dạng như trên được gọi là thương tổn hôn nhau (kissing lesson) là dấu hiệu đặc thù chỉ có trong viêm da tiếp xúc do côn trùng.

Điều trị và phòng tránh viêm da tiếp xúc do côn trùngTổn thương do độc tố của kiến ba khoang.

Tính chất của thương tổn là những ban đỏ, mụn nước, mụn mủ, trợt loét nông trên da cũng giống như viêm da do ấu trùng bướm nhưng ở cấp độ nặng hơn, có thể bị nhiều tổn thương trên da, thường gặp ở vùng hở như cổ, mặt, cánh tay, cẳng tay, cẳng chân, đôi khi cũng thấy ở thân mình vùng kín do kiến bám vào quần áo, khi mặc chúng tiếp xúc trực tiếp vào da. Tùy vào vị trí tiếp xúc mà có thể bị một hay nhiều tổn thương cùng lúc, bị đối xứng, bị nhiều nơi khác nhau trên cơ thể.

Điều trị viêm da tiếp xúc do côn trùng

Phải loại bỏ căn nguyên càng sớm càng tốt bằng cách tắm rửa, thay quần áo. Tại chỗ bị tổn thương bôi các thuốc như hồ nước, hoặc thuốc kháng sinh có corticoid như: supricor-N, fusicort, fobancort. Uống thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng histamin trong 5 ngày bệnh sẽ khỏi.Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc mà cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nặng hơn.

Phòng bệnh như thế nào?

Hạn chế côn trùng vào nhà bằng cách đóng kín cửa kính, cửa chớp, tắt điện hoặc treo bóng điện ở ngoài sân, vườn để dụ côn trùng không vào nhà. Khi giặt, phơi quần áo không lộn trái, trước khi rửa mặt kiểm tra khăn mặt xem có sâu bọ bám trên khăn không? Khi nhìn thấy côn trùng bò trên người phải tìm cách xua, phủi côn trùng đi, không được giết côn trùng trực tiếp trên da. Khi đi ngủ phải mắc màn và kiểm tra giường chiếu để phát hiện côn trùng ẩn nấp bên trong. Không giết côn trùng bằng tay, không để da tiếp xúc với chất dịch do côn trùng tiết ra. Khi đã phát bệnh thì không nên chạm tay vào vùng thương tổn rồi chạm vào vùng da khác. Cần mặc quần áo dài, đội mũ, mang các đồ bảo vệ như: Ủng, mũ, găng tay, đeo kính khi đến những nơi côn trùng phát triển như bụi cây, đống rác, đống củi, đống gạch, nhà bỏ hoang... Vệ sinh môi trường sống luôn thoáng, sạch sẽ để ngăn ngừa côn trùng có điều kiện sinh sôi và phát triển.


ThS. Đỗ Xuân Khoát
Ý kiến của bạn